Học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền: Chúng em không ghét môn Sử

(Dân trí) - Theo thầy hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TPHCM) thì sự việc xé đề cương môn Lịch Sử chỉ là trò đùa nghịch của học trò nhưng bị người lớn đẩy đi quá xa. Trong khi đó, các học sinh của trường này đang tìm cách thanh minh cho mình.

Chỉ là trò nghịch ngợm

Thầy Nguyễn Cảnh Tân - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết sự việc đã bị đẩy đi quá xa. Thầy Tân tường thuật lại rằng sự xảy ra vào chiều thứ sáu tuần trước (29/3), khi biết môn thi tốt nghiệp THPT, một số em phấn khích nên xé giấy vụn ném xuống sân trường, sau đó nhiều em hưởng ứng theo thành phong trào. Tuy vậy, đa phần đó là giấy nháp, tờ rơi quảng cáo của các trường đại học đến giới thiệu chứ không chỉ là đề cương môn lịch sử. Thực tế hình ảnh trong clip cho thấy đó là giấy vụn màu trắng trong khi đề cương của môn Sử rất dày và có bìa màu xanh. Không thi môn nào thì học sinh cũng mừng chứ không phải riêng môn Sử. Nếu từ những hành động này mà đánh giá học sinh ghét Sử, không học Sử là đánh giá vấn đề sai lệch.

Học trò Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) cho biết đang tìm cách để lấy lại hình ảnh
Học sinhh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) cho biết đang tìm cách để "lấy lại hình ảnh".

Ngày hôm đó lãnh đạo trường cũng đã đến 14 lớp của khối 12 để nhắc nhở, phân tích cái sai và rút kinh nghiệm trong ứng xử với cái em. Ngay sau đó, các em này đã xuống dọn dẹp rác. "Vì là trò nghịch ngợm của học trò nhất là năm cuối cấp nên chúng tôi cũng giải quyết như thế chứ không kỷ luật các em. Một số em cũng đã đưa clip lên Facebook nhưng chúng tôi thấy vấn đề không có gì nghiêm trọng" - thầy Tân cho hay.

Tuy nhiên, đến ngày 7/4, một số trang mạng đăng lại clip này kèm theo câu bình luận không đúng sự thật. Thực tế, hiện tại các học sinh vẫn còn giữ tài liệu ôn tập môn Lịch sử. Thầy Tân cũng nói thêm rằng học sinh của trường học khá tốt các môn xã hội, đặc biệt là môn Sử có nhiều em đoạt giải thưởng Olympic, học sinh giỏi cấp thành phố.

Sự việc ồn ào khiến học sinh của trường bị sốc. Các em cho biết không ngờ chỉ là trò đùa nghịch lại gây sự việc nghiêm trọng như vậy. Em Thanh Nhi - học sinh lớp 12A3 chia sẻ: “Hôm đó em cũng xé giấy nhưng không phải tài liệu ôn Sử. Không thi môn Sử em cũng không mừng lắm vì môn này em học cũng khá. Hơn nữa tụi em vẫn còn giữ tài liệu môn Sử vì cô Vy chủ nhiệm dặn để dành sau này thi đại học”. Nhi cũng cho biết “những ngày qua chúng em buồn lắm, mọi người trên mạng bình luận, nhận xét chúng em như kẻ vô học”.

Còn em Thiện Phú thì cho biết chúng em đang cố gắng lấy lại hình ảnh cho học sinh nhà trường. Từ tối qua, các bạn khối 12 đã phát động với nhau cùng lên Facebook đăng lên avatar hình đề cương môn Sử. Nhiều em khối 11 cũng tham gia. Chúng em muốn mọi người biết là chúng em không ghét môn Lịch sử.

Trước sự việc học sinh xé đề cương ôn tập môn Lịch sử vì không thi tốt nghiệp THPT gây xôn xao trên cộng đồng mạng cuối tuần qua, GS.TS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng làm như thế là phản cảm.

Theo GS.TS Đào Trọng Thi thì với một môn lý thuyết như môn lịch sử mà không phải thi thì tất nhiên các em rất là vui nên có hành động bộc phát như thế. Tuy nhiên có nhiều cách mừng không nhất thiết làm theo cách phản cảm như vậy.

Cũng theo ông Thi, điều này cũng đặt ra là phải thay đổi phương pháp dạy và học ở môn Sử và cả các môn khác. Riêng với môn Sử thì đang là điểm nóng cần phải thay đổi về chương trình, phương pháp, nội dung để hấp dẫn học sinh và có hiệu quả cung cấp kiến thức với lối sống hiện đại. Không nhất thiết phải nhớ từng con số mà phải giúp học sinh hiểu được ý nghĩa, đánh giá giá trị của sự kiện nào đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi động Quốc hội cũng cho rằng về sau thì các môn học cần được đối xử công bằng như nhau ngay cả trong các kỳ thi. Chẳng hạn như thi 6 môn nhưng ngoài Văn, Toán, Ngoại ngữ là bắt buộc thì các môn khác các em có thể tự chọn chứ không nhất thiết phải thi cùng nhau. Thực tế tỉ lệ tốt nghiệp THPT hiện nay rất cao. Cuộc thi chỉ là cách kiểm tra kiến thức thành thử vì sao không tôn trọng quyền lựa chọn theo sở thích của các em.

Lê Phương