Làm gì khi con phóng đại bản thân, coi thường người khác?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Một số trẻ yêu bản thân thái quá, luôn tự cao, có nhu cầu phải được nịnh nọt và thiếu sự đồng cảm. Hành vi này có thể báo hiệu chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.

Những người yêu bản thân thái quá thường ưu tiên nhu cầu của họ hơn bất kỳ ai khác. Họ cũng thiếu sự đồng cảm và thường phản ứng bằng những lời chỉ trích, tức giận hoặc phòng thủ. Khi bạn hiểu rằng những hành vi này có thể báo hiệu chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD), bạn sẽ dễ dàng tìm ra giải pháp hơn.

Tiến sĩ Michele Nealon, chủ tịch trường Tâm lý học Chicago, Mỹ, cho biết, trẻ em không thể được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ cho đến khi chúng lớn hơn một chút. Tuy nhiên, những đứa trẻ bộc lộ khuynh hướng ái kỷ có thể sẽ:

Luôn thích độc chiếm các cuộc trò chuyện.

Coi thường người khác.

Phóng đại thành công, thành tích của chúng và làm giảm giá trị thành tích của những người xung quanh.

Gặp khó khăn trong việc đồng cảm với người khác.

Dễ nổi cơn thịnh nộ và nhanh chóng tức giận khi không đạt được mục đích của mình.

Chống lại các nhân vật có thẩm quyền, đặc biệt là khi mọi thứ không diễn ra theo cách của chúng.

Làm gì khi con phóng đại bản thân, coi thường người khác? - 1

Nhiều khi con trẻ dễ nổi cáu khi không đạt được mục đích (Ảnh minh họa: Adobe Stock).

Khi bạn nghĩ rằng con bạn có thể mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, trước tiên phải bắt đầu bằng việc để con được đánh giá bởi một chuyên gia sức khỏe tâm thần.

Đây có thể là nhà trị liệu, nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần chuyên về trẻ em mắc chứng NPD. Sau khi chẩn đoán được xác nhận, điều quan trọng là con bạn nhận được sự hỗ trợ liên tục từ các chuyên gia kể trên để giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và hoạt động xã hội của họ.

Bạn cũng có thể tìm kiếm chuyên gia hoặc nhà trị liệu của riêng mình. Các chuyên gia tâm lý có thể giúp ích cho tâm trạng của bạn, điều hướng các nhu cầu cụ thể của con bạn và hỗ trợ chúng vượt qua những thay đổi mà chúng đang áp dụng trong quá trình điều trị.

Một nhà trị liệu tốt sẽ giúp bạn chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình bởi lẽ, ở gần bất kỳ ai mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ đều rất khó khăn.

Một số cách hữu ích để đối phó với những đứa trẻ ái kỷ bao gồm:

Tìm hiểu về NPD: Bạn càng hiểu rõ về hành vi của con mình, bạn càng dễ dàng chấp nhận bản chất của con, giúp đỡ con và thiết lập ranh giới của riêng bạn.

Nói chuyện với con bạn về cách hành vi của chúng ảnh hưởng đến người khác: Khuyến khích con bạn hiểu tác động của hành vi của chúng đối với người khác. Dạy con rằng không cần phải luôn sử dụng người khác để đáp ứng nhu cầu của chúng.

Tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Dan Peters cho biết, cha mẹ kiên trì dạy con sẽ dần dần sẽ giúp con có thể xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, cũng như có trải nghiệm và thể hiện tình yêu thương với những người xung quanh.

Người ái kỷ thường không nhận ra hành vi của họ tác động đến người khác như thế nào. Chỉ ra những điều này một cách nhẹ nhàng khi con cảm thấy vui vẻ, thoải mái có thể giúp con tìm hiểu những hành vi được và không được chấp nhận.

Đặt ranh giới vững chắc: Ranh giới là khoảng cách hợp lý giữa nhu cầu của cả hai người. Các ranh giới không chỉ nhằm mục đích thay đổi hành vi của con mà còn để bảo vệ nhu cầu và tinh thần của chính bố mẹ.

Học cách xác định các chiến thuật thao túng: Người ái kỷ thích thao túng người khác để đáp ứng nhu cầu của họ theo nhiều cách khác nhau. Khi bố mẹ có thể xác định những điều này thì họ sẽ biết cách bảo vệ bản thân và ranh giới của mình.

Ngoài ra, quan trọng là bố mẹ không để con lạm dụng dưới những hình thức như lời nói, tình cảm, tài chính...

Tìm kiếm mọi sự hỗ trợ có thể: Kết nối con bạn với các chuyên gia sức khỏe tâm thần để giúp kiểm soát bệnh tật của chúng hoặc tìm kiếm những bậc phụ huynh có hoàn cảnh tương tự như bạn có thể giúp ích rất nhiều trong cách bạn cư xử, dạy bảo con cái.

Chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi: Rối loạn nhân cách ái kỷ là một căn bệnh phức tạp mà một số người không thể thay đổi hoặc giảm nhẹ. Vì thế trong nhiều hoàn cảnh, bạn không nên quá buồn bã, suy sụp, nghiêm trọng hóa cách ứng xử của con. Hãy nghĩ rằng, con bạn cũng không thật tâm muốn như vậy.

Theo Parents