Bạn đọc viết:

Khi doanh nghiệp phải xin thầy cô cho sinh viên điểm kém

(Dân trí) - "Xin phép thầy cô cho các bạn điểm kém thôi, đừng cho điểm cao dễ dàng để các bạn tập trung vào việc học. Từ bậc phổ thông các em đã rất thụ động ngồi nghe, nếu bậc ĐH tiếp tục được thầy cô chiều và thương sinh viên bị điểm kém sẽ ảnh hưởng khi xin việc, thì sự thụ động càng thụ động hơn và lười đi".

Nếu là người ngoài cuộc hẳn sẽ thấy rất ngạc nhiên khi nghe đại diện doanh nghiệp phàn nàn như trên. Nhưng nếu là người trong cuộc thì trong nụ cười lại có cả nước mắt. Cho sinh viên (SV) điểm kém đâu phải việc gì khó khăn ghê gớm nhưng sao doanh nghiệp lại phải "xin" vẫn không được?

Doanh nghiệp nào, cơ quan nào cũng muốn nhận người làm được việc chứ chẳng ai muốn nhận những SV tốt nghiệp bằng Khá, Giỏi mà chẳng đánh máy nổi một văn bản cho đúng kỹ thuật. Ai cũng thích năng lực thật sự chứ không chỉ quan tâm đến bằng cấp. Nhưng để mỗi SV tốt nghiệp đến được vòng phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng thì các em phải qua được vòng loại hồ sơ mà nhiều nơi lại chỉ nhận SV tốt nghiệp loại Khá trở lên, nhất là các cơ quan hành chính, giáo dục. Điều đó cũng có nghĩa tấm bằng tốt nghiệp loại Khá chính là cánh cửa đầu tiên trên con đường tìm kiếm việc làm của các tân cử nhân. Từ đó mới sinh ra tâm lý thôi nâng lên một chút để các em đạt bằng Khá, có cơ hội đi xin việc. Hậu quả là sản sinh ra những cử nhân bằng giỏi nhưng lại không trả lời được các câu đơn giản của nhà tuyển dụng.

Ngay cả việc thực tập sư phạm của các giáo sinh cũng vậy. Có không ít trường phổ thông nhận xét rất thẳng thắn, phê bình tơi tả giáo sinh nhưng rồi cuối cùng điểm số thì thấp là 8, 9 và cao là 10. Hầu như kết quả thực tập sư phạm của SV năm thứ 4 đều là những con điểm rất đẹp cho dù không phải giáo sinh nào cũng xứng đáng điểm 9, 10. Lý do là các thầy cô muốn tạo một cơ hội để SV Sư phạm có thể tốt nghiệp loại khá, có như vậy mới có điều kiện để nộp hồ sơ xin việc.

Ngoài lý do SV được điểm cao vì giảng viên muốn tạo cơ hội để các bạn có bằng đẹp đi xin việc thì còn một lý do tế nhị khác nữa. Hiện nay nhiều trường đại học triển khai việc SV đánh giá giảng viên và lựa chọn giảng viên để đăng ký học. Rất đông SV chỉ quan tâm đến thầy cô nào điểm danh dễ, chấm điểm thoáng, càng cao càng tốt để đăng ký học. Nếu dạo qua các trang conffesion của SV các trường sẽ dễ dàng đọc được những tư vấn của thế hệ trước với thế hệ sau đại loại như: "Chọn thầy A đi, thầy chấm điểm cực dễ", hay "Chọn cô B đi, học cô chỉ cần đi bữa đầu với bữa cuối là OK, thi chắc chắn qua môn"… Điều mà nhiều SV quan tâm không phải là thầy cô đó dạy có hay không, có nhiệt tình không mà chỉ cần dễ tính điểm cao là trên hết.

Đến ngay cả nhà tuyển dụng cho câu hỏi về nhà tìm hiểu rồi hẹn ngày tới trả lời mà các SV cũng chẳng thèm tìm hiểu thì đừng mong gì bài tập về nhà thầy giao các bạn sẽ làm. Nhưng SV không làm bài tập thì thầy cô có chế tài nào để xử lý không? Câu trả lời là có nhưng không đủ mạnh. Ngay cả các trường còn đang lo tìm mọi cách thậm chí là "ve vãn học trò để có người đào tạo" (trích câu nói của PGS. TS Biện Minh Điền, bộ môn ngữ văn, Trường ĐH Vinh tại hội thảo quốc tế "Giáo dục giá trị trong nhà trường" ngày 11/1/2019) chứ nói gì đến mỗi thầy cô. Thầy cô nào dù tâm huyết đến đâu mà cứ khoảng 2 học kỳ liền không có/quá ít SV đăng ký học thì tự khắc biết phải "đi theo xu hướng" nếu không muốn bị đào thải. Vậy là đánh giá giảng viên, lựa chọn giảng viên để đăng ký học bỗng trở thành một quyền lực có sức mạnh kinh khủng nằm trong tay SV. Và chính quyền lực đó ít nhiều góp phần tạo ra cơn mưa điểm cao, tạo ra những cử nhân bằng Khá, Giỏi nhưng đụng đến cái gì là không biết cái đó.

SV nào thì cũng từ học sinh mà lên. 12 năm học phổ thông các em vốn đã quen thụ động, quen với việc nhà trường nâng điểm để đảm bảo thành tích của trường. Thói quen xấu đó cộng với tâm lý muốn tạo điều kiện cho SV để vừa "dễ người, dễ mình" của giảng viên, của trường đại học làm cho việc SV được điểm kém bỗng trở thành… chuyện khó!

Như Bình

(Giảng viên đại học)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!