Khi bố mẹ "thô bạo" với bí mật tình yêu của trẻ

Hoài Nam

(Dân trí) - Tự vẫn, bỏ nhà đi theo người yêu, không nói chuyện, thậm chí không tắm cả năm... là trong những vô số phản ứng của trẻ khi bị bố mẹ can thiệp một cách thô bạo vào chuyện tình yêu.

Rêu rao con mới nứt mắt đã đú đởn 

Cô học trò lớp 10 lần thứ 2 được bố mẹ đưa đi khám tâm thần sau không ít lần bỏ nhà đi bụi và cả có ý định tự vẫn. 

Cách đây không lâu, bố mẹ phát hiện em có quan hệ yêu đường với một thanh niên lớn hơn 5 tuổi. Chưa cần biết sự tình, chị chửi bới con, tung hê mọi điều mình biết về mối quan hệ này.

Hai vợ chồng chị lên kế hoạch giám sát con, tịch thu điện thoại, đưa đi đón về không rời mắt... quan hệ, không khí gia đình vô cùng ngột ngạt.

Khi bố mẹ thô bạo với bí mật tình yêu của trẻ - 1

Nhiều học trò suy sụp khi bị bố mẹ "bêu rếu" chuyện riêng tư (Ảnh minh họa)

Sau lần trực tiếp nghe mẹ bêu rếu mình với hàng xóm "mới nứt mắt đã đú đởn", em bỏ nhà đi. Vài hôm được bố mẹ đón về, cô học trò bỏ đi lần hai vì không chịu được sự miệt thị của chính bố mẹ. 

Trở về, em uống thuốc tự vẫn, may mắn được phát hiện kịp thời. Cô học trò nói chỉ muốn chết sau khi biết mẹ đến công ty anh bạn trai chửi bới, xúc phạm đủ trò. 

Câu chuyện khác được một chuyên viên tại Sở GD&ĐT TPHCM kể, người mẹ vô tình phát hiện cậu con trai học lớp 8 chát chít yêu đương với bạn gái cùng lớp. Những trao đổi nhớ nhung, ôm hôn... của con làm người mẹ hoảng loạn.

Trong lúc rối bời, chị đến trường gặp cô giáo chủ nhiệm đưa cho cô xem đoạn trao đổi nhờ cô khuyên bảo. Ngay khi người mẹ vừa rời đi, cô giáo gọi cả hai học sinh lên phòng đưa ra nội dung tin nhắn của hai em cùng hàng loạt lời nhắc nhở, cảnh cáo, uốn nắn.

Sau sự việc, cả năm trời cậu học trò không tắm như là cách "rửa hận" với mẹ vì biết mẹ kỹ tính, sợ bẩn. Chưa kể, gần hai năm sau, bây giờ đã học lớp 10, em cũng không nói chuyện với mẹ. 

Từ chuyện tình cảm của con trẻ, gia đình rơi vào một bầu không khí nặng nề khủng khiếp. 

Con trẻ yêu, người lớn cần tế nhị 

Tình yêu tuổi học trò là điều không thể tránh, cũng không thể cấm nhưng từ bé các em không được ai chỉ dẫn. Khi trẻ bước chân với bao bỡ ngỡ, nhiều bố mẹ đưa tay ra không phải để hỗ trợ, đồng hành mà có khi đẩy trẻ xa hơn. 

Có đứa trẻ rơi vào trầm cảm, mất hẳn niềm tin vào bố mẹ, thầy cô khi bị dán nhãn hư hỏng, người người lớn cấm đoán thô bạo hay bêu rếu, chê bai, cười cợt... 

Đã có trường hợp học trò tìm đến cái chết vì bị mẹ lục nhật ký, điện thoại hay giáo viên đưa chuyện tình của các em, nhất là khi các em "vấp ngã" ra làm "tấm gương điển hình" để răn đe, hù dọa học sinh... 

ThS Giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh (Trường phát triển tài năng và tính cách John Robert Power) chia sẻ, khi lỡ biết bị mật của trẻ, người lớn cần thật sự khéo léo, tế nhị. Và tuyệt đối không bao giờ được nói thông tin đó cho người khác nghe, trẻ rất nhạy cảm, các em sụp đổ niềm tin rất khó để lấy lại.

Trong những trường hợp cần phải đối diện, hãy hướng đến những gợi mở hỗ trợ tích cực.

Như trường hợp cậu học trò cả năm không tắm, người mẹ khi biết bí mật của con, có trao đổi với con liệu các con có chắc chắn đảm bảo được bí mật của mình khi nói những chuyện này, nếu người thứ ba thấy được và họ phát tán những thông tin này thì con và bạn con sẽ thế nào?...

Và đặc biệt, không nên nói với cô giáo. Chưa nói đến cách hành xử của giáo viên đã đánh trực diện vào trẻ. 

ThS Thụy Anh cũng nhấn mạnh, quan trọng nhất phụ huynh phải tương tác với con thế nào để các con chủ động chia sẻ với mình, không rình mò các thông tin riêng tư của con. 

Lỡ biết bí mật của con chính là cơ hội để hiểu con hơn, để hỗ trợ con cũng như để xem lại chất lượng tương tác giữa mình và con lâu nay. 

Nhưng với tâm thế bề trên, hay phán xét cùng với sự lo lắng, không ít phụ huynh biến những bí mật đó thành vũ khí để tấn công đứa trẻ. Trẻ vốn đã chông chênh, thiếu hụt đủ thứ khi bước vào tình yêu, càng dễ suy sụp khi bị chính cha mẹ "phản đòn".

Trẻ bưng bít với cha mẹ, mối quan hệ vốn đã "hổng" thì hành động này có thể tạo một vết thương lòng trong trẻ và trong mối quan hệ gia đình rất khó liền sẹo. Thậm chí, có những gia đình mất con mãi mãi theo cả nghĩa đen lẫn bóng. 

Khi không đủ để trẻ tin tưởng chia sẻ, người lớn cũng cần hiểu, trong nhiều trường hợp, trẻ có quyền có bí mật của riêng mình.