“Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ”

(Dân trí) - Nếu ở các nước, nhất là các nước phát triển, văn hóa đọc luôn là một phần quan trọng của việc học thì lạ lùng ở Việt Nam lại có nghịch lý việc học cản việc đọc. Không hiếm thầy cô, phụ huynh nói với trẻ rằng bận học làm gì có thời gian đọc sách; lo mà học đi...

Các nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết về văn hóa đọc tại tọa đàm "Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ" do Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, Hội Xuất bản Việt Nam và báo Tuổi trẻ tổ chức vào sáng 19/4 tại TPHCM. 

Đề nghị Bộ GD-ĐT đưa đọc sách vào chương trình chính thức

"Cho tiền thì lấy... "

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Trưởng ban Dự án Sách hay dành cho học sinh (HS) tiểu học cho biết họ đã đi tìm hiểu, khảo sát thư viện của 42 huyện, hơn 800 trường tiểu học trong quá trình thực hiện dự án tặng sách cho trường học. Họ nhận thấy có quá nhiều cản trở đối với việc tiếp cận văn hóa đọc của HS. Đáng ngại nhất chính là việc thiếu tầm nhìn về sách của cán bộ quản lý. 

“Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ” - 1

Bà Hoàng Thị Thu Hiền

 "Chúng tôi không ít lần bị “tức ngực, té ngửa” khi mình đến tặng sách, Một số quản lý ở Phòng Giáo dục nói rằng cho tiền thì họ lấy, còn sách thì lắc đầu; cho rằng trò học SGK là đủ, thêm sách khác sẽ rối hay cho rằng sách đủ rồi, không lấy thêm... Trong khi, chúng tôi xuống khảo sát thực tế thư viện của một số trường trong huyện thì chỉ có lèo tèo vài cuốn", bà Hiền nói. 

Bà nhớ nhất trường hợp của một Phòng Giáo dục, khi nghe thông tin tài trợ họ rất vui, niềm nở nhưng sau biết chỉ mọi người đến tặng sách... thì dự án không thể nào tiếp cận được nữa. 

Cũng không ít phòng hiệu trưởng ở một số trường rất đẹp, rất tiện nghi, bàn ghế đắt tiền, còn phòng thư viện cho HS thì nhếch nhác nằm khuất sau gần khu vực nhà vệ sinh. 

Một số thầy cô, khi nhận sách là nhận trách nhiệm đưa cho HS đọc nhưng rồi cả thùng sách vẫn cứ nguyên ở góc lớp không cho HS động đến, nhiều người sợ thêm việc, sợ mất sách... 

"Như thế này thì làm sao mong chờ gì ở việc học trò được tiếp cận với sách, với văn hóa đọc", bà Hiền nghẹn lời. 

“Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ” - 2

Một giờ đọc sách của học sinh TPHCM do giáo viên tự tổ chức 

Bà Hoàng Thị Thu Hiền cũng băn khoăn, Bộ GD-ĐT có những dự án tiền tỷ cho cái này cái kia, cho SGK nhưng chưa thấy dự án nào tạo ra những bộ sách đọc đúng chuẩn để bổ sung kiến thức về mọi phương diện dành cho HS tiểu học cũng như các cấp. 

Việc học cản việc đọc 

Nếu ở các nước, nhất là các nước phát triển, văn hóa đọc luôn là một phần quan trọng của việc học thì lạ lùng ở Việt Nam lại có nghịch lý việc học cản việc đọc. Không hiếm thầy cô, phụ huynh nói với trẻ rằng bận học làm gì có thời gian đọc sách; sách ảnh gì, lo mà học đi... 

“Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ” - 3

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết

PGS.TS Hoàng Thị Tuyết (ĐH Sư phạm TPHCM) bày tỏ sự ngạc nhiên khi bà không hề thấy dòng nào trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đề cập đến việc phát triển văn hóa đọc cho HS. Việc học và thi lâu nay của chúng ta không tạo động lực hay khuyến khích cho HS đọc sách. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, tổ trưởng tiếng Việt, trường song ngữ Horizon lên tiếng về việc các nhà quản lý giáo dục phổ thông chỉ chú trọng tỷ lệ lên lớp, kết quả các kỳ thi; thầy cô tập trung hết cho việc hoàn thành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu. HS chúng ta chỉ thuần túy đọc, học SGK, học thuộc lòng đề cương.... 

Bà Diệp nói thêm: "Cùng với việc các em mất quá nhiều thời gian để đi học thêm đã vắt kiệt sức con trẻ. Và một sự thật là ngay cả thầy cô giáo cũng rất ít người có thói quen đọc sách".

Đề nghị Bộ GD-ĐT đưa tiết đọc sách vào chương trình 

Tại tọa đàm, rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT cần đưa giờ đọc sách, tiết đọc sach vào chương trình chính thức để thành yêu cầu bắt buộc, có hệ thống. Còn hiện nay, từng thầy cô, hay từng nhà trường nếu có sự quan tâm văn hóa đọc cho HS thì đều phải "tự bơi", hay kiểu như là "làm thêm, làm mướn, làm lén" rất vất cả khi chưa có quy định cụ thể. 

Ông Từ Lương, Phó GĐ Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, có tới 44% người Việt thi thoảng mới đọc sách, 26% không bao giờ đọc sách theo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á là con số rất đáng ngại.

Ông Lương đã đưa ra ý kiến đề xuất với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc thực thí điểm tiết đọc sách trong trường, TPHCM sẽ thực hiện ở một số trường để từng bước cải thiện văn hóa đọc cho người Việt.

Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED bày tỏ, văn hóa đọc hướng con người đến sự hiếu tri, văn minh, thức tỉnh dân trí. Thay vì mong chờ ở trên cho phép, ra quy định thì chính mỗi người từ bố mẹ, thầy cô, quản lý.. xây dựng văn hóa đọc cho mình và cho con, học trò là việc cần làm. 

"Nhất là trong gia đình, không ai cấm bố mẹ tổ chức tiết đọc sách, giờ đọc sách cho con hết. Đây chính là nền tảng quan trọng nhất hình thành thói quen đọc sách", ông Trung gợi ý. 

Hoài Nam