Bạn đọc viết:

Khi con “nóng không dám bật quạt, tối không dám bật đèn”

(Dân trí) - Đến tận năm 5 tuổi, con gái tôi vẫn chưa một lần táy máy bấm quạt, bật đèn. Trưa nắng chang chang ướt đẫm mồ hôi mà con vẫn không bật quạt. Mọi người thấy vậy lên tiếng hỏi “Sao con không bấm quạt?” thì bao giờ câu trả lời của con cũng là “Dạ, mẹ cháu dặn không được đụng vào đồ điện”…

Đọc những lời trao đổi của tác giả Thùy Mai trong bài viết “Úm con quá kỹ khác gì hại con”, tôi hoàn toàn đồng ý với lời khuyên phải sớm dạy trẻ tính tự lập bằng những kỹ năng cơ bản nhất, đơn giản nhất.

Tôi cũng như bao người mẹ khác đều hết mực yêu thương con và luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng tình yêu thương quá lớn của chúng ta đôi khi vô tình cướp mất cơ hội được học hỏi và thực hành những việc làm, thói quen cần thiết.

Con gái tôi năm nay 7 tuổi. Con hiện có thể tự mình lo các khoản sinh hoạt của bản thân như chọn quần áo, vệ sinh, ăn uống, chuẩn bị sách vở… Việc nhà con có thể giúp mẹ một số công việc vừa sức như phơi và gấp áo quần, quét dọn nhà cửa và lau chùi bàn ghế… Vậy nhưng để có được “thành quả” như hôm nay, tôi đã phải học lại cách dạy con từ những sai lầm không đáng có.

Tôi đã đọc khá nhiều khuyến cáo của các chuyên gia đề nghị bố mẹ nên tập cho trẻ kỹ năng tự cầm thìa xúc cơm từ sớm. Nhưng rồi lo con làm rơi vãi thức ăn, lo con làm bẩn quần áo, sợ con ăn chậm trễ giờ, sợ con tự ăn không đủ no nên tôi tranh thủ… đút. Hình ảnh mẹ cầm chén bón từng thìa thức ăn còn con gái nhõng nhẽo bên cạnh diễn ra mỗi ngày đến tận năm cháu 3 tuổi.

Và rồi ngày đầu tiên con vào trường mầm non, tôi ở nhà lo ngay ngáy rằng con không thể tự giác ăn cơm. Tôi chỉ ước gì đến giờ ăn mình có thể tới lớp lo chuyện ăn cho con nhưng không thể. Vậy là chỉ còn cách hai mẹ con bắt đầu một hành trình luyện tập kéo dài đến mấy tuần về việc cầm muỗng, xúc cơm, cho vào miệng, nhai và nuốt.

May mắn là mọi chuyện dần đi vào nề nếp, tôi thở hắt ra như trút được một gánh nặng và tặc lưỡi “giá như mình tập cho con tự lập trong ăn uống từ sớm…”.

Vì lo sợ rủi ro có thể xảy ra xung quanh con nên tôi luôn tạo ra một vòng tròn an toàn cho con trẻ bằng cách hạn chế để cho con cầm dao kéo và tuyệt đối không đến gần các thiết bị điện. Tôi cứ nghĩ đơn giản là ở nhà có người thân, đến trường có cô giáo sẽ giúp con bấm quạt, bật đèn nên cứ “bình chân như vại” nghĩ lớn lên rồi con tự khắc biết.

Kết quả là đến tận năm 5 tuổi, con gái tôi vẫn chưa một lần táy máy bấm quạt, bật đèn. Và vấn đề bắt đầu nảy sinh khi con chọn ngồi ở khoảng không thiếu ánh sáng say mê đọc sách thay vì bật đèn. Trưa nắng chang chang ướt đẫm mồ hôi mà con vẫn không bật quạt. Mọi người thấy vậy lên tiếng hỏi “Sao con không bấm quạt, bật đèn” thì bao giờ câu trả lời của con cũng là “Dạ, mẹ cháu dặn không được đụng vào đồ điện”.

Sau cái lắc đầu của người thân, tôi bị mọi người chất vấn về việc để một đứa trẻ lên năm mù tịt những kỹ năng cơ bản: bấm quạt khi nóng, bật đèn khi tối. Đến lúc này thì tôi mới nhận ra sai lầm của mình khi “úm” con quá kỹ. Thay vì dạy con sử dụng các thiết bị điện một cách an toàn, thì tôi lại tách biệt dẫn đến cấm tiệt con mon men lại gần bấm quạt, bật đèn.

Đến thời điểm con gái 5 tuổi, tôi mới nhận ra không thể xác định lứa tuổi nào thích hợp để sử dụng thiết bị điện mà quan trọng là chúng ta dạy con kỹ năng sử dụng một cách an toàn.

Con trẻ 3 tuổi vụng về xúc cơm rồi 5 tuổi lóng ngóng không dám bật quạt, bật đèn có lẽ là hình ảnh nhan nhản khắp nơi. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy rằng cứ để con trẻ phát triển tự nhiên, có những điều lớn lên con sẽ tự biết và tự làm được. Bởi mọi thứ đều cần một quá trình hun đúc, tập dượt, rèn luyện và chính bố mẹ phải là người đặt những “viên gạch” đầu tiên!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!