Không có trường ĐH ngoài công lập đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi

(Dân trí) - Về tiêu chí về diện tích đất bình quân tối thiểu phải đạt được là 55m2/SV thì hiện tại không có cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập nào đạt tiêu chuẩn để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng,…

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH GD TN, TN & NĐ) của Quốc hội hiện nay, hầu như không có cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) ngoài công lập nào có thể tiếp cận được các ưu đãi khuyến khích xã hội hóa GDĐH do không thể đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi như quy định tại Quyết định số 1466/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các cơ sở GDĐH ngoài công lập tiêu chí về diện tích đất bình quân tối thiểu phải đạt được là 55m2/SV thì hiện tại không có cơ sở GDĐH ngoài công lập nào đạt tiêu chuẩn để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng,…

Về sự khó khăn của các trường ngoài công lập hiện nay, theo Ủy ban việc thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ đối với các cơ sở GDĐH công lập nhưng chưa có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ cũng góp phần tạo nên sự bất bình đẳng và cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở GDĐH công lập và ngoài công lập.

GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban VH GD, TN, TN & NĐ cho rằng, được Nhà nước hỗ trợ cả về đất đai, cơ sở vật chất và một phần kinh phí thường xuyên nên các trường công lập thường có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp. Đồng thời, do bị khống chế trần học phí nên để tăng nguồn thu, các trường công lập có xu hướng tìm cách tăng số lượng, quy mô đào tạo, mở rộng các loại hình đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo (trong khi năng lực đào tạo của nhiều trường chưa tương xứng). Ngoài ra, các đơn vị công lập không bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng nguồn thu từ người học để đầu tư trở lại cho nhà trường.

Ngược lại, các cơ sở GDĐH ngoài công lập một mặt phải tự lo vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phát triển đội ngũ GV,... nhưng lại phải đối mặt với việc thiếu nguồn tuyển sinh (do có sự cạnh tranh, mở rộng quy mô quá mức của các trường công lập). Mmặt khác, các cơ sở GDĐH ngoài công lập còn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nếu như có chênh lệch thu lớn hơn chi.

Vì vậy, sự đóng góp của các trường ngoài công lập vào việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của đất nước chưa được như kỳ vọng, thậm chí nhiều trường hiện nay còn đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, giải thể vì cơ sở vật chất yếu kém và không tuyển được sinh viên.

Hồng Hạnh