Làm gì để quản trị tốt xung đột nội bộ nhà trường?

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Nhà trường vẫn thường xảy ra những xung đột nội bộ, từ phạm vi cá nhân đến tập thể, từ mức độ đơn giản đến phức tạp. Giải quyết xung đột nội bộ thể hiện năng lực quản trị của lãnh đạo nhà trường.

Phóng viên Dân trí đã có trao đổi với PGS.TS. Đỗ Tiến Sỹ, Học viện Quản lý giáo dục về những vấn đề giải quyết xung đột nội bộ từ góc độ xây dựng, phát triển văn hóa nhà trường.

Làm gì để quản trị tốt xung đột nội bộ nhà trường? - 1

Lấy sự ổn định, đoàn kết nội bộ, đảm bảo văn hóa nhà trường làm phương châm hóa giải xung đột (ảnh minh họa trên Internet)

Xung đột nội bộ nhà trường phản ánh trạng thái văn hóa tổ chức nhà trường

Phóng viên: Thưa PGS, ông có nhận xét gì về vấn đề xung đột và xung đột nội bộ trong các cơ sở giáo dục hiện nay?

PGS.TS. Đỗ Tiến Sỹ: Xung đột thường được hiểu là biểu hiện trong tâm lý, hành động (không mong muốn) của mỗi cá nhân, tổ chức. Xung đột xảy ra, khi một bên (ai đó, nhóm nào đó,…) nhận ra quyền lợi (mục tiêu, quan điểm, lợi ích) của mình hoặc đối lập, hoặc bị (đe dọa) ảnh hưởng bởi một bên khác. Chính thế, xung đột có kết quả tích cực hoặc tiêu cực, phụ thuộc nhiều vào bản chất và cường độ của xung đột, của ý chí chủ quan của chủ thể hóa giải xung đột.

Xung đột có đặc tính khách quan tồn tại trong tư duy của cá nhân và tổ chức. Giải quyết xung đột là thể hiện năng lực quản trị quan trọng đối với cá nhân và lãnh đạo nhà trường.

Trong nhà trường, xung đột vẫn thường xảy ra (xung đột nội bộ). Tùy theo mức độ, phạm vi ảnh hưởng mà nhà quản trị, nhà điều hành hoạt động của tổ chức nhà trường (hiệu trưởng) có biện pháp, cách thức, kỹ năng hóa giải vấn đề xung đột.

Tuy nhiên, cũng tùy theo năng lực quản trị nhà trường, năng lực quản trị xung đột để hiệu trưởng đưa ra cách hóa giải xung đột nội bộ khác nhau.

Xung đột là tất yếu khách quan trong nhà trường. Những dấu hiệu khác biệt, đối lập giữa các cá nhân với cá nhân, cá nhân với nhóm, giữa nhóm với nhóm, cấp trên với cấp dưới,… luôn chờ cơ hội để đẩy lên thành xung đột.

Tức là, xung đột được khởi phát từ những tâm lý cá nhân, yêu ghét, khen chê, bằng lòng hoặc không bằng lòng về vấn đề gì đó, có khi rất nhỏ để tích tụ dần dần thành mâu thuẫn, rồi chuyển hóa xung đột.

Với nhà trường, bắt đầu từ những khác biệt mang dấu ấn chủ quan cá nhân, sau đó đẩy đến xung đột của nhóm, rồi của tổ chức. Những nét biểu hiện tâm lý cá nhân này thường được che khuất bởi những giải thích (phần lớn ngụy biện) bởi sự khách quan mang lại xung đột, hoặc được đánh giá xung đột nhỏ, lẻ, không đáng quan tâm.

Những nhóm nguyên nhân dẫn đến xung đốt nội bộ nhà trường được nhìn nhận khá khách quan và toàn diện, liên quan đến phong cách làm việc của cá nhân nhà giáo, phong cách của nhà trường, phong cách lãnh đạo của hiệu trưởng.

Cho nên, nói vui, hãy cho biết xung đột nội bộ trường bạn về vấn đề gì là có thể đánh giá phong cách của tổ chức nhà trường. Và trên phạm vị rộng, xung đột nội bộ nhà trường phản ánh trạng thái văn hóa tổ chức nhà trường đang diễn ra với đầy đủ những biệu hiện có thể nhìn thấy được và không nhìn thấy được.

Hiệu trưởng cần làm gì?

Phóng viên: Từ góc độ văn hóa tổ chức nhà trường, hiệu trưởng cần làm gì để quản trị xung đột nội bộ?

PGS.TS. Đỗ Tiến Sỹ: Để Quản trị xung đột nội bộ, hiệu trưởng cần thiết xây dựng văn hóa nhà trường để quản trị xung đột nội bộ hiệu quả.

Nói cụ thể hơn, văn hóa tổ chức nói chung được biểu hiện bằng các hệ thống các giá trị, các chuẩn mực, các quy tắc ứng xử, các biểu tượng... mà những cá nhân trong tổ chức tuân thủ, tôn trọng.

Văn hóa nhà trường với tất cả các thành tố như vậy đã tạo nên vẻ riêng, đặc thù của văn hóa tổ chức nhà trường. Văn hóa nhà trường với đỉnh cao là những quy tắc văn hóa có sức mạnh đặc biệt đối với tư duy và hành động, nhận thức và hành vi của cá nhân, tổ chức nhà trường trong hoạt động giáo dục và xử sự xung đột.

