Chuyện ghi ở phòng tư vấn học đường:

Học trò muốn... chết

(Dân trí) - Xuống phòng tâm lý học đường theo yêu cầu của cô chủ nhiệm, T. bật khóc nức nở nói mình nhiều lần định tự tử. Em quá đỗi cô đơn trong căn nhà khi mẹ ung dung đi du lịch với người tình.

Muôn vàn lý do học sinh muốn chết

Vấn đề của T., nữ sinh THPT ở Q.5, TPHCM được giáo viên (GV) chủ nhiệm biết khi các bạn trong lớp phát hiện bắp chân T. đầy vết rạch chằng chịt. Trước đó, em đã có nhiều biểu hiện như học sút, hay bỏ tiết, giao du với nhóm bạn đã bỏ học lông bông quán xá.

Sau nhiều lần trò tiếp cận trò chuyện bất thành, GV buộc phải “áp tải” T. xuống phòng tư vấn tâm lý trường học.

Đến lần thứ 2 xuống phòng, cô học trò òa khóc cả tiếng đồng hồ trước khi kể về chuyện của mình. Cách đây hơn hai năm, bố mẹ ly hôn, T. đã gắng gượng vượt qua. Gần nửa năm nay, mẹ T. có người tình kém 5 tuổi. Bà thường xuyên vắng nhà, có đi cả tháng trời để T. một mình cô đơn trong căn nhà thênh thang.

Nhiều lần gọi điện, mẹ vội vàng tắt máy, T. bắt đầu kéo bạn về nhà uống rượu, quậy phá. Đêm nào chỉ một mình, T. lại đánh dấu bằng một vết rạch trên người bằng lưỡi lam. “Nếu không quậy phá cùng bạn bè, không rượu, chắc em đã chết. Nhiều lần em đã định tự tử”, T. nghẹn ngào.

Học sinh dễ buông xuôi trước những sự cố trong cuộc sống.
Học sinh dễ buông xuôi trước những sự cố trong cuộc sống. Ảnh minh họa: Học sinh THCS tại TPHCM thăm khám tại phòng y tế cũng là phòng tư vấn học đường. 

Học lớp 9, nhà ở tại Q. Gò Vấp, TPHCM, Nguyễn Trọng Nhân (tên HS đã được thay đổi) thoát chết sau lần tự tử bằng thuốc ngủ. Chỉ sau khi người bạn thân động viên, Nhân mới chịu xuống phòng tư vấn ở trường học.

Từ nhỏ, Nhân đã sống trong sự hà khắc của người bố. Trước đây, mỗi lần làm việc gì không vừa ý, cậu sẽ bị bố phạt bằng cách đánh đòn, úp mặt vào tường, trói tay trước cửa nhà, bắt nhịn ăn. Lên lớp 7, Nhân ít bị đánh hơn nhưng lại thường xuyên bị chê bai, mạt sát.

Cậu học trò nấc lên, không thốt ra nổi những lời lẽ bố hay dùng chê bai mình. Nhân ghi nghệch ngoạc ra giấy: ngu như heo, cái loại mày, dốt nát, đần độn... “Em là đứa vô tích sự, bỏ đi thì sống làm gì!” - Nhân nói về mình.

Trước Nhân, một nữ sinh khác được phòng tư vấn tâm lý của trường kết hợp với gia đình chuyển vào bệnh viện tâm thần để điều trị vì em đã bị trầm cảm nặng. Em bỏ đi bụi, đập đá, uống rượu và cũng nhiều lần muốn chết chưa nói ra nguyên nhân nhưng nhiều khả năng em gặp cú sốc khi bố mẹ ly hôn, bản thân lại gặp rắc rối về tình cảm.

Học trò trầm cảm: Cần phòng ngừa và phát hiện

Mới đây, một nữ sinh lớp 9 học tại Q. Gò Vấp nhảy lầu tự tử trong sự bàng hoàng của thầy cô và gia đình. Em vẫn đang trong cơn nguy kịch, lý do ban đầu được cho là do em buồn chán vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ảnh hưởng đến sức học.

