Khi giáo dục "tước" mất khả năng tự nhiên của trẻ

(Dân trí) - Ở tuổi mầm non, tư duy của các em rất bay bổng, sáng tạo. Nhưng khi lên tiểu học, tư duy, suy nghĩ của trẻ bị “lái” theo cách của người khác chứ không còn là của một đứa trẻ.

Triết học - một điều gì đó tưởng như cao siêu, lạ lẫm với thế giới trẻ thơ được các nhà triết học, nhà giáo dục và cả phụ huynh trao đổi sôi nổi tại buổi chuyên đề có tên gọi “Triết học cho trẻ em: Cảm xúc sống và chết” vừa diễn ra tại TPHCM. Từ những xuất phát thực tế, việc đưa triết học đến với trẻ dường như đồng nghĩa với việc “bình thường hóa con trẻ”.

Khi giáo dục tước mất khả năng tự nhiên của trẻ
Chuyên đề "Triết học cho trẻ em" đặt ra vấn đề về tư duy, lập luận, nghi vấn về cuộc sống của con trẻ.

ThS Trần Đình Dũng cho rằng người lớn chúng ta thường không tôn trọng trẻ, hay quy kết suy nghĩ, ước mơ của các em là “tào lao”, tạo nên sự khác biệt lớn trong tương tác giữa hai đối tượng. Trong khi ước mơ, suy nghĩ, tư duy của trẻ em cao và xa hơn người lớn rất nhiều.

Trong quá trình tiếp xúc với trẻ nhỏ trong các chương trình ngoại khóa, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, GĐ đào tạo Trường ngoại khóa Tomato nhận thấy sự thay đổi rất lạ lùng trong tư duy trẻ ở tuổi mầm non và tiểu học. 

“Khi chúng tôi làm việc với trẻ độ tuổi mầm non, có thể thấy rõ suy nghĩ, tư duy của các em rất bay bổng, cao xa và đầy sáng tạo. Vào tiểu học, các em quay lại trường thì khác nhiều lắm, cách em đã nghĩ, tư duy theo cách của người khác “nhét” vào đầu mình”, ThS Uyên Phương nói.

Khi trả lời các câu hỏi, nhất là những câu hỏi “vì sao”, các em không còn tự tin nói theo cách của mình mà thường có thêm động tác nhìn để “bắt” phản ứng của cô giáo. Nếu cô gật đầu thì các em mới lên tiếng còn nếu cô im im là các em không dám trả lời rất tội nghiệp.

“Triết học là gì?” - vấn đề cả ngàn đời nay chưa ai thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng. Nếu theo cách hiểu thông thường, triết học giúp con người biết tư duy theo cách của mình, biết suy luận và nghi ngờ, đặt câu hỏi trước các vấn đề trong đời sống thì theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương: “Việc đưa triết học đến cho trẻ chẳng phải là điều gì cao siêu mà chính là việc để “bình thường hóa” trẻ em. Giáo dục cần trả lại những năng lực bình thường cho trẻ”.

Khi giáo dục tước mất khả năng tự nhiên của trẻ
TS Bùi Trân Phượng: "Chúng ta cần trả lại cho trẻ những năng lực làm người bình thường, làm người tử tế".

Đồng tình với ý kiến này, TS Bùi Trân Phượng chia sẻ, khi con của bà còn nhỏ, tới trường đi học là những tháng ngày lo sợ của bà. Không phải sợ con được tiên tiến hay không mà là nỗi sợ liệu nhà trường đã làm gì tổn thương, làm hại con mình như thế nào. Bà cần biết để còn bảo vệ con nhưng có những chuyện khi con đã 20 tuổi, bà mới được hay.

Với trăn trở của một người mẹ, một nhà giáo trong gia đình có nhiều thế hệ theo nghề giáo, bà Phượng rất đau đớn khi phải nói rằng, "những điều nhà trường làm tổn thương con trẻ có cho bà kể ba ngày, kể cũng không hết".

Theo TS Bùi Trân Phượng, con người sinh ra có sẵn những khả năng tự nhiên, có trái tim, cảm xúc, biết tư duy, suy nghĩ… Nhưng khả năng tự nhiên đó bị làm thui chột khủng khiếp. Một đứa trẻ 3 - 4 tuổi lên đến 7 - 8 tuổi đã bị thui chột ghê gớm thì đến tận 18 - 20 tuổi các em bị tổn thương đến mức nào nữa? Chúng ta cần trả lại cho các em năng lực làm người bình thường, làm người tử tế.

Cũng vì vậy, khi tiếp xúc với sinh viên, bà Bùi Trân Phượng thường đặt câu hỏi “Liệu các bạn còn cơ hội để thay đổi, để trở lại với những khả năng tự nhiên, trở lại làm người bình thường, người tử tế không?”.

Nhà giáo dục này nhắn nhủ, nhiều thành phần trong xã hội từ nhà trường, người thầy, các tổ chức và đặc biệt là phụ huynh phải chung tay để "cứu" con em mình. Không phải là cái gì cao siêu, không phải cho bằng thế giới hay chạy đua với toàn cầu, công dân toàn cầu gì đó mà trước hết hãy giúp trẻ giữ được những khả năng tự nhiên và sống tử tế.

Hoài Nam