Kiểm tra đếm ý môn Lịch sử: Đang làm khó học trò!

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Môn Lịch sử đang làm khó bọn trẻ bằng cách kiểm tra kiến thức dài đếm ý ghi điểm nên giáo viên bộ môn cũng đành bấm bụng soạn sẵn đề cương, phô tô in ấn và phát tận tay cho trò.

Những ngày cuối tháng 4 rộn ràng bài vở ôn luyện cho đợt kiểm tra cuối năm đang lướt qua chóng vánh. Vừa nhắc nhở bọn trẻ ôn bài vừa động viên các con vượt qua chặng đường thi cử xôn xao phía trước bằng nỗ lực và lòng nhiệt thành của tuổi trẻ, tôi bắt gặp những đôi mắt lấp lánh niềm vui song hành nỗi lo toan áp lực học hành ẩn hiện sau lớp khẩu trang.

Cô bé lớp trưởng xin ra ngoài ôm vào một lốc đề cương ôn tập môn lịch sử xin tôi ít phút cuối tiết học văn để phát cho các bạn trong lớp. Mỗi bạn một xấp giấy chi chít chữ, bọn trẻ uể oải lật mở từng trang giấy trong lời xầm xì và tiếng thở dài.

Quả thật, môn sử đang làm khó bọn trẻ bằng cách kiểm tra kiến thức dài đếm ý ghi điểm nên giáo viên bộ môn cũng đành bấm bụng soạn sẵn đề cương, phô tô in ấn và phát tận tay cho trò. Tất nhiên là người thầy lo sót nội dung, sợ rơi kiến thức nên ôm đồm tất tần tật vào đề cương.

Ngắm dáng vẻ uể oải của các con, tôi cố gợi mở và khơi lên tình yêu về môn học gắn với dòng chảy quá khứ hào hùng của ông cha, vẽ nên muôn bức chân dung về con người mạnh mẽ và can trường viết trang sử vàng và nối kết quá khứ - hiện tại - tương lai.

Lịch sử sau bao năm vẫn chẳng thể vun bồi sự hứng thú khám phá, niềm say mê học tập trong lòng học sinh ư? Tiếc thay!

Là một giáo viên dạy văn mê sử, tôi thường lồng ghép những bức tranh của quá khứ vào bài giảng của mình và tôi nhận ra bọn trẻ say sưa lắng nghe chuyện những cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc hóa thành đóa hoa bất tử, chuyện bức ảnh gắn liền bài thơ "O du kích nhỏ" ngợi ca chiến công của người con gái bé nhỏ, chuyện dân ta trong những thời khắc gian khó và ngặt nghèo nhất vẫn sẵn sàng đùm bọc nhau, dìu dắt và đỡ nâng nhau bước về phía ánh sáng…

Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép để bọn trẻ lật mở từng lát cắt thú vị của quá khứ, vun bồi bài học ý nghĩa cho hiện tại và gợi mở hướng đi cho tương lai bền vững. Tôi cảm nhận rõ ràng sự say mê và hứng thú của bọn trẻ qua ánh mắt chăm chú, đôi tai dong dỏng lắng nghe, lắm lúc các con còn ỉ ôi đòi nghe kể chuyện trong những phút giải lao.

Thế rồi mỗi lúc tôi hỏi han kiến thức nào đó liên quan lịch sử, bọn trẻ ngồi im thin thít vì không có câu trả lời. Mỗi lúc tôi cất tiếng hỏi về tình yêu đối với môn sử, bọn trẻ lắc đầu nguầy nguậy. Và bây giờ với định hướng lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn trong nhóm môn xã hội từ lớp 10 theo chương trình phổ thông mới, tôi lân la dò hỏi thì bọn trẻ chối đây đẩy và khẳng định sẽ né hết sức môn học khô và khó ấy.

Lịch sử vẫn là món ăn "khô" và "khó" đối với người trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước cần hơn bao giờ hết những hiểu biết về dòng chảy lịch sử giữ nước và dựng nước cũng như vun bồi niềm tự hào về thế hệ cha anh mấy ngàn năm làm rạng danh hai tiếng "Việt Nam" ư? Vì đâu nên nỗi như thế?

Chương trình dài và khó với chi chít sự kiện phải nhớ, phải thuộc khiến người thầy mải miết cung cấp kiến thức và bọn trẻ ê a học như vẹt mỗi mùa thi cử. Những hô hào đổi mới phương pháp dạy học bộ môn vẫn chưa thật sự khơi lên được nỗ lực sáng tạo và tâm huyết vun bồi tình yêu lịch sử trong lòng người học.

Cách kiểm tra nặng nề việc đánh giá kiến thức học thuộc lòng theo kiểu đếm ý cho điểm buộc thầy trò phải ôn luyện, dò bài tránh trật "đường ray" điểm số... Tất cả góp nhặt tạo nên chiếc áo chật chội khiến học sinh ngán và ngại môn sử.

Lịch sử cần một làn gió mới thổi bùng lên sức sống của bộ môn để gieo trồng hạt giống tốt tươi trong lòng người học. Muốn vậy, lịch sử cần được cởi trói khỏi chương trình nặng nề kiến thức, cách dạy khô cứng của giáo viên và quá trình kiểm tra thi cử phải đổi mới thật sự.

Lịch sử phải được học qua các câu chuyện lịch sử với những nhân vật ấn tượng làm nên bản sắc văn hóa Việt. Dạy sử không chỉ dựa vào sách vở mà cần hơn hết những kết nối với cuộc sống thông qua hoạt động tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa… Kiểm tra sử cần mở rộng các hình thức thực hiện dự án tìm về cội nguồn, sân khấu hóa các nhân vật lịch sử, quay video thuyết trình về một địa danh lịch sử…