Hội Khuyến học kiến nghị nhiều biện pháp phát triển tổ chức, hoạt động Hội

Huy Khánh

(Dân trí) - Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị nhiều biện pháp phát triển hoạt động với Ban chỉ đạo Đề án Quy chế hoạt động của các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Sáng ngày 7/7, Ban chỉ đạo Đề án Quy chế hoạt động của các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (Đề án 103) làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam. Chủ trì hội nghị là bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Về phía Hội Khuyến học có bà Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Hội Khuyến học kiến nghị nhiều biện pháp phát triển tổ chức, hoạt động Hội - 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam.

Đại diện Hội Khuyến học Việt Nam, bà Nguyễn Thị Doan trình bày Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện Đề án 103 về việc nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các hội quần chúng và Đề án Quy chế hoạt động của các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Theo đó, Hội Khuyến học Việt Nam là Hội đặc thù, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Hội hoạt động theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và các Nghị định, Quyết định của Chính phủ. Trong nhiệm kỳ thứ 5 (2016-2021), Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện 10 nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội và Đề án năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020". Tính đến năm 2020, Hội Khuyến học đã thúc đẩy phong trào cả nước đạt: 16,6 triệu gia đình học tập; 84.785 dòng họ học tập; 49.641 đơn vị học tập; 89.048 cộng đồng học tập.

Thông qua thực hiện các mô hình học tập, tinh thần học tập suốt đời của nhân dân được nâng cao. Hiệu quả của các mô hình đạt được khá toàn diện, góp phần phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Hội Khuyến học Việt Nam cũng thực hiện Kết luận năm 2019 của Bộ Chính trị về "Tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập"; thực hiện Đề án của Chính phủ về chương trình "Công dân học tập giai đoạn 2021-2030". Cùng với đó, Hội Khuyến học Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị".

Hội Khuyến học kiến nghị nhiều biện pháp phát triển tổ chức, hoạt động Hội - 2

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt

Hiện nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện hai chương trình nói trên, chuẩn bị tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban chấp hành, hoàn thiện các tiêu chí, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ thông qua việc thực hiện các mô hình học tập.

Về tổ chức bộ máy của Hội Khuyến học Việt Nam, tính đến tháng 12/2021, Hội có 63 Hội cấp tỉnh; 704 cấp huyện; số lượng hội viên cá nhân trên toàn quốc là 22,6 triệu người.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đánh giá chung về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam trong nhiệm kỳ 2016-2021 là hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao cho, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng cờ thi đua và bằng khen liên tục từ năm 2016-2021.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam cũng nêu lên những khó khăn: hạn chế trong chính sách hỗ trợ và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương; kinh phí dự án, chương trình thấp; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; chế độ chi trả lương cho các lao động của Hội; chủ trương sáp nhập Hội Khuyến học Việt Nam với một số hội gây khó khăn và băn khoăn...

Qua đó, lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam kiến nghị: cần khoán chi ngân sách theo nhiệm kỳ, hàng năm theo cơ chế tự chủ một phần; cần có hướng dẫn thống nhất trong cả nước về hội đặc thù; không nên có quy định về độ tuổi của cán bộ Hội Khuyến học vì cán bộ về hưu đang cống hiến rất nhiều cho Hội; tổ chức các hội nghị để các hội đặc thù báo cáo, tham vấn về công tác quản lý hội, cũng như đổi mới chính sách hỗ trợ hội.

Hội Khuyến học kiến nghị nhiều biện pháp phát triển tổ chức, hoạt động Hội - 3

Bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương (bên trái ảnh) và bà Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (bên phải ảnh).

Ông Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị rằng: cần có sự hướng dẫn thống nhất trong cả nước về tổ chức mô hình tổ chức Hội đặc thù; đề xuất triển khai nhiệm vụ đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và hỗ trợ cho chính sách cán bộ Hội; đề nghị cần có sự hướng dẫn thống nhất trên cả nước về quản lý nhà nước đối với Hội, chỉ nên quy định một cơ quan chỉ đạo và theo dõi Hội Khuyến học Việt Nam là Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Nội vụ; đề nghị cho phép sửa đổi, bổ sung quy định Điều lệ Hội; đề nghị tăng cường kinh phí để đảm bảo Hội Khuyến học Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao...

Hội Khuyến học kiến nghị nhiều biện pháp phát triển tổ chức, hoạt động Hội - 4

Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Nguyên Tổng biên tập Báo Dân trí, Phó Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, nhà báo Phạm Huy Hoàn - nguyên Tổng biên tập Báo Dân trí, Phó Chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Khuyến học Việt Nam, nói về lịch sử của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt - giải thưởng uy tín lâu năm của Hội Khuyến học Việt Nam.

Sự phát triển của giải thưởng này gắn liền với sự hỗ trợ, thúc đẩy của Báo Dân trí và VNPT. Từ một giải thưởng về lĩnh vực khoa học công nghệ, giải thưởng đã mở rộng tới nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, sinh học... Những sản phẩm của giải thưởng này không chỉ có ý nghĩa thiết thực với phát triển kinh tế - xã hội trong nước mà nhiều sản phẩm đã vươn tầm ra thế giới.

Ông Hoàn tin rằng sự phát triển của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sẽ tiếp tục phát triển song hành cùng với sự phát triển của Hội Khuyến học Việt Nam.

Tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài đã lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp và có kết luận chỉ đạo. Bà Bùi Thị Minh Hoài nhận định: "Các đồng chí đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin rất bổ ích, để minh chứng là Hội Khuyến học Việt Nam là Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và chỉ đạo sát sao. Các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới những Hội đặc thù, được Chính phủ chỉ đạo trực tiếp".

"Tôi rất tán đồng, biểu dương Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trong công tác phát triển Hội. Đặc biệt, đây là Hội đặc thù thu hút đông đảo hội viên nhất trong số tất cả các Hội hiện nay. Với số lượng hội viên đông đảo, nhiệm vụ của Hội Khuyến học là nặng nề nhưng cũng có tác động to lớn đến xã hội, có sức ảnh hưởng tới nhiều tầng lớp nhân dân. Qua đó, Hội Khuyến học đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Trưởng Ban Dân vận Trung ương nói.

Đồng thời, Trưởng ban Dân vận Trung ương cũng đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của Hội Khuyến học Việt Nam. Bà cho rằng những kiến nghị này đều xuất phát từ thực tiễn, có giá trị đóng góp to lớn để hoàn thiện chính sách quản lý các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Hội Khuyến học kiến nghị nhiều biện pháp phát triển tổ chức, hoạt động Hội - 5

Hình ảnh kết thúc hội nghị.