Học trò vùng cao và những ao ước ngày tết

(Dân trí) - Nằm trên vách núi cao dựng đứng, nơi chỉ cách biên giới Việt - Lào nửa ngày đường đi bộ, dòng sông Đắc Pring chảy ngang qua, ôm lấy ngôi trường Phổ thông cơ sở liên xã Đắc Pring - Đắc Pree xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Nỗi niềm nội trú

Đắc Pring là xã nghèo, có đến 194/241 hộ nghèo, còn xã Đắc Pree thì có những 236/329 hộ nghèo. Cuộc sống khó khăn nhưng những đứa trẻ vùng cao nơi đây lại rất say "cái chữ", nhiều em đã vượt hơn 25km từ biên giới đến trường. Trường Phổ thông liên xã Đắc Pring - Đắc Pree, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang được chia tách ra thành trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pree và trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở liên xã Đắc Pring - Đắc Pree từ năm 2012.

Phó Hiệu trưởng trường PTDT Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pree, Nguyễn Xuân Phi cho biết: "Trường Tiểu học có 251 học sinh thì có đến 123 học sinh ở nội trú. Hoàn cảnh các em đều rất khó khăn, nhưng rất cố gắng''. 123 học sinh chen chúc nhau trong một phòng nội trú, giường ngủ là những ván gỗ ghép lại, kê cao cách mặt đất khoảng nửa mét. Trên sàn lót vài tấm chiếu, những tấm chăn cũ, mỏng manh.

4
học sinh chung một tấm chăn tại khu nội trú trung học. 
4 học sinh chung một tấm chăn tại khu nội trú trung học. 

Đến với khu nội trú này, mỗi em một hoàn cảnh, nhưng chung quy lại đều nghèo khó. Em Pơ Loong Thị Mai, lớp 5/1, trú tại thôn 58, xã Đắc Pree, huyện Nam Giang, cách điểm trường xã Đắc Pring khoảng 9km, cứ đầu tuần cha Mai lại chở con bằng xe đạp lên trường và cuối tuần lại đến đưa về. Em Zơ Rum Nam, lớp 3/2, xã Đắc Pring, cha mất, mẹ bỏ nhà đi, em được nhà trường đưa về khu nội trú học tập và ăn ở.

Cả phòng chỉ có một chiếc ti vi, nhà không lát gạch men, chỉ có nền đất ẩm, những bàn chân nhỏ xíu, cứ lội dưới đất lại trèo lên giường. Thậm chí, nhà ăn của khu nội trú chỉ có 160m2, 123 học sinh phải chia làm 2 ca để... được ăn. Cũng chẳng khác gì so với nội trú Tiểu học, khu nội trú của học sinh trường PTDT Trung học cơ sở liên xã Đắc Pring - Đắc Pree đối diện cũng tồi tàn, ẩm thấp.

Anh Zơ Râm Dấu - Tổng phụ trách đội, Bí thư Chi đoàn, cho biết: "Toàn trường có 107 học sinh, trong đó có 67 học sinh nội trú. Khu nội trú học sinh chỉ có 2 dãy phòng, các học sinh ở lộn xộn, giường ngủ cũng chỉ là ván gỗ ghép lại, kê cao khỏi mặt đất".

Khát vọng từ biên giới

Nấu ăn tập thể ở khu nội trú trung học. 
Nấu ăn tập thể ở khu nội trú trung học. 

Trò chuyện với em Un Phú, em cho biết: "Nếu cho em một món quà, em chỉ mong có thêm một bộ quần áo để mặc và đi học hằng ngày. Áo trắng của em hiện tại chỉ có một cái, nhưng nó sắp rách rồi!...".

Tại khu nội trú, nhiều học sinh có gia đình ở rất xa điểm trường, vì vậy trong ngày tết có em nhỏ được bố mẹ đến trường đón về và cũng có nhiều em khác phải "lầm lũi" tự mình đi bộ về nhà. Em Ka Ring Dưỡng, lớp 6, cho biết: "Nhà em cách trường khoảng 25km. Mỗi năm em chỉ về nhà một lần vào ngày tết".

Nấu ăn tập thể ở khu nội trú trung học. 

Thầy Nguyễn Xuân Phi, trường PTDT Tiểu học liên xã Đắc Pring - Đắc Pree, cho biết: "Điều khó khăn nhất với trường chính là nhà nội trú của học sinh, 123 học sinh phải sống trong một khu ở chật chội, các phòng chức năng đều không có".

Thầy Zơ Râm Dấu, trường PTDT Trung học cơ sở liên xã Đắc Pring - Đắc Pree, cùng chung tâm sự, thầy nói: "Cả khu nội trú chỉ có 2 phòng, 67 học sinh chen chúc nhau, còn giáo viên có 15 người nội trú nhưng cũng chỉ có 2 phòng, còn 1 phòng gỗ ngoài, đã xuống cấp. Hiện có 4 giáo viên tự nguyện ở căn phòng tồi tàn nhất trường này".

Cũng theo thầy giáo Zơ Râm Dấu: ''Nhiều em đi học chỉ có mỗi cuốn vở, mỗi bộ quần áo. Thậm chí, có nhiều em vì áo rách nên phải mượn tạm bạn bè áo để đi học. Khát vọng của các em cũng là khát vọng của tập thể thầy cô giáo nhà trường. Chúng tôi mong rằng các em được tạo điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất để an tâm đến trường".

Có rất nhiều em học sinh tại trường thuộc diện mồ côi cha mẹ. Ước mơ ngày Tết của các em rất đỗi dung dị. Các em chỉ mong sao có bộ quần áo mới hay chiếc cặp sách mới để tới trường.

Trang Nguyễn