Bạn đọc viết:

Không học trước lớp 1, con tôi vẫn tự tin học tốt

(Dân trí) - Sau một năm học kiên trì với phương châm “không học trước”, “không học thêm”, tôi cũng đã có được được câu trả lời cho câu hỏi: Có nên cho con học trước lớp 1 không?

Mùa hè đến cũng là thời điểm nhiều phụ huynh băn khoăn với vấn đề tuyển sinh đầu cấp, nhất là bố mẹ có con sắp vào lớp 1. Câu chuyện học trước lớp 1, tìm lớp luyện chữ để các bé làm quen với cách học lớp 1 cũng đang nóng dần.

Bé nhà tôi sinh cuối tháng 12 nên khi đi học khá “non” so với các bạn cùng độ tuổi. Cho đến khi học xong mẫu giáo, con cũng chưa thuộc lòng được bảng chữ cái. Bố mẹ thấy con bé bỏng, ngây thơ nên cũng không đành lòng ép con học chữ trong khi nhiều bạn đã được bố mẹ cho đi học chữ từ lúc còn học mẫu giáo.

Nhớ lại mùa hè năm trước khi vào lớp 1, lúc ấy con tôi chưa thuộc các chữ cái, các con số nhớ lộn xộn, nét chữ thì quá xấu, hơn thế con còn rất lười học, cứ nói đến học lại kêu mệt, đau bụng... Ông bà, các cô, bác thấy thế sốt ruột giục giã: Mẹ nó tìm lớp ôn luyện ngay cho con chứ chẳng biết chữ nào thế này đến lúc đi học làm sao theo được các bạn.

Bố cháu vốn không ép con học hành cũng thay đổi suy nghĩ: Còn mấy tháng nữa là khai giảng năm học mới rồi, em cho con đi luyện chữ, học dần cho quen chứ “đuối” quá thì “đội sổ” à? Bản thân tôi cũng không khỏi lo lắng bởi rất nhiều bạn trong lớp mẫu giáo của con đều thuộc lòng bảng chữ cái và số đếm từ 1 đến 10, có bạn còn cộng trừ rất “siêu”.

Song tôi nghĩ cho con đi học trước, luyện chữ không phải giải pháp tối ưu vì bố mẹ phải căn ke thời gian đưa đón rất vất vả còn con thì phải chịu áp lực sớm. Thay vì tìm lớp học thêm, hàng ngày tôi dành thời gian trò chuyện, khơi gợi cho con niềm đam mê học tập, yêu thích môi trường học ở tiểu học. Tôi hiểu rõ con vốn không có sự tập trung, cũng không thích học chữ nên việc dạy con phải rất từ từ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, bắt đầu từ những việc nhỏ như cách ngồi bàn học, cách cầm bút. Khi bé cảm thấy việc đi học lớp 1 rất thú vị, có thể đọc sách báo, đọc chữ trên ti vi,... việc học chữ trở nên dễ dàng hơn, con có ý thức chăm học và nhớ bài tốt.

Trong khoảng 2 tháng trước thềm khai giảng, về cơ bản con cũng nhớ hết mặt chữ và những vần đơn giản, biết tính toán. Cũng phải thừa nhận trong quá trình đó không phải lúc nào việc học của hai mẹ con cũng êm đềm. Có lúc con mãi không nhớ được một vần mới học, hay học được vần này thì quên vần trước, nhìn chữ này lại đọc thành chữ khác... khiến mẹ bị “stress”, không kiềm chế được nên con bị mắng tơi bời.

Khi con chính thức vào lớp 1, bé rất hào hứng, thích học vì thấy cái gì cũng mới mẻ, từ cách ngồi học, các loại sách vở, đến cách giảng bài của cô giáo, sinh hoạt bán trú... Qua vài buổi học, cô giáo đánh giá con vẫn chậm hơn các bạn trong lớp nhưng được cái thích học, chăm chú nghe giảng.

Tôi được biết nhiều bạn trong lớp con cũng ở tình trạng tương tự và nhiều mẹ tha thiết nhờ cô giáo kèm cặp thêm vì không đủ kiên nhẫn để dạy con học. Tôi cũng nghĩ nhờ cô giáo kèm con sẽ hiệu quả hơn vì cô có kinh nghiệm, nghiệp vụ sư phạm, hiểu tâm lý học sinh lớp 1 hơn. Song cô chủ nhiệm lại khuyên tôi tiếp tục kèm con học ở nhà, vì học một mẹ một con sẽ hiệu quả hơn là cô dạy một nhóm. Cô chỉ nhận kèm thêm cho những bạn chậm tiến bộ mà bố mẹ lại quá bận rộn, không có thời gian dạy con ở nhà.

Cứ như vậy, trong suốt một học kỳ đầu, tôi thường xuyên gặp gỡ cô giáo chủ nhiệm để biết con đã có tiến bộ gì và còn yếu ở đâu để kèm sâu hơn. Từ một cậu bé nhút nhát, chữ viết nguệch ngoạc, học vần chậm, đọc ngọng, con dần tiến bộ rõ rệt, đọc thông, viết thạo. Cuối học kỳ 1, cô giáo chủ nhiệm cho biết con dạo này tiến bộ hẳn, học tốt hơn và đã vươn lên tốp khá của lớp rồi. Cô cũng dành cho phụ huynh một lời khen: Mẹ kèm con tốt đấy!

Tổng kết năm học lớp 1 vừa rồi, điểm thi môn Toán và Tiếng Việt của con đều được 9. Mặc dù vẫn còn thấp hơn so với đa số các bạn trong lớp nhưng tôi cảm thấy vui vì đằng sau số điểm đó con đã trải qua một năm học thực sự vất vả với rất nhiều cố gắng của cả cô giáo, bố mẹ và chính con. Đáng kể hơn là con đã có một năm học khởi đầu thành công dù không vất vả ôn luyện, học trước lớp 1.

Như vậy, nếu các bố mẹ muốn con không bỡ ngỡ khi bước vào lớp 1, chỉ cần dành một ít thời gian mỗi ngày để cùng con làm quen với chữ cái, con số, giới thiệu để con làm quen với môi trường tiểu học thì các con sẽ dễ dàng bắt kịp chương trình. Việc tự kèm con học cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực, nhất là con sẽ giữ được sự háo hức, tò mò đón chờ năm học mới và những cách học hoàn toàn mới khi vào lớp 1. Thế nên, các phụ huynh không cần thiết phải sốt ruột cho con học trước chương trình.

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!