Trước này HS này nhảy lầu, thầy cô và bạn bè trong lớp đã động viên khi thấy em có biểu hiện buồn chán. Nhưng chưa ai kịp trở tay, cũng không lường được, sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

HS bị trầm cảm có xu hướng gia tăng, theo các chuyên gia tâm lý do phức tạp từ gia đình, học tập, quan hệ với thầy cô, bạn bè, yêu đương... Tuy nhiên, người lớn thường xem nhẹ, không quan tâm đến vấn đề của trẻ nên hầu hết chỉ khi tình trạng của các em đã trầm trọng hoặc đã để lại hậu quả mới được gia đình, nhà trường biết chuyện.

Học sinh dễ buông xuôi trước những sự cố trong cuộc sống.
Giáo viên chủ nhiệm tại TPHCM tham gia công tác tập huấn về tư vấn tâm lý - giáo dục cho học sinh. 

ThS Trần Đăng Thảo, chuyên gia tư vấn học đường Trường THPT Marie Curie, TPHCM cho hay, đối với trầm cảm, việc phòng ngừa và phát hiện là bước quan trọng nhất. Đây sẽ là cả một quá trình, các em sẽ có những biểu hiện như sinh hoạt thất thường, thu mình, kêu chán đời, nói về cái chết... Tình trạng đáng báo động khi kéo dài trên 2 tuần, ảnh hưởng đến tâm trạng, các năng lực, chức năng cuộc sống.

Theo ông Thảo, việc phát hiện tình trạng của các em phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và GV chủ nhiệm. Tuy nhiên, bước ban đầu hiện còn vướng như bố mẹ quá bận rộn, ít quan tâm, lắng nghe chia sẻ của con. Ở trường học, GV chủ nhiệm lo áp lực bài vở, công tác dạy học nên khó nắm được vấn đề của từng HS.

“Có khi các em mở lời kêu buồn chán có thể còn bị người lớn mắng là lo học đi mà ít ai lường được trẻ đang có vấn đề”, ông Thảo nói.

Đối với HS trầm cảm, ông Thảo cho rằng, sợ nhất là các em không chịu tiếp xúc, trò chuyện với ai. Khi các em nói ra được, khóc được đã giải tỏa rất nhiều.

Nhiều năm gần đây, TPHCM đã chú trọng đến việc đầu tư phòng tư vấn học đường để kịp thời hỗ trợ các vấn đề của HS. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều hạn chế, chưa thật sự là “chỗ dựa” cho HS khi các em gặp sự cố.
 

"Tác động từ gia đình, học tập, các mối quan hệ xã hội hiện nay rất áp lực đối với học trò. Nhưng điều đáng ngại là dường như các em rất cô đơn, lạc lõng ngay trong môi trường sống của mình. Khi đã cô đơn cùng với việc thiếu kỹ năng đối diện với thất bại thì chỉ cần một áp lực rất nhỏ, các em cũng trở nên yếu đuối, dễ buông xuôi” - cô Bùi Mỹ Dung, Giáo viên Trường THCS Quang Trung, Q.4, TPHCM. 

“Qua kết quả khảo sát đầu năm, chúng tôi nhận thấy có lớp cùng lúc có nhiều HS biểu hiện trầm cảm. Tuy nhiên việc tiếp cận không hề dễ dàng vì các em thường thu mình, không chịu tiếp xúc. Nhiều em xuống phòng tâm lý vẫn nhất quyết không nói. Chưa kể những trường hợp HS trầm cảm mà không được phát hiện” - tư vấn viên tâm lý một trườngTHPT ở TPHCM (đề nghị không nêu tên trường).

“Đầu năm học, Trường THPT Marie Curie thực hiện bảng khảo sát HS. Qua đó, sẽ nắm bắt được em nào có vấn đề, có nguy cơ trầm cảm để GV chủ nhiệm, gia đình quan tâm, chú ý. Phòng tư vấn học đường sẽ phát danh thiếp, có số điện thoại đến từng HS” - ThS Trần Đăng Thảo, tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Marie Curie, TPHCM

(Còn tiếp)

Hoài Nam