Kỳ vọng thái quá của cha mẹ, đứa trẻ sẽ là kim cương hoặc tan nát cuộc đời

Văn Hiền

(Dân trí) - Bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái, đó là quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ, nhiều trẻ rơi vào trầm cảm, thậm chí tự tử.

Kỳ vọng thái quá của cha mẹ, đứa trẻ sẽ là kim cương hoặc tan nát cuộc đời - 1

Áp lực học tập cho con cũng có thể trở thành hai mặt, một đứa con sẽ trở thành một viên kim cương, hai là có thể khiến tan nát cuộc đời của một đứa trẻ. (Ảnh minh họa).

Con không có quyền lựa chọn

Rất nhiều người trong chúng ta coi con cái là tài sản, là "của để dành". Của cải thì phải mỗi ngày một nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, khoe khoang của người sở hữu.

Những đứa con là "của để dành" của các ông bố, bà mẹ cũng thế, luôn phải đáp ứng nhu cầu khoe khoang không giới hạn của mình. Những đứa trẻ không có bất cứ sự lựa chọn nào, bởi người ta mặc định rằng chúng biết gì mà lựa chọn. Bởi đã bao giờ trong đầu các phụ huynh mất đi ý niệm "dạy dỗ" bọn trẻ đâu.

Em Trịnh Nguyệt Hà chia sẻ: "Từ khi học lớp 7, vì áp lực của gia đình và trường học, bị kỳ thị và coi thường là đứa học dốt nhất lớp. Điều đó khiến em dần ít nói và ngại giao tiếp với mọi người, càng lên lớp cao thì áp lực lại càng lớn.  Thậm chí em không thể hòa đồng với các bạn.

Đỉnh điểm khi lên lớp 9,  bố đã tạo áp lực rất lớn khi muốn em phải đỗ vào trường điểm của huyện. Sau kỳ thi đó, em sút mất 12kg, bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi và buồn ngủ, nhưng em nghĩ bản thân sức khỏe yếu và không quan tâm nhiều. Nhưng đến nay, khi chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, em càng cảm thấy tâm lý không ổn định, suy sụp và không biết phải làm gì".

Em N.P.A. (học sinh lớp 12, trường THPT Lê Quý Đôn) cho hay: "Bố mẹ luôn đặt thể diện lên trên cả con cái của họ, không thi được vào trường "top đầu" hay trượt đại học là nỗi nhục của bố mẹ. Bố mẹ của em luôn so sánh em với các bạn cùng khu phố, em cũng đã cố gắng rất nhiều nhưng nếu nhận được sự đồng cảm của bố mẹ thì có lẽ việc học cũng tốt hơn. Dù buồn rất nhiều và vài lần có suy nghĩ tự tử, nhưng bố mẹ lại là người nuôi nấng em, cho em được bằng bạn bằng bè nên em cũng chẳng thể có sự lựa chọn nào khác cả".

Em Đặng Mỹ Hà (học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ) cho biết: "Lên lớp 12, việc học của em đã rất áp lực, thêm cả tiền học thêm, tiền sinh hoạt phí… và mỗi ngày em đều phải nghe bố mẹ nhắc đi nhắc lại chuyện tốn kém tiền nong. Vì thế em cảm thấy chán học, lực học của em chỉ ở mức khá nhưng bố mẹ lại ép em phải vào trường top đầu kinh tế, em chỉ mong sao lớn nhanh để đi làm, để khỏi đi học, áp lực về kinh tế học hành đã khiến em quá mệt mỏi".

Từ bao giờ, và vì sao cái ý niệm con cái là "của để dành" trở nên phổ biến trong xã hội chúng ta? Có lẽ đã từ rất lâu rồi, khi mà câu nói "trẻ cậy cha, già cậy con" trở thành thành ngữ. Có lẽ chỉ đến bây giờ, khi mà nhu cầu khoe của trở nên mạnh mẽ hơn với sự hỗ trợ của các hình thức truyền thông mới thì sức ép phải trở nên lung linh của những đứa trẻ mới khiến căn bệnh trầm cảm của trẻ con bùng phát.

