Hà Nội:

Học sinh trồng “cây nhân tạo” chống ô nhiễm không khí

(Dân trí) - Máy điều hòa không khí City Tree - một trong 6 sản phẩm khoa học xuất sắc nhất, giải quyết các vấn đề môi trường, vừa được trao giải Phát minh sáng chế (tương đương giải Nhất) của chung kết nghiên cứu khoa học trong Ngày hội STEAM Fair 2019, do Trường phổ thông liên cấp Olympia tổ chức ngày 16/3 tại Hà Nội.

Ngày hội STEAM Fair 2019 năm nay có sự tham gia của gần 2.000 người, với chủ đề “STEAM vì Môi trường” đã lại những câu chuyện đẹp về mẹ tự nhiên.

Từ đó, học sinh có thể đưa ra những bài học đáng suy ngẫm về các vấn đề môi trường mà Trái Đất đang đối mặt và gieo lại trong mỗi người những câu hỏi cần trăn trở vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hối thúc chúng ta cùng hành động gìn giữ hành tinh này mãi xanh tươi.

Nằm trong khuôn khổ chương trình, chung kết cuộc nghiên cứu khoa học của học sinh đã diễn ra với 6 sản phẩm khoa học xuất sắc nhất giải quyết các vấn đề môi trường.

Học sinh trồng “cây nhân tạo” chống ô nhiễm không khí - 1

Học sinh thuyết trình về Máy điều hòa không khí City Tree, sản phẩm đoạt giải Phát minh sáng chế (tương đương giải Nhất). 

Trong đó, Máy điều hòa không khí City Tree - một trong 6 sản phẩm khoa học xuất sắc nhất, giải quyết các vấn đề môi trường của nhóm học sinh lớp 9, vừa được trao giải Phát minh sáng chế (tương đương giải Nhất) của chung kết nghiên cứu khoa học.

Học sinh Tạ Phú An, Trưởng khối 9, thành viên nhóm nghiên cứu sản phẩm Máy điều hòa không khí cho biết, đặc điểm cơ bản của máy sử dụng năng lượng mặt trời, hút không khí bẩn vào máy và xử lý bằng hệ thống rêu xanh (loài thực vật dễ sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khí hậu Việt Nam, độ bao phủ lớn, thực hiện đầy đủ vai trò của quang hợp của thực vật tạo ra O2 và hút CO2). 

Mỗi một City Tree tương đương với hiệu quả của 275 cây xanh, có thể hấp thụ khoảng 250g bụi/ngày và loại bỏ 240.000kg CO2 mỗi năm.

Học sinh trồng “cây nhân tạo” chống ô nhiễm không khí - 2

“Cây nhân tạo” rất thân thiện với môi trường vì xử lý bằng hệ thống rêu xanh để điều hòa không khí.

Phú An cho biết, hiện nay lòng đường ở Hà Nội đang bị lấn chiếm, cây xanh đang thiếu nghiêm trọng do phải chặt bỏ để mở rộng đường sá. Do đó, một “cây nhân tạo” rất thân thiện với môi trường được ra đời để điều hòa không khí.

“Chỉ trong vòng 1 tuần, nhóm chúng em phải lên ý tưởng và thực hiện. Nhiều hôm, nhóm ở lại đến 6, 7h tối mới về”, Phú An cho hay.

 

Học sinh trồng “cây nhân tạo” chống ô nhiễm không khí - 3

Cơ chế hoạt động và các tính năng cơ bản của "cây nhân tạo"

Chia sẻ với báo chí, TS Đặng Văn Sơn - Giám đốc Học viện Sáng tạo S3 cho hay, những ý tưởng, đề tài của học sinh phù hợp với khả năng của học và tình trạng hiện nay ở Hà Nội vì ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề thiết thực của của cuộc sống. Trong giáo dục STEM, một trong những điều quan trọng là giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương.

Ở đây, học sinh đã đưa ra rất nhiều ý tưởng hay, phù hợp như: vấn đề như ô nhiễm sông Tô Lịch, rác thải, ô nhiễm tiếng ồn… Đây là vấn đề diễn ra hàng ngày, trong cuộc sống.

Theo ông Sơn, ấn tượng nhất có lẽ là giải pháp làm sạch sông Tô Lịch vì hiện tại, chúng ta đang giải quyết phần ngọn, tức chỉ làm sạch nước ở sông nhưng lại tiếp tục xả thải ra thì không giải quyết được vấn đề. Vì thế, ý tưởng lọc nước thải của các bạn học sinh rất thực tiễn.

Cô Phạm Thị Minh An - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, chương trình khoa học của trường được tích hợp bao gồm các lĩnh vực Toán, Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật.

Ngay từ tiểu học, các em đã được tiếp cận với các chủ đề liên môn, hướng học sinh đến các vấn đề thực tiễn cần giải quyết.

Chính vì vậy, phương pháp học tập trải nghiệm và học tập dự án là 2 phương pháp chủ đạo mà nhà trường áp dụng trong việc giảng dạy các bộ môn khoa học tự nhiên.

Ngày hội năm nay, nhà trường lựa chọn chủ đề Green.0 với ý nghĩa nhân văn hướng tới gìn giữ và bảo vệ môi trường trước tác động của con người từ hàng ngàn năm đặc biệt là trong sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật ngày nay đã không ngừng gây ra tổn thương cho mẹ thiên nhiên.

M. Hà