Khi người thầy mất khả năng tự chủ…

(Dân trí) - Mới đây, một huyện ở tỉnh Phú Yên đột ngột cho hơn 50 giáo viên hợp đồng nghỉ việc. Chưa nói đến đúng sai, nhưng hình ảnh nhiều giáo viên nức nở “Nghỉ việc thì không biết phải làm gì” làm nhiều người phải buông tiếng thở dài...

Cốt lõi của giáo dục suy cho cùng truyền cho học sinh khả năng tự chủ, khả năng tư duy. Vậy nhưng, có một sự thật là người thầy lại đang mất đi khả năng tự chủ cơ bản nhất trong công việc lẫn cuộc sống…

Chị Nguyễn Thanh Phương, một phụ huynh có con học mầm non ở Củ Chi, TPHCM kể, gần đây chị thấy, đi học về con lại cầm chiếc xe đồ chơi lạ. Chị hỏi bố - người trực tiếp đưa đón cháu - thì ông nói, cô giáo đưa cho bé cầm vì bé khóc đòi quá.

Chị Phương nói không được, dặn hai ông cháu mai mang trả bởi đây là đồ chơi chung, chỉ chơi ở lớp. Vậy nhưng hôm sau chị lại thấy con tiếp tục cầm về. Người mẹ rầy cả ông ngoại, đến gặp cô giáo thì cô thật tình: Do bé khóc đòi quá nên cô đưa cho bé nín để cho yên không phụ huynh lại nghĩ cô đánh bé.

Giáo viên mắc lỗi phản sư phạm trong tình huống này. Có điều, có thể cô biết rõ việc trẻ đòi cầm đồ chơi chung về nhà sẽ hình thành một thói quen không tốt... Nhưng cô chọn cách này để “che phủ” sự lo lắng, bất an của mình.

Năng lực cần có nhất của người thầy phải là sự tự chủ trong công việc và cuộc sống (Ảnh mang tính minh họa)
Năng lực cần có nhất của người thầy phải là sự tự chủ trong công việc và cuộc sống (Ảnh mang tính minh họa)

Phải nói, dường như giáo viên đang mất tự chủ trong chính công việc của mình. Nhiều thầy cô mang một nỗi lo sợ trong tâm thức, sợ phụ huynh, sợ dư luận... và họ chọn cách làm sao để khỏa lấp nỗi sợ hơn là dám thể hiện đúng với chuyên môn, trách nhiệm.

Trong nghiên cứu so sánh giáo dục Phần Lan và Việt Nam của TS. Nguyễn Khánh Trung và cộng sự, có thể thấy một trong những sự khác biệt lớn nhất giữa giáo viên hai nước chính là sự tự chủ.

Ở Phần Lan, người thầy hoàn toàn có quyền trong lớp học, thiết kế bài giảng theo cách của mình. Họ chủ động, được phân quyền, được tin tưởng bởi đã được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản.

Còn ở Việt Nam, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, nhìn chung giáo viên thực hiện công việc dạy học theo cách được “cầm tay chỉ việc”. Người thầy là thợ dạy, phát ngôn viên của sách giáo khoa. Và đặc biệt họ làm việc dưới nhiều bậc thanh tra từ Sở, Phòng, hiệu trưởng, tổ chuyên môn.

Và còn vô số vấn đề, người thầy của chúng ta đang bị đi khả năng tự chủ với đủ yêu cầu, ràng buộc. Thậm chí, có nhiều vấn đề có hẳn quy định bảo vệ giáo viên nhưng thực tế họ vẫn nằm trong thế bí.

Như việc Bộ GD-ĐT có quy định không ép giáo viên tham gia hội thi giáo viên giỏi các cấp, phải trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng chỉ trên giấy tờ. Nhà trường đã chỉ định thì giáo viên khó mà không “tự nguyện”.

Nhiều năm gần đây, một số địa phương như TPHCM, Khánh Hòa... đã ra quy định, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi các khoản tiền trong trường học. "Phép vua thua lệ làng", nhiều khoản “khó khăn”, nhất là những khoản không giấy tờ sổ sách thì các trường “cậy” hết vào giáo viên. Thậm chí, giáo viên bị xem như là “con nợ”.

Không chỉ trong khuôn khổ chuyên môn, trong khuôn khổ nhà trường, điều đáng ngại nhất là một bộ phận giáo viên đang mất tự chủ với chính bản thân và cuộc sống của mình.

Mới đây, một huyện ở Phú Yên đột ngột cho hơn 50 giáo viên hợp đồng nghỉ việc. Chưa bàn đến đúng sai, nhưng hình ảnh nhiều giáo viên nức nở nói: “Nghỉ việc thì không biết phải làm gì” làm nhiều người phải buông tiếng thở dài.

Họ có thể buồn, có thể sốc, có thể khóc, có thể không chấp nhận được. Nhưng “Nghỉ việc không biết làm gì” thốt ra từ người thầy là một bức tranh không hề sáng sủa về người thầy và cả về giáo dục.

Phẩm chất của người thầy không phải là sự hy sinh, đạo mạo, chỉn chu hay phải thật uyên bác, thật nhiều kiến thức... . Phẩm chất cần nhất của người thầy phải là sự tự tin, tự chủ và tự do.

Một chuyên gia giáo dục ở TPHCM đã từng lên tiếng, nhiều giáo viên của chúng ta chỉ là “thợ dạy”. Mà nếu không “dạy”, họ cũng không có khả năng để làm việc khác, không có khả năng để tự chủ cuộc sống của mình...

Điều này cũng giống như thực trạng của đầu vào ngành Sư phạm: không ít học sinh, không ít người người chọn nghề giáo vì cho rằng bản thân không đủ có khả năng làm việc khác.

Thiết nghĩ, nếu đầu vào Sư phạm kém, người thầy thiếu năng lực, thiếu tự chủ trong chuyên môn, công việc và trong cuộc sống... thì họ lấy năng lượng nào để truyền cho học sinh?

Hoài Nam