Kiến thức “ôm đồm” được giảm tải ra sao trong chương trình GDPT mới?

(Dân trí) - Vấn đề giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới được dư luận hết sức quan tâm. Những kiến thức quá hàn lâm hoặc ôm đồm trong chương trình phổ thông cũ sẽ được giảm tải thế nào? Khối lượng kiến thức được giảm ở chương trình GDPT mới so với với chương trình được cho là quá tải như hiện tại bao nhiêu?

Đó là những câu hỏi được nhiều phóng viên đặt ra tại buổi họp báo công bố dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều ngày 19/1.

Chiều 19/1, Bộ GD&DT tổ chức họp báo công bố dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chiều 19/1, Bộ GD&DT tổ chức họp báo công bố dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Áp dụng nhiều cách giảm tải

Trả lời về vấn đề giảm tải kiến thức, GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết, chương trình mới sẽ hướng đến thực hiện giảm tải. Cụ thể, có nhiều cách giảm tải như: giảm bớt kiến thức khó, tổ chức lại nội dung, tích hợp, thay đổi phương pháp dạy học, đổi mới sách giáo khoa (SGK)...

Ví dụ về việc tổ chức lại nội dung, điển hình như môn Lịch sử. Chương trình Lịch sử của cả ba cấp khác với chương trình trước đây ở chỗ hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao. Trong đó, tiểu học chủ yếu dạy lịch sử thông qua các câu chuyện lịch sử; THCS dạy thông sử; THPT không lặp lại thông sử nữa mà có hệ thống các chủ đề và chuyên đề về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, có nhiều cách giảm tải như: giảm bớt kiến thức khó, tổ chức lại nội dung, tích hợp, thay đổi phương pháp dạy học, đổi mới SGK…
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, có nhiều cách giảm tải như: giảm bớt kiến thức khó, tổ chức lại nội dung, tích hợp, thay đổi phương pháp dạy học, đổi mới SGK…

Một cách tổ chức lại nội dung nữa là tích hợp. Thay vì học 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, chúng ta xây dựng môn học mới là Khoa học tự nhiên. Chương trình môn Khoa học tự nhiên được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 3 trục cơ bản là: Chủ đề khoa học - Các nguyên lý/khái niệm chung của khoa học - Hình thành và phát triển năng lực. Trong đó, các nguyên lý/khái niệm chung sẽ là vấn đề xuyên suốt, gắn kết các chủ đề khoa học của chương trình.

Trước câu hỏi của phóng viên băn khoăn rằng: “Vấn đề quá tải không phải do chương trình mà do SGK”, GS. Thuyết khẳng định nguyên nhân do cả chương trình, SGK và cách dạy.

Theo GS. Thuyết, muốn SGK không quá tải thì trước hết phải tập huấn cho người viết sách. Người viết, người thẩm định SGK phải bám sát yêu cầu cần đạt trong chương trình. Bên cạnh đó, sắp tới không chỉ có một mà nhiều sách SGK, nên quá tải hay không cũng là một yếu tố cạnh tranh và các tác giả viết sách phải cân nhắc việc này.

Quy hoạch đào tạo sư phạm, giáo viên được học bồi dưỡng tín chỉ

Về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình GDPT mới, GS. Thuyết cho biết, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng chương trình mới, Bộ GD-ĐT đã hết sức quan tâm kiểm tra, điều tra đội ngũ giáo viên hiện nay về số lượng giáo viên nói chung/ số lượng từng cấp học, môn học; rà soát xem các giáo viên họ còn cần những gì về phương pháp dạy học và các mặt khác.

Trong chuẩn bị giáo viên, Bộ cũng tính toán lại quy hoạch đào tạo sư phạm và bồi dưỡng dần cho giáo viên những phương pháp dạy học mới.

GS. Nguyễn Minh Thuyết giải đáp về vấn đề chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình GDPT mới

“Không phải bây giờ Bộ Giáo dục mới đưa phương pháp mới vào chương trình phổ thông để giáo viên làm quen. Từ trước khi thực hiện trước chình mới - cách đây 5-7 năm, với tinh thần nắm bắt xu thế mới, Bộ GD&ĐT đã giới thiệu nhiều phương pháp dạy học mới, giáo viên đã có thời gian làm quen. Hiện nay ở nhiều cơ sở, giáo viên đã tương đối quen thuộc với phương pháp giảng dạy mới”, GS. Thuyết nhấn mạnh.