Các bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình hạnh phúc. Song, không ít người dễ dàng cảm nhận được hạnh phúc của bản thân hơn là hạnh phúc của con trẻ.

Rất khó để cảm nhận niềm vui của con trẻ khi chúng được làm điều chúng thích, song cảm giác hưng phấn của việc đếm like khi khoe con thì lại rất sung sướng. Con trẻ cần hạnh phúc, song "của cải" thì phải để khoe!

Đừng đè áp lực trên đôi vai con

Tiến sĩ Xã hội học Phạm Hương Trà cho biết: "Cũng là một phụ huynh có con năm nay bước vào kỳ thi tuyển sinh vào 10,  mình thấy rằng bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái, đó là quyền lợi chính đáng của các bậc làm cha làm, làm mẹ. Tuy nhiên, khi kỳ vọng thái quá, cha mẹ đã vô tình tạo áp lực tới trẻ.

Thực tế cho thấy, nhiều trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm, tâm thần, thậm chí tự tử khi không đạt kết quả học tập như bố mẹ kỳ vọng, đặc biệt ở các kỳ thi quan trọng như thi vào cấp trung học phổ thông hay thi đại học, cao đẳng…

Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào, để hướng cho con đi đúng theo sở thích, đúng theo niềm đam mê của con. Không nên ép buộc trẻ phải học như bạn này, học như bạn kia. Đừng cố áp đặt con cái theo mong muốn của cha mẹ".

TS Nguyễn Tùng Lâm -Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, chuyện này đa phần là xuất phát từ tâm lý của cha mẹ, có nhiều nguyên nhân khiến cha mẹ phải làm thế này.

Một là so sánh con người ta với con mình và không muốn con mình thua kém vì thế cha mẹ sẽ cảm thấy mình thua kém với người ta. Hai là có những cha mẹ vì lúc còn trẻ đã không làm được vài điều, nên muốn con mình phải làm những điều đó thay mình.

Nguyên nhân thứ ba có thể xuất phát từ cái gọi là thói quen, lúc trước có quãng thời gian ba mẹ cũng chịu những áp lực như thế và đã quen với điều đó và họ cũng nghĩ là con mình cũng sẽ như mình ở thời điểm đó, rồi nó sẽ quên và trưởng thành.

Áp lực cũng có thể trở thành hai mặt, một đứa con sẽ trở thành một viên kim cương, hai là có thể khiến tan nát cuộc đời của một đứa trẻ.

"Khi đối mặt với trường hợp các em có sự lựa chọn chưa chính xác hay do kết quả của kỳ thi không đạt được kỳ vọng, các bậc làm cha làm mẹ xin hãy tôn trọng kết quả đó. Cần phải nhìn sự sai đó như một bài học đầu đời của con để con tự điều chỉnh và có ý thức hơn trong việc học tập, nâng cao ý quyết tâm vươn lên trong cuộc sống" - TS Tùng Lâm nhấn mạnh. 

Kỳ thi đã ngày càng đến gần việc đồng hành và chia sẻ với các con, động viên và hướng dẫn con lựa chọn những ngôi trường phù hợp với năng lực học tập, sở trường là cách phụ huynh thể hiện sự tin tưởng vào chính con em mình. Hơn nữa, điều này cũng thể hiện sự gắn kết, yêu thương của cha mẹ dành cho các em.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ.

Nghiên cứu với 202 trẻ em, trong đó có 22,8% số trẻ em trầm cảm; 23,7% số trẻ muốn tự tử; 10,4% tâm thần; 4% tự kỷ và 2,5% lo âu.

Như vậy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Điều đó khiến một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để "tự chữa", xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, thậm chí gây nguy hiểm với xã hội.

 Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới (WHO).