Khi trẻ quá say mê đồ công nghệ

(Dân trí) - Có trẻ mới 2 tuổi đã biết đấm đá, dọa nạt như mấy “ông siêu nhân” trên màn hình, và cứ thế chúng thích làm bạn với màn hình hơn cả vì bố mẹ bận công việc cả ngày, ít có thời gian để chơi với chúng…

Khi xã hội phát triển hiện đại hơn, các điều kiện vui chơi giải trí của trẻ em cũng được nâng lên. Nhiều bà mẹ trẻ không còn hát ru con ngủ bằng những bài dân ca ầu ơ mà thay vào đó bằng âm nhạc trên băng đĩa, thậm chí nhạc Tây, nhạc Tàu đủ loại. Trẻ từ lúc còn nhỏ xíu đã được biết đến mọi sản phẩm công nghệ và các mẹ bỉm sữa đã tận dụng điều này để chăm con một cách nhàn hạ. Thay vì ngồi ôm ấp con, hát hò và kể chuyện cho con nghe thì các mẹ sẽ bật Ipad lên để con tự chơi với đủ các trò. Có trẻ mới 2 tuổi đã biết đấm đá, dọa nạt như mấy ông siêu nhân trên màn hình, và cứ thế chúng thích làm bạn với màn hình hơn cả vì bố mẹ bận công việc cả ngày, ít có thời gian để chơi với chúng.

Không thể phủ nhận, sự giàu có lên của các gia đình đồng nghĩa với việc con cái sinh ra được hưởng cuộc sống vật chất đầy đủ. Ngoài việc dư thừa ăn ngon, mặc đẹp, các em còn được biết đến bao nhiêu nhiều thú vị qua tivi, điện thoại, máy tính. Chẳng thế mà ngày nay, trẻ khôn lớn và trưởng thành hơn nhiều so với trẻ con những thế hệ trước đó. Nhưng nếu cha mẹ không kiểm soát được việc vui chơi giải trí của các con trên các thiết bị đó thì sẽ gây ra nhiều nguy hại. Đến những gia đình vào buổi chiều sau giờ làm việc hoặc vào ngày nghỉ, rất dễ để gặp cảnh những đứa trẻ say sưa với điện thoại hoặc Ipad. Vào thời gian ấy, những người mẹ trẻ đang tất bật với công việc bếp núc, dọn dẹp, con trẻ tự chơi với các thiết bị công nghệ, còn cha của chúng đang bận rộn với những thú vui khác. Lâu dần chúng nghiện những trò giải trí trên màn hình và không muốn rời xa căn phòng của mình.

Nhiều đứa trẻ không thích đến các đám đông như lễ hội, tiệc tùng, chúng cũng không thích tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ở trường hay ở khu dân cư. Ngày nghỉ, các em này chỉ thích ở nhà một mình, đóng kín cửa và ôm Ipad lên giường từ sáng cho đến tối mà không biết chán. Có lúc chúng còn quên ăn, chán học bởi sức hút quá lớn của màn hình đồ điện tử.

Thực tế hiện nay, nhiều gia đình nuôi dạy con kiểu như vậy, họ nghĩ là vô hại và giúp mang lại niềm vui cho trẻ. Điều đó ở một góc nhìn là đúng nhưng khi lớn lên, chúng giống như những con gà công nghiệp thì cha mẹ lại là người buồn lo nhiều nhất. Những ảnh hưởng tiêu cực mà các bậc phụ huynh khó kiểm soát khi cứ để chúng tự “bơi” trong môi trường mạng. Được thêm những kiến thức nhưng cũng đồng nghĩa với việc chúng bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều khi kém về kỹ năng giao tiếp. Nếu trẻ chỉ toàn chơi những trò chơi trên máy mà thiếu các hoạt động thể lực hay vui chơi ngoài trời thì trẻ sẽ bị khiếm khuyết chứ không thể phát triển toàn diện theo như sự mong cầu của các bậc phụ huynh.

Minh Minh