Khu nội trú chỉ có… một học sinh

(Dân trí) - Trong khi học sinh phải tìm thuê nhà trọ để tiếp tục “bám” con chữ, thì khu nội trú Trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) lại bỏ hoang…

Video: Khu nội trú Trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) bị bỏ hoang. (Thực hiện: Nguyễn Trang)

Chỉ có một học sinh đăng ký ở nội trú 

Toàn trường THPT Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) hiện có 450 học sinh (HS) chia làm 11 lớp, trong đó có 264 HS cách trường trên 6km hầu hết các em điều ở lại thuê trọ, hoặc đăng ký nội trú.

Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, tâm sự: “Những năm trước, rất đông các HS đăng ký, rồi năm 2013 có được hơn mấy chục em, đến đầu năm 2014, thì chỉ còn một em đăng ký ở, nhưng vì điều kiện an ninh, nên nhà trường đã vận động em ra thuê nhà trọ ở”.

Khu nội trú bị bỏ hoang vì không có học sinh đến ở
Khu nội trú bị bỏ hoang vì không có học sinh đến ở.

Khu nội trú được xây dựng trên thôn A Dinh 1, thị trấn P’rao, cách trường học chừng 2km, do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ, đơn vị thi công là công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Minh Thông. Khu nội trú hoàn thành ngày 28/5/2003, thiết kế gồm 13 phòng ở, ngoài ra còn có nhà bếp, nhà vệ sinh, khu sân vui chơi… Thầy Ngọc cho biết: “Công trình được đầu tư kiên cố và hiện đại, tôi không rõ đầu tư bao nhiêu vì có khá nhiều nguồn nhưng có thể nói khu nội trú này không thiếu gì cả. Năm 2009, nhà trường đã tiến hành sửa chữa tu bổ, đầu tư cải tạo, san lấp mặt bằng cho các em, nhưng HS đăng ký ở cứ ngày càng giảm xuống”.

Được sự hướng dẫn của cô Đinh Ngọc Thúy, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, chúng tôi đến với nhà ở nội trú, cô Thúy cho biết: “Tôi thường hay đi qua đây mỗi lần đi dạy về, với tôi nơi này có nhiều kỷ niệm”.

Để vào được trong khu nội trú, cô Thúy kéo chiếc móc sắt, gỡ tấm lưới ra khỏi cột rào, “chui” vô khuôn viên. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều hạng mục đã hư hại, hàng rào xiêu vẹo, cửa bị mối mọt, tường bong tróc, đổ ngã… Mặc dù bề ngoài nhìn đã xuống cấp, nhưng bên trong, mỗi phòng nội trú các giường tầng gồm 8 giường, nhà bếp tập thể vẫn còn nguyên trạng.
 
Tường nhà xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm
Tường nhà xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm.

Cô Thúy nhớ lại: “Ngày trước mỗi lần thầy cô xuống thăm, HS tụ tập lại rất đông, cùng ca hát và chia sẻ với nhau những câu chuyện. Tôi nhớ khoảng trước sân khu nội trú các em trồng rau sống, rau dềnh..., ở sau trường còn có cả bí đỏ. Bên cạnh khu nội trú còn có cả hệ thống nước sạch. Hàng ngày mỗi thầy cô túc trực ở khu nội trú một đêm, đêm nào thầy cô chưa xuống là các em điện thoại liền”.

Đồng thời, trường cũng “ưu tiên” luôn, HS ở nhà xây, còn giáo viên ở nhà gỗ. Nhưng chỉ sau 1 năm, nhà nội trú cũng phải bỏ hoang do HS  không đăng ký ở nữa, đến đầu năm học 2014 chỉ có 1 HS “dũng cảm” đăng ký ở và hiện được chuyển ra ngoài trọ.

Bên trong căn phòng nội trú còn rất khang trang
Bên trong căn phòng nội trú còn rất khang trang.

Bỏ hoang vì sự an toàn

Để qua khu nội trú nằm cách trường 2km, phải đi qua một cây cầu, và bao quanh đó là rừng núi, không có một hộ dân nào sống.

Thầy Ngọc cho biết: “Nguyên nhân là do xa khu dân cư, người địa phương hoặc từ nơi khác đến uống rượu rồi quấy rối khu nội trú. Mặc dù trường phối hợp cùng công an thị trấn, thôn để xử lý nhưng vẫn khó khăn khiến nhiều HS sợ quá bỏ đi thuê trọ”.

Cô Thúy kể: “Có lần một thanh niên uống rượu rồi leo rào vào khu nội trú, cứ ngồi bắt chuyện với các bạn nữ, đến nỗi các bạn ấy điện thoại cho tôi lên. Sau khi đưa được thanh niên ra khỏi khu, tôi hỏi thì các em nói thanh niên ấy bảo từ huyện Tây Giang (Quảng Nam) xuống chơi”.

Thậm chí, vào mỗi kỳ nghỉ, dù là chỉ về nhà mấy ngày, nhưng các HS nội trú vẫn không dám để đồ ở phòng, vì đã từng xảy ra nhiều vụ ăn cắp vặt.

Chúng tôi gặp anh A Lăng Học - trưởng thôn A Dinh 1, thị trấn P’rao. Anh Học nói: “Muốn đến thôn phải đi qua một vùng hơn 4km hoang vắng. Hiện tại thôn có khoảng 10 em đang học cấp 3, để đảm bảo an ninh đi lại, thôn cùng với trường và gia đình hỗ trợ giúp đỡ, nếu có điều kiện thì đi đón con về tận nhà”. Nên khu nội trú này phải bỏ hoang từ đầu năm 2014.

Riêng việc thuê bảo vệ, cô Thúy cho biết, trường không đủ kinh phí để thuê mà các giáo viên phải thay nhau “canh gác”.

Hiện tại, Trường THPT Quang Trung dự kiến sẽ xây dựng một khu nội trú mới với 15 phòng, gần trường và khu dân cư hơn.

Nguyễn Trang