Làn sóng di cư giáo dục ngày càng trẻ hóa, 15 tuổi đã “dịch chuyển”

(Dân trí) - Sự phát triển về kinh tế và nhu cầu tiếp cận các mô hình giáo dục chất lượng hơn, hiệu quả hơn là động lực khiến một nhóm phụ huynh ở các tỉnh cận tâm tạo ra dòng chảy di cư giáo dục sôi động. Nếu như trước đây dòng chảy này thường diễn ra ở lứa tuổi đại học thì trong vài năm gần đây đã lan rộng xuống độ tuổi trung học.

Ngược dòng từ tỉnh về thành phố vì thế hệ sau

Trong lễ mở bán một khu chung cư mới đang được quan tâm tại phía Tây Hà Nội, ngoài khách hàng là gia đình trẻ, hộ gia đình nội đô, nhà đầu tư… thì có một lượng khách hàng không nhỏ là các khách hàng từ các tỉnh lớn như Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định… Họ tới tìm hiểu không phải mua nhà để ở trực tiếp hoặc bán lướt sóng mà nhằm chuẩn bị cho con theo học tại Hà Nội.

Chị Hằng, quê ở Quảng Ninh, một khách hàng tham quan dự án cho biết: “Tôi có 1 cháu gái đang học đại học Ngoại thương và vẫn ở trọ. Giờ con trai sắp vào cấp III, có dự định đi du học nên gia đình định hướng thi vào các trường dân lập tại Hà Nội, cho cháu quen với cuộc sống xa nhà, môi trường học tập hiện đại, ôn luyện tiếng Anh. Tôi quyết định mua một căn hộ để cả 2 chị em sinh hoạt thoải mái, đồng thời, coi như là tài sản “làm vốn” cho con sau này.”

Trường hợp của chị Hằng không hiếm gặp trong xu hướng “di cư giáo dục” đang lên tại các tỉnh, thành phố lớn. Vậy di cư giáo dục là gì, vì sao có xu hướng này và ảnh hưởng của nó tới phụ huynh, học sinh cũng như các đơn vị đào tạo hiện nay ra sao?

Làn sóng di cư giáo dục ngày càng trẻ hóa, 15 tuổi đã “dịch chuyển” - 1
Di cư giáo dục ở độ tuổi trung học không còn là câu chuyện hiếm gặp, phụ huynh các tỉnh ngày càng đầu tư giáo dục cho con.

Lực đẩy từ các tỉnh…

Di cư giáo dục được hiểu ngắn gọn là sự dịch chuyển chỗ ở theo môi trường học. Trước đây, giáo dục đào tạo, nhất là các cấp THCS và THPT thường chịu ảnh hưởng của yếu tố khu vực. Phụ huynh có hộ khẩu ở đâu, con sẽ học tại trường thuộc quận/huyện đó. Hiện nay, cùng với nhiều điều kiện thuận lợi và nguồn lực khác nhau, việc lựa chọn nơi học tập, nhất là các trường THPT và sau này là đại học đang dần ít chịu ảnh hưởng của yếu tố địa phương. Hà Nội là điểm đến “nóng” nhất của nhiều gia đình và học sinh miền Bắc.

Làn sóng di cư giáo dục ngày càng trẻ hóa, 15 tuổi đã “dịch chuyển” - 2
Di cư giáo dục diễn ra sớm, giải quyết nhu cầu phát triển con cái của gia đình các tỉnh.

Thực tế, có rất nhiều phụ huynh tỉnh lẻ có tiềm lực tài chính mong muốn đầu tư giáo dục phổ thông cho con. Tuy vậy, hệ thống giáo dục ở đây còn nặng về hình thức và thi cử, chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như nhu cầu học tập thực tiễn hơn, khai phóng hơn, nên sự dịch chuyển là tất yếu.

Nhiều phụ huynh khá giả sẵn sàng đầu tư tiền tỷ để sở hữu căn hộ nội đô gần các khu vực gần trường dân lập, trường quốc tế chất lượng cao mà mình “nhắm” cho con theo học. Không ít gia đình bố mẹ làm việc ở Hà Nội hoặc đi lại giữa các thành phố cũng chọn mua nhà (hoặc thuê nhà) tại Hà Nội, và cho con theo học các trường tại thủ đô.