Hệ thống giá trị này thiết lập các nguyên tắc hoạt động trong nhà trường, đưa ra các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, trong thực thi hoạt động của các chủ thể trong và ngoài trường học.

Điều này có giá trị như một thiết chế tổ chức, có tác động giảm thiểu những hành động tiêu cực trong nhà trường, hạn chế những hành vi phản văn hóa, trái ngược với nguyên tắc, chuẩn mực giá trị nhà trường.

Thiết chế văn hóa nhà trường sẽ giảm thiểu các xung đột của các bên tham gia hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, đồng thời tạo dựng phương thế xử lý các tình huống xung đột.

Làm gì để quản trị tốt xung đột nội bộ nhà trường? - 2

PGS.TS. Đỗ Tiến Sỹ, Học viện Quản lý giáo dục

Phóng viên: Theo ông, trong quản trị xung đột nội bộ tổ chức trường học sẽ chịu tác động của những yếu tố nào?

PGS.TS. Đỗ Tiến Sỹ: Trong quản trị xung đột nội bộ tổ chức trường học sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố như: môi trường văn hóa, tâm lý, năng lực của các chủ thể tham gia, tính chất xung đột, ….

Các yếu tố này có mặt khách quan và chủ quan, cả tích cực và tiêu cực đan xen, kể cả yếu tố văn hóa tổ chức, nên rất cần thiết tư duy, năng lực của nhà quản trị để tận dụng ưu điểm tích cực, giảm hoãn tiêu cực, hóa giải xung đột hiệu quả.

Chính vì thế, trong quản trị trường học, cán bộ quản lý, chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng cần có tư duy chiến lược, có kế hoạch hành động cụ thể xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường, xây dựng những quy tắc quản trị xung đột nội bộ.

Né tránh không phải là giải pháp an toàn 

Phóng viên: Vậy, theo ông cần có những nguyên tắc nào để hóa giải xung đột nội bộ trong nhà trường?

PGS.TS. Đỗ Tiến Sỹ: Với trọng tâm đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trường học, chúng tôi cho rằng, cần có các bước hóa giải xung đột nội bộ nhà trường, cụ thể:

Trước tiên, lắng nghe, thấu cảm, tôn trọng sự khác biệt, khi xung đột xảy ra, hiệu trưởng cần xác định trách nhiệm phải giải quyết, né tránh không phải là giải pháp an toàn như ngộ nhận, bởi tính tất yếu phát triển của xung đột. Có thể trì hoãn, giãn cách mâu thuẫn không để cho xung đột trầm trọng, những né tránh hoặc thoái thác trách nhiệm thì sẽ rất ảnh hưởng đến uy tín, quyền lực, hiệu quả lãnh đạo của hiệu trưởng.

Hiệu trưởng cần lắng nghe, thấu cảm vấn đề xung đột, cá nhân, liên cá nhân gây ra xung đột với thái độ tôn trọng, cầu tiến bộ trong điều hành, quản trị nhà trường. Suy nghĩ tích cực để hóa giải hiệu quả, bởi xung đột luôn có lí do để tồn tại, tồn tại trong mỗi cá nhân và trong các nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, cần đánh giá nguyên nhân xung đột để hiểu chi tiết, tổng thể cá nhân, liên cá nhân xung đột, vấn đề xung đột, mối liên hệ xung đột với lí do khách quan khác, với bên thứ ba (có thể là nguyên nhân gây xung đột, hoặc lực lượng tham gia hóa giải xung đột),…

Xung đột nội bộ trong trường học có tính đặc thù, nên đây cũng là cơ hội để hiệu trưởng và đội ngũ nhà giáo, nhân viên đánh giá, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thiết chế văn hóa, quy tắc giao tiếp, ứng xử của nhà trường.

Thứ Ba, thực hiện hóa giải vấn đề xung đột (không tập trung vào cá nhân, sử dụng vai trò bên thứ ba can thiệp: Thực hiện hóa giải xung đột rất cần tới những kỹ năng mềm của hiệu trưởng, như: kỹ năng nghe, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng gây ảnh hưởng, kỹ năng giải quyết xung đột,…

Thứ Tư, đánh giá hiệu quả các hoạt động hóa giải xung đột và quản trị truyền thông tích cực về xung đột: Khi xung đột được hóa giải (có thể tạm thời), cần có hoạt động đánh giá các bước, nội dung, biện pháp, kỹ năng hóa giải xung đột.

Thực hiện truyền thông nội bộ tích cực (trong phạm vi xảy ra xung đột) bằng cuộc họp các bên liên quan, thông báo kết quả hóa giải xung đột, không thông tin thất thiệt, không có lợi cho cá nhân, tổ chức, bên liên quan đến xung đột.

Quy trình xử lý bốn bước trên cần thực hiện linh hoạt, tùy theo mức độ vấn đề xung đột, đặc thù về cá nhân, nhóm, tổ chức,… Cách hóa giải cần tuân thủ các nguyên tắc nêu trên, lấy sự ổn định, đoàn kết nội bộ, đảm bảo văn hóa nhà trường làm phương châm hóa giải xung đột.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!