Hướng dẫn đồ dùng đầu năm: Nhan nhản tên thương hiệu!

(Dân trí) - Giới thiệu thẳng thương hiệu sản phẩm trong thông báo hướng dẫn đồ dùng học sinh; dù học sinh không nhất thiết phải mua quần áo đồng phục ở trường nhưng trường "thiết kế" những chi tiết để học sinh không thể mua bên ngoài... - có rất nhiều "chiêu" được nhà trường "lôi kéo" phụ huynh trong các vấn đề đồng phục của học trò.

"Mua 1 lọ mực, chạy 3 quãng đồng"

Đầu năm học, hầu hết giáo viên đều soạn thông báo hướng dẫn cho mẹ học sinh (HS) chuẩn bị về đồ dùng học tập. Tại TPHCM, ngay trong tuần đầu tựu trường, phụ huynh nhiều trường đã cầm những bản hướng dẫn dài dằng dặc, chi tiết từng ly từng tý về từng loại đồ dùng học tập. Trong hướng dẫn này, nhiều nơi yêu cầu tỉ mỉ bao bọc sách phải theo đúng loại, màu của trường, của lớp; các loại dụng cụ...

Việc yêu cầu quá chi tiết như dùng bao bìa màu gì, sách môn này một màu, một khác một màu... đã đủ làm nhiều phụ huynh rối bời, thậm chí mua rồi cũng đành bỏ đi mua lại ngay tại nhà trường. Đặc biệt, nhiều phụ huynh phản ánh, trong hướng dẫn của nhiều trường, còn giới thiệu hẳn cụ thể tên thương hiệu sản phẩm như mực của Q., tẩy của P., bảng của N., ghế nhựa của D...

Nhiều hướng dẫn đồ dùng học tập đầu năm của học sinh có gắn tên thương hiệu sản phẩm.
Nhiều hướng dẫn đồ dùng học tập đầu năm của học sinh có gắn tên thương hiệu sản phẩm.

Một phụ huynh có con học tiểu học ở Bình Thạnh cho biết, phụ huynh giới thiệu để phụ huynh nắm rõ cần mua cho con những đồ dùng gì cũng là thuận lợi cho bố mẹ. Vậy nhưng, việc chỉ đích danh thương hiệu này nọ thành ra rất phản cảm mà lại làm khó cho phụ huynh. Như trường con anh học, giấy hướng dẫn ghi rõ mực của hãng này, gôm của hãng này, hay như bút viết dùng của hãng này...

"Tôi đến cửa hàng văn phòng phẩm nhưng nơi có loại này, không có đúng nhãn hàng như cô giới thiệu, lại phải đi tìm mua nơi khác, rất mất công mà không bõ. Thiếu một lọ mực của hãng như ghi trong thông báo phải đi đến nơi 3 địa điểm mới có. Không phải hàng hiếm, nhưng nhiều khi không tiện, ngay tạp hóa cạnh đó có thể mua của hãng khác, chức năng như nhau", anh cho hay.

Ông bố này nói thêm, dù cô giáo nói rằng cô chỉ giới thiệu nhưng giáo viên biết rõ khi họ đưa ra một thông báo cụ thể, tên thương hiệu cụ thể... đã là mang tính bắt buộc với phụ huynh.

Cũng đi nhặt nhạnh mỗi nơi một ít cho đủ các loại dụng cụ học tập như yêu cầu của giáo viên, chị Phạm Hoàng Oanh, nhà ở quận 3, TPHCM cho hay, chị chỉ đồng tình việc mua ghế nhựa giáo viên giới thiệu mua đúng theo thương hiệu. Vì ghế cần cùng loại, cùng cỡ để dùng xong các em có thể chồng lên nhau. Còn việc giáo viên giới thiệu mực viết của nhãn này, gôm của nhãn kia... là hơi lộ liễu. Vì học sinh dùng của thương hiệu nào là lựa chọn và sự thuận lợi của họ, miễn sao đáp ứng được việc học.

