Khối A “bội thực” thủ khoa, khối D nhiều điểm kém

Sáng nay, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đã hoàn tất chấm thi môn Ngoại ngữ, phần lớn thí sinh có điểm 3-4, không có thí sinh đạt điểm tối đa. Trong khi, khối A lại tràn ngập điểm 10. Riêng ĐH Bách khoa có khoảng 40 thí sinh đạt 30/30 điểm.

Theo Vụ phó ĐH và sau ĐH Ngô Kim Khôi, đến sáng nay, hầu hết các trường đã chấm 70-80% số bài thi. Cuối tuần, nhiều trường sẽ hoàn tất khâu chấm thi, nhập dữ liệu và công bố điểm cho thí sinh. Sau khi các trường nộp dữ liệu, ngày 12/8, Bộ GD - ĐT sẽ họp bàn để xác định mức điểm sàn.

 

Khối A tràn ngập điểm 10

 

Ngày 25/7, ĐH Dược Hà Nội là một trong những trường đầu tiên công bố điểm thi. Theo Trưởng phòng đào tạo Nguyễn Viết Hùng kết quả thi năm nay vượt trội so với năm 2003. Trường có 4 thí sính đạt điểm tuyệt đối 30/30 (chưa tính điểm ưu tiên) là Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Thu Hiền (Hải Dương) và hai thí sinh còn lại đến từ Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) là Nguyễn Ngọc Tú và Lê Thị Ngọc Diệp.

 

Mặc dù sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, các trường mới được công bố điểm xét tuyển. Nhưng ĐH Dược đã lên phương án điểm chuẩn dự kiến 27,5-28 điểm. Với mức điểm chuẩn kỷ lục này, thí sinh đạt 3 điểm 9 vẫn trượt đại học. Năm 2004, điểm xét tuyển của trường chỉ là 23,5.

 

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tỏ ra khá hân hoan khi khoảng 10% số bài thi đạt điểm 10. Năm nay, trường có 9.940 thí sinh dự thi với xấp xỉ 30.000 bài thi. Như vậy, sẽ có gần 3.000 bài đạt điểm tối đa. Số thủ khoa (30/30 điểm) được dự báo sẽ khoảng 40 thí sinh, bằng số thủ khoa của cả nước năm ngoái.

 

Ngay cả những trường thuộc loại trung bình như ĐH Thương mại, ĐH Giao thông Vận tải... cũng bội thực điểm 10. Số bài đạt điểm tối đa của ĐH Thương mại đã lên đến 4 chữ số, chủ yếu là môn Toán. Nhiều khả năng, ĐH Thương mại sẽ có vài thí sinh thủ khoa.

 

Với điểm thi cao hơn ngất, hầu hết các trường khối A ở Hà Nội đều dự đoán điểm xét tuyển sẽ cao hơn năm ngoái 1-3 điểm. ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, ĐH Dược, ĐH Thương mại... dự kiến dành hết chỉ tiêu để nguyện vọng 1. Tuy nhiên, với đề thi không có khả năng phân loại thí sinh giỏi, các trường sẽ khó khăn trong việc tuyển chọn.

 

Hiệu phó ĐH Khoa học tự nhiên ĐH Quốc gia Hà Nội Bùi Duy Cam thí dụ, nếu trường xét tuyển 23 điểm thì còn thiếu vài chục chỉ tiêu. Nhưng, nếu lấy điểm chuẩn 22,5 thì sẽ thừa vài trăm chỉ tiêu. Lý do, là thí sinh có số điểm 22-24 tại các ĐH quá nhiều. Và bi kịch điểm cao vẫn trượt đại học sẽ tiếp tục lặp lại trong mùa thi này.

 

Đề Ngoại ngữ khó, nhiều thí sinh bị nốc ao

 

Gương mặt kém vui, Hiệu phó ĐH Ngoại ngữ Hà Nội Đỗ Duy Truyền cho biết, trong số 5.000 bài thi Ngoại ngữ, có 55% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Là một trường chuyên ngành Ngoại ngữ, nhưng đại học này không có thí sinh nào đạt điểm 10 và 9,5. Số thí sinh đạt điểm 9 cũng chỉ lác đác "như lá mùa thu". ĐH Ngoại thương Hà Nội, một trường hàng đầu khác của khối D cũng không có điểm 10 và 9,5 Ngoại ngữ.

 

Theo các cán bộ chấm thi của ĐH Ngoại ngữ và Ngoại thương, đề Ngoại ngữ năm nay khó hơn năm ngoái. Một số câu hỏi về ngữ âm không thông dụng, mang tính học thuật. Trong khi, giáo trình phổ thông Ngoại ngữ hiện nay, phần ngữ âm tương đối đơn giản. Một số giáo viên ĐH Ngoại thương đùa với nhau là với đề như thế này, nếu có test thử thì giáo viên cũng chỉ được khoảng 8 điểm.

 

Một số giám khảo cho rằng, tình trạng nhiều điểm kém cũng đặt dấu hỏi về việc dạy Ngoại ngữ trong các trường phổ thông hiện nay. Một số cấu trúc câu khá phổ biến nhưng học sinh vẫn viết sai. Với mức độ đề thi như vậy, nếu thí sinh nắm vững kiến thức có thể đạt trên trung bình. Tuy nhiên, một đề thi không có điểm 10 và 9,5 chắc chắn không phải là đề thi đạt yêu cầu.

 

Với điểm Ngoại ngữ thấp, điểm xét tuyển khối D năm nay dự báo sẽ không cao, đặc biệt là những khoa chuyên ngành Ngoại ngữ (môn này nhân hệ số 2).

 

Theo Việt Anh

Vnexpress