Học sớm không có lợi cho trẻ mầm non về lâu dài

(Dân trí) - Là cha mẹ, ai cũng mong muốn mang đến cho con những gì mà mình nghĩ là tốt nhất, nhưng nhiều khi những việc cha mẹ làm cho con không mang lại ích lợi như họ kỳ vọng. Một ví dụ của việc này là việc cho con học từ nhỏ.

Tiến sĩ Laura Markham (người sáng lập trang AhaParenting.com - một website nổi tiếng về tư vấn và đào tạo kỹ năng làm cha mẹ) cho rằng các ông bố bà mẹ nhiều khi thích nắm quyền kiểm soát con và nhiều điều chúng ta làm trong vai trò làm cha mẹ thực ra lại đang hủy hoại sự phát triển lành mạnh của con. Một ví dụ của tình trạng này là việc cha mẹ “ép” con học từ nhỏ.

Tiến sĩ Nancy Carlsson-Paige, giáo sư danh dự về giáo dục sớm tại ĐH Lesley (bang Massachusetts, Mỹ) cho biết: “Chưa từng có bất kì một bằng chứng tin cậy nào về việc những trẻ em từng được học đọc ở trường mẫu giáo sẽ được hưởng lợi từ việc này về lâu dài.”

Nghiên cứu của Sebastian Suggate, cựu nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Otago (New Zealand) về tâm lý giáo dục cũng khẳng định quan điểm trên của Tiến sĩ Carlsson-Paige.


Nghiên cứu của Sebastian Suggate cho thấy không có lợi ích từ việc trẻ học đọc lúc 5 tuổi.

Nghiên cứu của Sebastian Suggate cho thấy không có lợi ích từ việc trẻ học đọc lúc 5 tuổi.

Một trong những nghiên cứu của Suggate so sánh những đứa trẻ ở các trường học theo phương pháp giáo dục của nhà giáo dục, triết gia người Áo Rudolf Steiner, thường bắt đầu học đọc từ năm 7 tuổi, với những đứa trẻ theo học các trường công lập ở New Zealand, bắt đầu học đọc từ năm 5 tuổi.

Nghiên cứu cho thấy, đến khi lên 11 tuổi, những học sinh từ nhóm 7 tuổi đã bắt kịp với nhóm 5 tuổi, thể hiện khả năng đọc tương đương nhau.

Sebastian Suggate cho biết trong một bài phỏng vấn trên trang web của ĐH Otago: “Nghiên cứu này đặt ra cho chúng ta một câu hỏi lớn. Nếu không có lợi ích từ việc trẻ học đọc lúc 5 tuổi, vậy liệu có bất lợi gì khi bắt đầu dạy trẻ đọc sớm hơn nữa {trước 5 tuổi} hay không?”.

Trẻ nhỏ học hỏi thông qua quá trình khám phá và chơi đùa

Trong khi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho trẻ học từ độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo không có ích lợi về lâu dài, có nhiều nghiên cứu khác chỉ ra tác dụng của việc vui chơi đối với trẻ.

Trong cuốn sách “Rèn cha rồi mới rèn con”, Tiến sĩ Laura Markham cho biết, nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ ở trong môi trường lấy chơi đùa làm trung tâm khi ở lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo có kết quả học tập ổn định và tốt hơn so với những đứa trẻ theo học tại những trường mẫu giáo có tính chất học thuật.

Tiến sĩ Laura Markham khẳng định trẻ nhỏ học hỏi thông qua quá trình khám phá và chơi đùa, đó chính là nền tảng của sự sáng tạo và hạnh phúc trong cuộc sống.

Một ví dụ nổi bật của khẳng định này là trẻ em ở Phần Lan - đất nước từ vị thế là một quốc gia không có tên trên bản đồ giáo dục thế giới đã gây bất ngờ khi đứng vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Thành quả giáo dục ấn tượng này là nhờ những cải cách đột phá trong giáo dục của Phần Lan, trong đó có mô hình trường mẫu giáo “chơi mà học” và sự ưu tiên hàng đầu dành cho niềm vui trong học tập từ giai đoạn đầu đời.

Trẻ mẫu giáo ở Phần Lan trong hoạt động ngoài trời.
Trẻ mẫu giáo ở Phần Lan trong hoạt động ngoài trời.

Người Phần Lan nổi tiếng với những câu nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”. Ở đất nước này, trẻ em lên 7 tuổi mới bắt đầu học tiểu học thay vì 6 tuổi như bình thường.

Đa số trẻ em Phần Lan đến tận 6 tuổi mới bắt đầu chương trình học bắt buộc ở những trường mẫu giáo công lập (thường được gọi là “tiền tiểu học”). Nhưng ở đó thì các em cũng dành phần lớn thời gian để vui chơi hơn là ngồi làm bài tập với giấy và bút chì theo kiểu truyền thống.

Anni-Kaisa Osei Ntiamoah - một giáo viên mẫu giáo ở Phần Lan nhận định: “Trẻ em học rất nhanh thông qua vui chơi. Các em thậm chí còn không nhận ra rằng mình đang học bởi đã bị cuốn hút vào những gì mình đang làm”. Cô Osei Ntiamoah cho biết, khi trẻ em chơi là lúc các em đang phát triển ngôn ngữ, kiến thức toán học và cả kĩ năng giao tiếp xã hội.

Một nghiên cứu trong cuốn sách “Sức mạnh của vui chơi” (The power of play) đã khẳng định phát hiện trên của cô Osei Ntiamoah: “Trong ngắn hạn và dài hạn, vui chơi đều có lợi cho trẻ về nhiều mặt phát triển nhận thức, xã hội, cảm xúc và thể chất… Khi được tham gia vào những trò chơi vui nhộn và hợp lứa tuổi, trẻ sẽ được thúc đẩy để tham gia vào những cơ hội học hỏi”.

Arja-Sisko Holappa, một nhà tư vấn của Ban Giáo dục Quốc gia Phần Lan, cho biết chính phủ Phần Lan yêu cầu giáo viên mẫu giáo phải mang đến thật nhiều cơ hội chơi mà học cho trẻ em tại trường theo cả hai hình thức: vui chơi tự do, tự phát và vui chơi mang tính giáo dục, có hướng dẫn chút ít của giáo viên.

Trẻ mẫu giáo Phần Lan dành phần lớn thời gian để vui chơi.
Trẻ mẫu giáo Phần Lan dành phần lớn thời gian để vui chơi.

Bà Holappa khẳng định: “Vui chơi là một cách học hiệu quả đối với trẻ. Và chúng tôi sử dụng vui chơi theo một cách thức để trẻ sẽ học khi vui chơi”. Bà Holappa cho biết người Phần Lan có câu châm ngôn cổ nói rằng “Những gì bạn học mà không có niềm vui thích thì bạn sẽ quên đi dễ dàng”.

Chính phủ Phần Lan từng cấm việc dạy đọc cho trẻ mẫu giáo. Nhưng giờ đây, giáo viên nước này cũng có thể dạy trẻ tập đọc nếu giáo viên xác định được là trẻ cảm thấy sẵn sàng và hứng thú học.

Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con