Con chuyển trường khác sau khi mẹ chê đồng phục trên Facebook:

Khi học sinh là nạn nhân của người lớn

(Dân trí) - Phụ huynh lên Facebook chê đồng phục của trường con mình đang học là "giẻ rách", thay vì tìm cách lắng nghe thì nhà trường lại làm căng. Kết cục là em học sinh phải chuyển trường khác ngay đầu năm học và hai bên đều bị điều tiếng xấu.

Mẹ chê cà vạt trường như “giẻ rách”, con phải chuyển trường

Trước đó, chị N.T.T.H., phụ huynh học sinh lớp 2 trường Sao Việt (Vstar School) ở quận 7 (TPHCM) đăng lên Facebook so sánh mẫu cà vạt của trường con mình và trường học của Hàn Quốc. Theo chị H., mẫu cà vạt của trường Hàn Quốc được may cố định, cho vào máy giặt quay cũng không mất dáng, học sinh sáng ra đi học mắt nhắm mắt mở cũng có thể cài lên cổ tươm tất. Còn mẫu cà vạt của trường  là "2 cọng dây vải, phải khéo léo thắt vào nhau mới thành hình cái cà vạt".

Chia sẻ của phụ huynh trên Facebook cá nhân về đồng phục của trường con mình học.
Chia sẻ của phụ huynh trên Facebook cá nhân về đồng phục của trường con mình học.

Vị phụ huynh này ghi trên facebook cá nhân rằng: “Nhà cháu nông dân không biết cách thắt cà vạt, thế là mẹ cháu cứ buộc nút vào như dây giày rồi treo lên cổ con. Chưa kể mỗi ngày tống vào máy giặt là 2 sợi nó lại rời nhau ra. Kiếm gần chết mới ra 2 cái sợi ấy để cột vào nhau cho thành cái dây đeo cổ!.

Nhiều sáng, cáu tiết mẹ cháu bảo con nhét đại vào túi đến nhờ cô giáo thắt cho đẹp! Nhưng đến chiều cháu về cà vạt vẫn nguyên trong túi! Tin nói cô bảo con tự thắt đi. Nên mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé! Nếu không làm được thì dẹp đi ạ, chả khác nào cái giẻ rách vắt lên cổ các cháu! Xấu hình ảnh của nhà trường ghê”.

Ngày 21/6/2015, nhân viên nhà trường mời chị H. lên làm việc với ban giám hiệu, nhưng vì đang ở Hà Nội nên chị không thể tới. Chị đề nghị gửi email. Đến ngày 15/7, chị gọi cho cô giáo chủ nhiệm xin phép việc thi xếp lớp tiếng Anh cho con vì bé đang ở Singapore, cô giáo chủ nhiệm đã nói không sao.


Mẫu cà vạt “gây” căng thẳng giữa phụ huynh và nhà trường

Mẫu cà vạt “gây” căng thẳng giữa phụ huynh và nhà trường

Ngày 3/8/2015, trong khi các học sinh khác đến lớp thì con chị H. không nhận được thông báo nào từ phía nhà trường. Chị lên trường yêu cầu được giải thích lý do con mình nghỉ học mà phụ huynh không được thông báo.

Trong băng ghi âm chị H. lưu lại, thầy hiệu phó cho rằng, gia đình nói “cà vạt như giẻ rách" nên trường thấy nặng nề. “Việc đó rất là nặng nề với chúng tôi, nếu không thắt được cà vạt, chị phải đến gặp trường, giáo viên để hướng dẫn cho trẻ. Hơn nữa, nhà trường cũng đã liên hệ với phụ huynh mà chị không lên gặp. Lẽ ra khi từ Hà Nội trở về, chị phải báo lại với nhà trường”, thầy hiệu phó nói.

Chị H. nói rằng ngày 3/8 con chị bị cho nghỉ học mà không hề có một văn bản, hay email nào gửi thông báo từ phía trường. Tới thời điểm hiện tại, trường không có động tĩnh gì nên chị đã xin cho con vào học trường mới.

Trả lời trên các phương tiện truyền thông, bà Chu Thị Ngọc Thịnh, Hiệu trưởng Trường VStar khẳng định không có chuyện trường đuổi học sinh vì mẹ lên Facebook chê đồng phục. Theo bà Thịnh, tường trình của hiệu phó nhà trường nêu trong cuộc trao đổi ngày 3/8 giữa nhà trường và phụ huynh có trao đổi về chuyện cà vạt, có tranh luận nhưng cuối cùng hai bên không tìm được sự đồng thuận trong cách hành xử. Nên phụ huynh đã xin rút học bạ chứ không có chuyện nhà trường trả hồ sơ, học bạ như phụ huynh nêu ra.