Lực hút từ các nguồn lực bên ngoài

Cùng với ý chí tiềm lực kinh tế của phụ huynh, các thuận lợi khác như đường xá giao thông, công việc hay cấu trúc từng gia đình cũng góp phần tạo ra sự dịch chuyển này. Hệ thống giao thông từ các tỉnh về Hà Nội đã được thông suốt bằng đường cao tốc, rút ngắn tối đa thời gian đi lại. Khoảng cách đã không còn là rào cản của phụ huynh trong việc quán xuyến, chăm sóc con.

Mặt khác, độ tuổi trung bình của phụ huynh có con 15 - 18 rơi vào khoảng 35 - 45 tuổi. Nhóm phụ huynh này có tư duy giáo dục hiện đại, dễ tiếp nhận và hưởng ứng những quan điểm mới trong giáo dục hơn so với thế hệ trước. Họ muốn con được phát triển toàn diện về năng lực học tập, năng lực cảm xúc, chung sống và muốn rèn luyện tốt kỹ năng mềm để con sớm tự lập, tự tiếp cận các cơ hội giáo dục tốt ngay từ khi học THPT. Thành tích đã không còn là yếu tố duy nhất.

Làn sóng di cư giáo dục ngày càng trẻ hóa, 15 tuổi đã “dịch chuyển” - 3
Các trường cấp III ngoài công lập cho phép học sinh không có hộ khẩu Hà Nội theo học.

Tuy vậy, nhân tố quan trọng dẫn đến sự dịch chuyển này chính là cuộc đua chất lượng đào tạo ngày càng cao trong chính các mô hình giáo dục tại Hà Nội. Các trường học, nhất là trường dân lập ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục của mình với chương trình học thực tiễn hơn, ứng dụng cao, quốc tế hóa và giảm bớt yếu tố thành tích. Cùng với đó, các hoạt động thể chất, giáo dục trí tuệ, cảm xúc, hoạt động hướng nghiệp… cũng là yếu tố khác biệt khiến phụ huynh nhằm đến các trường này.

Các trường dân lập và quốc tế cũng cho phép học sinh không có hộ khẩu Hà Nội theo học. Những trường cấp III nội trú cũng là điểm đến lý tưởng cho các phụ huynh khi không yêu cầu hộ khẩu Hà Nội, giải quyết vấn đề ăn ở, sinh hoạt khi học sinh, học sinh được sinh hoạt nội trú, tự lập ngay từ tuổi 15.

Làn sóng di cư giáo dục ngày càng trẻ hóa, 15 tuổi đã “dịch chuyển” - 4
Làn sóng di cư giáo dục ngày càng trẻ hóa, 15 tuổi đã “dịch chuyển” - 5

Với mô hình phát triển toàn diện, cơ sở vật chất tốt, trường cấp III nội trú FPT Hà Nội là điểm đến của làn sóng di cư giáo dục trong độ tuổi 15.

Trước đây di cư giáo dục thường diễn ra khi con bước vào tuổi đại học tuy nhiên trong vài năm gần đây, sự dịch chuyển này về các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội đã diễn ra sớm hơn. Cộng với sự bùng nổ của các dự án nhà ở, chung cư tại các quận nội đô như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm hay các khu vực phát triển khác, xu hướng này ngày càng lên cao.

Cơ hội lớn cho thế hệ Z

Di cư giáo dục, ở một mức độ nhất định đang dần tạo ra diện mạo mới cho bức tranh giáo dục cũng như nhà ở tại Hà Nội và các thành phố lớn. Dĩ nhiên, người được hưởng lợi nhất không ai khác chính là các bạn học sinh. Thế hệ Z năng động, hiện đại đang đứng trước nhiều cơ hội tiếp cận các xu hướng giáo dục mới, cơ hội học tập và hoàn thiện bản thân sớm từ làn sóng này.