Bạn đọc viết:

Khôi hài chuyện về giáo viên thời Công nghệ thông tin

(Dân trí) - Thời nay, các giáo viên đứng lớp ít người còn soạn giáo án hay làm kế hoạch viết tay. Nhất là hiện nay trên mạng Internet gần như cái gì cũng có, từ giáo án giảng dạy, đề thi; các loại kế hoạch; bài phát biểu; bài tập; sáng kiến kinh nghiệm… nên nhiều giáo viên đụng đến cái gì, cần gì thì tra Google tìm rồi cắt dán, đảo ngược, đảo xuôi là thành của mình.

Là tổ trưởng chuyên môn, hàng tháng phải duyệt giáo án của tổ viên nên tôi cũng gặp nhiều chuyện khôi hài. Hiện nay, khi mà Bộ Giáo dục áp dụng chuẩn kiến thức cho từng bộ môn thì đa số giáo viên giống về phần nội dung. Nhưng rõ ràng về hình thức thực hiện, các bước lên lớp của mỗi cá nhân không thể nào giống nhau được.

Ngoài ra còn có phần khác mà người duyệt giáo án rất dễ phát hiện những sai sót, đó là trong các tiết trả bài kiểm tra khi mà giáo viên chép giáo án trên mạng Internet hoặc xin của ai đó rồi về nhìn sơ qua, sau đó in làm giáo án của mình mà quên trong phần giáo án của người khác soạn có đề tên những học sinh làm bài đạt điểm cao và một số học sinh còn yếu kém… Nếu tổ trưởng duyệt giáo án mà kỹ lưỡng chỉ cần mượn Sổ gọi tên ghi điểm của lớp là phát hiện ra sự dối lừa và cẩu thả khi giáo viên lấy giáo án của người khác làm giáo án của mình.

Trên địa bàn tôi công tác có một chuyện mà người nghe cứ tưởng là chuyện bịa nhưng đó lại là một sự thật đáng buồn. Đó là trong một kì thi học sinh giỏi THCS cấp huyện, học sinh của một trường nọ có 4 em tham gia thi cùng một môn. Đến khi Phòng Giáo dục thông báo kết quả thì cả 4 em được điểm gần như là tuyệt đối. Trong một bữa những hiệu trưởng ngồi lai rai với nhau có một ông hiệu trưởng trường khác hỏi ông hiệu trưởng trường có 4 em đạt điểm cao về kì thi học sinh giỏi vừa qua và có hàm ý khen ngợi giáo viên ôn thi môn đó quá hay. Ông hiệu trưởng trường có học sinh đạt giải thật thà cười mà nói rằng: Cũng chưa hẳn là “hay” mà là “hên” thôi ông ơi, vì khi ôn thì thầy giáo tải trên mạng về nhiều đề học sinh giỏi của các địa phương khác cho học sinh tiếp cận và giải cho học sinh. Ai dè, khi thi thì gặp đúng y chang cái đề đó...

Hóa ra, vị chuyên viên môn nọ được lãnh đạo tin tưởng giao ra đề thi học sinh giỏi nhưng lười đầu tư mà lên mạng tải về làm đề thi cho địa phương mình.

Chúng ta không thể phủ nhận những thế mạnh của công nghệ thông tin, mạng Internet trong cuộc sống hiện đại bởi những lợi ích mà nó đã đem đến cho con người. Nếu chúng ta xem đó là nơi lưu trữ tri thức của nhân loại để học hỏi và trau dồi kiến thức là điều đáng trân trọng. Song, nếu con người chúng ta, đặc biệt là những người thầy không chịu tìm tòi, đổi mới để nâng cao hiểu biết mà xem nó là nơi “tải về” thì đó lại là một điều tệ hại. Mọi kế hoạch, giáo án, bài phát biểu đều được lấy của người khác hay lưu và dùng đi dùng lại trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Có mới chăng chỉ là sự in lại, chỉnh sửa ngày tháng thì thật đáng buồn!

Muốn đổi mới giáo dục, trước tiên phải đổi mới về tư duy của người thầy. Cho dù Bộ Giáo dục có phát động như thế nào, kêu gọi như thế nào nhưng một khi chưa xây dựng được những cán bộ quản lý có đủ tâm và tài, biết khích lệ, kiểm tra, biết tạo cú hích cho đơn vị đi lên bằng tài năng, đức độ của người thầy thì chất lượng giáo dục sẽ luôn đan cài sự thật - giả. Những giáo viên đứng lớp cần nêu cao tinh thần học hỏi, đổi mới thì mới thúc đẩy nền giáo dục nước nhà đi lên được.

Nguyễn Cao

(Giáo viên THCS tại An Giang)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!