Chưa kể, từng có kinh nghiệm của đứa con đầu, chị Oanh cũng cho rằng, giáo viên nhiệt tình giới thiệu quá nhiều dụng cụ, sách vở... nhưng thực chất không dùng được bao nhiêu, thậm chí có những dụng cụ, những cuốn sách mua xong cả năm không dùng đến, chỉ bỏ đi, rất uổng phí.

Một nhân viên một nhà sách ở quận 1, TPHCM chia sẻ, vào đầu năm học, chị gặp rất nhiều phụ huynh đi tìm mua đồ dùng học tập theo hướng dẫn của giáo viên. Khi đi mua, họ sẽ đưa tờ hướng dẫn này cho nhân viên nhà sách mà chị nhìn thấy nhan nhản các tên thương hiệu được ghi ở trong. Tìm nơi này không được, lại phải đi tìm nơi khác.

Khó thoát khỏi nhà trường

Nhiều năm qua, vào đầu năm học mới, Sở GD-ĐT TPHCM đều ra văn bản nhắc nhở các trường không được bày vẽ, gây tốn kém cho phụ huynh về vấn đề đồng phục. Năm học này, Sở nhấn mạnh, đồng phục của học sinh, những thay đổi (nếu có) chỉ quy định đối với HS đầu cấp học, tránh cầu kỳ, phức tạp và không được bắt buộc HS phải mua đồng phục tại một nơi quy định nào.

Các năm trước, Sở cũng yêu cầu các trường, đồng phục phải được thiết kế giản dị, hợp lứa tuổi tiểu học và được hội đồng nhà trường, cha mẹ HS đồng thuận, dễ tìm mua hoặc may ở nhà, chất liệu bền và giá phù hợp.

Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường không được bắt buộc phụ huynh phải mua đồng phục tại một nơi quy định (Ảnh mang tính minh họa)
Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường không được bắt buộc phụ huynh phải mua đồng phục tại một nơi quy định (Ảnh mang tính minh họa)

Từng có phụ huynh, giáo viên phàn nàn về chất lượng đồng phục mua tại nhà trường. Vì lợi nhuận, chiết khấu, không ít trường chọn những đơn vị cung cấp chất lượng vải không tốt... nhưng HS phải mua với giá cao hơn ngoài thị trường. Nếu đồng phục các trường dễ mua, dễ tìm phụ huynh có thể mua ngoài nhưng nhiều trường đồng phục lắt léo, phụ huynh muốn tìm mua ngoài không hề dễ.

Dù quy định của Sở nói rõ, không được bắt buộc HS phải mua đồng phục tại một nơi quy định nhưng... không thoát nổi khỏi "vòng tay" nhà trường. Có trường khi chọn đồng phục, chọn loại màu chỉ có thể mua được... tại trường, không thể tìm mua được ở ngoài. Có trường chỉ cần chơi chiêu, thêm cái logo phức tạp là phụ huynh "bó tay", không làm sao có thể tìm mua ở ngoài.

Trước đây, Sở GD-ĐT TPHCM cũng từng ban hành quy định cấm mọi hình thức quảng cáo trong trường học, không được treo bất kỳ bảng, băng rôn quảng cáo nào trong nhà trường... Thế nhưng, lại có thể dễ dàng thấy việc quảng cáo này lại nằm ngay trên các thông báo hướng dẫn của giáo viên. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định, giáo viên không được yêu cầu phụ huynh HS phải mua của nhãn hàng này, nhãn hàng khác. Có chăng chỉ hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị những đồ dùng cần thiết.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết Sở không có bất kỳ quy định nào về “đồng phục” màu sắc và hình thức của ba lô, túi xách hay sách vở, đồ dùng học tập. Ngành luôn khuyến khích HS sử dụng đồ dùng học tập đơn giản, tiện dụng, có tính nghiêm túc. Không nên sử dụng đồ dùng có giá trị cao, khó mua đến trường mà nên có tính cộng đồng, phù hợp với lứa tuổi học trò...

Hoài Nam