Tới đây có những môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý do vậy phóng viên nhiều báo băn khoăn việc giáo viên sẽ dạy ra sao? Theo GS. Thuyết, các giáo viên cũng sẽ được học bồi dưỡng, học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm một môn. Chương trình này Bộ GD&ĐT đang xây dựng. Thời gian từ nay đến khi triển khai chương trình mới ở THCS còn 3 - 4 năm, nên đủ thời gian chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Con người là yếu tố quan trọng nhất nên Bộ đã chuẩn bị chu đáo để tới đây có thể thực hiện thắng lợi.

Ngoài ra, để đổi mới thành công, các địa phương cần đảm bảo đúng quy định hiện nay về số lượng học sinh mỗi lớp học: cấp Tiểu học 35 học sinh/lớp, cấp THCS và THPT 45 học sinh/lớp. “Sĩ số lớp học đông sẽ gây cản trở đổi mới” - GS. Thuyết khẳng định.

Phóng viên các báo đặt câu hỏi xoay quanh chương trình phổ thông mới.
Phóng viên các báo đặt câu hỏi xoay quanh chương trình phổ thông mới.

Về cơ sở vật chất, theo GS. Thuyết, Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) đã được giao nhiệm vụ rà soát, thống kê cơ sở vật chất hiện nay ở các địa phương, thiếu đủ ra sao, lên kế hoạch để có thể thực hiện tốt chương trình mới. Tại Hội nghị các giám đốc Sở GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở về chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thêm nữa, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, chương trình mới phải phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với thực tiễn dạy học ở các trường, các vùng miền khác nhau. Do đó, chương trình mới không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt so với chương trình hiện hành. Chỉ cần học sinh tiểu học ít nhất phải đảm bảo học 6 buổi/tuần; đảm bảo sĩ số học sinh theo đúng quy định trong Điều lệ…

Giáo dục giới tính được dạy từ lớp 1, môn Toán giảm lắt léo

Theo PGS. Mai Sĩ Tuấn, nội dung giáo dục giới tính có được lồng ghép trong môn Tự nhiên xã hội, Khoa học tự nhiên. GS. Tuấn cho biết những nội dung giáo dục giới tính được đưa vào từ lớp 1 nhưng kiến thức cơ bản, nhẹ nhàng, nhằm giúp các em phân biệt được giới, ý nghĩa, tầm quan trọng của giới.

Giải thích việc tích hợp các môn Tự nhiên xã hội, Khoa học tự nhiên ở cấp Tiểu học và THCS, PGS. Mai Sĩ Tuấn cho biết, tích hợp nhằm giúp giải quyết vấn đề tốt hơn. Và cần phải hiểu đây là một môn học, chứ không phải cộng cơ học của 3 môn.

Theo PGS. Mai Sĩ Tuấn, nội dung giáo dục giới tính có được lồng ghép đưa vào dạy từ lớp 1.
Theo PGS. Mai Sĩ Tuấn, nội dung giáo dục giới tính có được lồng ghép đưa vào dạy từ lớp 1.

Nói về chương trình môn Toán, PGS. TS Hà Tuấn Đạt (Thành viên ban soạn thảo môn Toán) cho biết, trong chương trình mới Toán sẽ không quá chú trọng nhiều đến bài tập có nội dung lắt léo, không phục vụ trực tiếp cho phát triển năng lực. Từ đó, cũng đòi hỏi giáo viên có sự thay đổi, trên cơ sở đã được đào tạo, kinh nghiệm giáo viên hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Về môn Ngữ văn, PGS. TS Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên chương trình môn Văn) cho hay: “Môn Văn sẽ mở độ rộng cho giáo viên tự chủ, tự chọn sáng tạo là cần thiết. Liên quan đến thi cử, phải thay đổi cách đánh giá. Ứng với nó, một trong yêu cầu là phải căn cứ vào chuẩn chương trình. Không căn cứ vào một cuốn SGK nào mà khi thi, đánh giá chỉ dựa vào những kỹ năng mà các em có được”.

Bài: Lệ Thu

Ảnh: Bá Hải