Khả năng hay bằng cấp?

Có bằng cấp mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ... Theo thống kê chung, số sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo chỉ chiếm 30%, số còn lại phải trầy trật tìm việc với đủ các nghề để kiếm sống như dạy kèm, tiếp thị, bán hàng...

Mặc dù không ít người trong số đó có ít nhất 1 tấm bằng ĐH chính quy và 3- 4 chứng chỉ đi kèm.

 

Hai bằng ĐH... đi bán sách

 

Thực tế, có rất nhiều sinh viên có bằng ĐH mà vẫn thất nghiệp. Chẳng hạn bạn L.H.H, hiện là nhân viên của nhà sách Bách Khoa (Q. Gò Vấp - TPHCM).

 

Theo lời của cựu sinh viên Trường ĐH Luật TPHCM này, ngoài bằng cử nhân chính quy luật, anh còn có thêm bằng tại chức Anh văn của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, chứng chỉ vi tính, luật kinh tế. Nhưng ra trường, đến nay đã 3 năm vẫn chưa có việc làm ổn định. “Lấy ngắn nuôi dài, mình xin vào làm ca ở nhà sách này, thu nhập mỗi tháng 800.000 đồng. Mấy tháng nay, buổi tối mình và mấy đứa bạn cùng cảnh bán sách giảm giá trên đường Nguyễn Đình Chiểu”, Hùng kể. Vui miệng, Hùng còn nói cho chúng tôi biết nhà sách này chỉ có 10 nhân viên, thì 6 trong số họ đã tốt nghiệp ĐH, trong đó có 1 người hiện làm bảo vệ và giữ xe.

 

Nếu biết trước như thế này...

 

Tìm người có nhiều bằng cấp nhưng không xin được việc quả thật không khó. Tại Chi cục Thuế Bình Thạnh - TPHCM, ngày 10/10, chúng tôi đã tiếp xúc với không dưới 30 người báo cáo thuế cho các công ty tư nhân. Họ là những người không nghề nghiệp cụ thể nào. Chị Vũ Thị Hiền Anh, một trong những người đó, cho biết chị tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2002, từ đó đến nay chưa đi làm cho một công ty nào cả, mỗi tháng nhận báo cáo thuế cho 3 công ty, mỗi công ty trả 400.000 đồng/tháng. “Nếu biết như thế này, tôi chẳng phải chạy đôn chạy đáo học cho được chứng chỉ kế toán trưởng làm gì cho mệt”, chị than.

 

Chỉ đủ qua vòng sơ khảo

 

Bây giờ thì những người như Hiền Anh mới hiểu ra rằng không phải cứ tốt nghiệp trường “ngon”, có bằng cấp nhiều là sẽ dễ dàng xin việc. Thế nhưng, đa số sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường thì chưa nhận ra “chân lý” ấy. Họ chỉ biết học để có tấm bằng mà chưa chú trọng rèn khả năng cũng như bản lĩnh sống để khi ra trường dễ kiếm việc phù hợp chuyên ngành của mình.

 

Nhận xét về thực trạng đáng lo ngại này, bà Văn Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, nói: “Thị trường lao động đòi hỏi cạnh tranh cao, sinh viên cần nhiều bằng cấp cũng đúng. Đáng tiếc là có bằng cấp chưa đủ để cạnh tranh, chỉ đủ để qua vòng sơ khảo mà thôi”.

 

Nhà tuyển dụng chú trọng khả năng

Ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn Hòa (Q.3 - TPHCM): “Khi đọc phần ứng viên tự giới thiệu chúng tôi vui mừng lắm. Sinh viên nào cũng có bằng ĐH chính quy với đủ những chứng chỉ Anh văn, vi tính. Thậm chí nhiều người còn có 2 bằng ĐH... Nhưng thực tế tuyển dụng, chúng tôi quá thất vọng”.

Ông Võ Văn Trà, Giám đốc Công ty Việt Nhật (21A Quang Trung, Gò Vấp): “Để tránh tình trạng tuyển không được người, chúng tôi nhận sinh viên thực tập và giữ lại nếu thấy có khả năng”.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietsoft Vision: “Chúng tôi muốn nhận những người có khả năng làm việc thực sự. Không phải bằng cấp không quan trọng, nhưng quan trọng hơn là khả năng có tương xứng với bằng cấp hay không!”.

 

 

Theo Người Lao Động