Tuy nhiên bà Thịnh cũng cho rằng cảm thấy bị tổn thương bởi những từ ngữ mà phụ huynh đã dùng để nói về đồng phục của trường trên Facebook. Tại sao phụ huynh không gặp trực tiếp tôi hoặc điện thoại, nhắn tin, gửi email để góp ý?

Theo Hiệu trưởng Thịnh, mẫu đồng phục này trường đã sử dụng 5 năm và chưa có phụ huynh nào phàn nàn. Còn về cách thắt cà vạt, các giáo viên trong trường đã hướng dẫn rất kỹ cho học sinh, nhiều em mới vào lớp 1 đã có thể tự thắt thuần thục.

Thiếu phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh

Liên quan đến vụ việc lùm xùm này, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Sở đã nắm thông tin về câu chuyện này. “Sở đã nhận được đơn xin chuyển trường của phụ huynh N.T.T.H. nộp ngày 11/8 do trường Sao Việt gửi lên. Trong đơn nêu  lý do xin cho con về học trường gần nhà ở quận 2 vào lớp 3-1 theo chương trình tiếng Anh Cambridge. Theo ông Hoàng, nếu học sinh bị đuổi học, thì sẽ có câu ghi rõ lý do bị đuổi học vào trong đơn, chứ không ghi “xin cho con về học trường gần nhà”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng cho rằng phụ huynh cũng nên cân nhắc lại cách góp ý của mình. Trong môi trường giáo dục, mọi sự góp ý nên có quy trình. Phụ huynh muốn ý kiến, khiếu nại gì có thể phản ánh trực tiếp lên Phòng GD-ĐT quận 7, hoặc cũng có thể phản ánh trực tiếp đến Sở GD-ĐT TPHCM.

Trong mọi trường hợp nếu phụ huynh bức xúc, Sở GD-ĐT sẵn sàng can thiệp trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi được học tập của học sinh.

“Chúng tôi sẽ mời phụ huynh và nhà trường cùng ngồi lại cùng nhau nói chuyện và có hướng xử lý tốt nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì chị phụ huynh này không có ý định nhờ cơ quan Sở GD-ĐT hỗ trợ”, vị đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nói.

Ngoài ra, ông Hoàng cũng cho rằng qua việc này phía nhà trường cũng cần rút kinh nghiệm và xem lại hành động của mình. Điều cốt lõi vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho trẻ.

Còn hiệu trưởng một trường tư thục thì chia sẻ rằng: “Trong quá trình quản lý, nhất là ở môi trường giáo dục tư, chúng tôi đã gặp không ít phụ huynh cá biệt, thậm chí có người rất quá quắt. Chúng tôi còn gặp những phụ huynh có những hành vi còn quá đáng hơn vị phụ huynh này. Khi phụ huynh không hài lòng về một vấn đề nào đó, họ có thể phản ứng qua rất nhiều kênh với nhà trường.

Bản chất của sự việc vừa qua thì phụ huynh cũng có phần quá đáng, nhất là dùng từ “giẻ rách” là hơi nặng nhưng quan trọng là nhà trường đã chưa khôn khéo khi xử lý vấn đề. Trong vụ việc vừa rồi dù gì đi nữa thì nhà trường cũng bị điều tiếng nhiều hơn.

Thường những trường hợp phụ huynh không hài lòng việc gì thì nhà trường sẽ mời lên để bày tỏ ý kiến. Có những trường hợp phụ huynh bức xúc nói 15-30 phút, chúng tôi cũng phải lắng nghe. Tùy góp ý đúng sai chúng tôi sẽ phân tích, thuyết phục và tránh để xảy ra tình huống căng thẳng”.

Cũng theo vị này, cơ chế giữa nhà trường và phụ huynh là phải có sự phối hợp, bình đẳng như nhau. Sự phối hợp này để đi đến mục tiêu cuối cùng là không làm ảnh hưởng đến việc học hành của học sinh. “Quan điểm của tôi vẫn là khi phụ huynh góp ý, người chịu trách nhiệm cuối cùng giải quyết vẫn là vai trò quản lý của hiệu trưởng. Phải giải quyết để phụ huynh thông cảm, chia sẻ, trên tinh thần tất cả vì mục tiêu là phục vụ cho học sinh”.

Hà Minh