Lào Cai:

Học sinh tiểu học trở thành hướng dẫn viên du lịch

(Dân trí) - Tham gia mô hình “Trường học du lịch”, nhiều em học sinh ở Lào Cai đã trở nên hoạt bát, hào hứng hơn trong học tập.

Tới thăm Trường Tiểu học Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tiếp đoàn là các em học sinh - những hướng dẫn viên du lịch nhí. Em Giàng A Sủ - học sinh lớp 5, truởng nhóm múa khèn dẫn đoàn chúng tôi đi tham quan lần luợt từng phòng trưng bày ảnh, trưng bày sản phẩm du lịch của địa phuơng.

Tại khu vực trưng bày nhạc cụ dân tộc, Sủ nói vanh vách và rất tự tin khi giới thiệu với chúng tôi cấu tạo, ý nghĩa và xuất xứ từng loại nhạc cụ. Nói về Khèn Mông, Sủ cho biết: “Khèn không chỉ là nhạc cụ thân thiết, gần gũi với chàng trai Mông mà còn là nét biểu trưng cho văn hóa Mông". Sau đó, Sủ còn tỉ mỉ chỉ cho chúng tôi các bộ phận của khèn, một chiếc khèn Mông bao gồm 5 ống tre con và 1 ống cả dùng để ghép nối các ống con... Trong chiếc khèn Mông, bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng nằm bên trong các ống khèn. Đây được coi là thanh quản của khèn....”.

Các em học sinh được tham gia các nhóm sở thích: Thêu thùa, múa khèn, lá thuốc dân gian...

Các em học sinh được tham gia các nhóm sở thích: Thêu thùa, múa khèn, lá thuốc dân gian...

Nói đoạn, Sủ cầm cây khèn rồi tự tin múa cho chúng tôi xem một điệu múa của người Mông trong mỗi dịp lễ hội. Cả đoàn còn ngạc nhiên hơn khi em có thể giao tiếp với khách du lịch nước ngoài bằng vốn ngoại ngữ khá “đáng nể”.

Được biết, trước đó Sủ là em học sinh khá nhút nhát, rụt rè trong giao tiếp. Nhưng khi tham gia mô hình “Trường học du lịch”, em đã trở nên hoạt bát, hào hứng hơn trong học tập. Không chỉ có Sủ mà rất nhiều em học sinh Trường Tiểu học Tả Phìn đã “trưởng thành” hơn nhờ mô hình này.

Giới thiệu với chúng tôi về mô hình này, thầy giáo Hà Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường Tiểu học Tả Phìn nằm trên địa bàn xã Tả Phìn - một địa danh du lịch của huyện Sa Pa, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách đến thăm. Mỗi khách du lịch đến đây ngoài việc thưởng thức các dịch vụ du lịch còn tới trường học tham quan. Nhiều đoàn khách còn ngỏ ý giao lưu với học sinh và tặng quà cho các em. Trước thực tế đó, nhà trường đã có ý tưởng tổ chức một số hoạt động ngoại khóa như: múa hát, trưng bày các sản phẩm thêu thùa và các bài thuốc chữa bệnh truyền thống của người Dao đỏ. Nhờ đó, một số sản phẩm của các em đã được khách du lịch chú ý và tìm mua. Từ thành công bước đầu, năm học 2013 - 2014, nhà trường đã quyết định nhân rộng và tổ chức thành một mô hình du lịch trong trường học lấy tên là “Trường học du lịch”.

Tham gia vào mô hình, các em học sinh được lựa chọn nhóm sở thích của riêng mình. Hiện tại có 5 nhóm sở thích: thêu, lá thuốc dân gian, vật dụng gia đình, múa khèn, viết và biên tập tin bài.

Mỗi nhóm có 20 em học sinh. Tham gia vào các nhóm sở thích, các em sẽ được tìm hiểu lịch sử của địa phương, được tham gia làm các sản phẩm truyền thống, múa những bài múa của người dân tộc bản địa.

Mỗi tháng, nhà trường tổ chức một hoạt động theo chủ đề và mời các nghệ nhân trong vùng đến giảng dạy, trình diễn cho học sinh kiến thức về thuốc gia truyền, nghề thổ cẩm, làm khèn, sáo và cho học sinh đi thực tế lấy lá, chế biến thuốc... Sau khi tự mình làm ra các sản phẩm, học sinh sẽ đóng vai trò là hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, quảng bá với khách du lịch.

Các em học sinh được các nghệ nhân trong vùng tới chỉ dẫn.

Các em học sinh được các nghệ nhân trong vùng tới chỉ dẫn.

Em Giàng A Sủ, học sinh lớp 5 là người dân tộc Mông chia sẻ: “Từ nhỏ, Sủ đã yêu thích điệu múa khèn truyền thống của dân tộc mình nên Sủ đã tham gia vào nhóm sở thích múa khèn. Ngoài múa khèn, em còn được học và tìm hiểu về sáo Mông từ nghệ nhân Giàng A Dế. Từ đó em thấy yêu hơn những bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, chúng em còn tổ chức biểu diễn múa khèn cho khách du lịch tham quan trường xem”.

Em Giàng Thị Lồng (học lớp 4B, người dân tộc Mông) thì lại lựa chọn nhóm sở thích thuốc tắm của người dân tộc Dao đỏ. Lồng cho biết: “Tham gia vào nhóm sở thích này, Lồng được tìm hiểu về các loại lá thuốc, biết phân biệt và trực tiếp đi lấy lá, chế biến thành bài thuốc tăm dân gian”.

Từ đó, Lồng áp dụng cho các thành viên cho gia đình để tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, những sản phẩm từ lá thuốc của nhóm còn được trưng bày bán cho khách du lịch.

Để các hoạt động của mô hình được hiệu quả, thầy cô giáo kết hợp với cha mẹ học sinh, các nghệ nhân trong vùng xây dựng nội dung tìm hiểu văn hóa địa phương, cách làm du lịch tại địa phương, các bài thuốc tắm, chưa bệnh, thêu thùa, may vá… sau đó tài liệu hóa, đưa vào giảng dạy trong các tiết học.

Nói về thành công bước đầu của mô hình, thầy hiệu trưởng Hà Tiến Dũng cho biết: “Từ mô hình này mà các em đã có những tiết học thực hành sinh động và bổ ích. Mô hình không chỉ giáo dục học sinh về văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn phát huy được thế mạnh, sở trường của các em, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và các hoạt động giáo dục”.

Cũng theo thầy hiệu trưởng, thành công của mô hình còn nhờ có sự phối kết hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể. Đặc biệt còn thu hút sự tham gia của phụ huynh học sinh. “Tất cả các nguyên liệu như chỉ thêu, mây tre đan lát, máy cắt thuốc, lá thuốc, nhạc cụ dân tộc… đều do cha mẹ học sinh ủng hộ. Sau đó, chính họ lại cùng với giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho con em mình. Như vậy là cộng đồng cùng trách nhiệm”.

Mô hình “Trường học du lịch” thật sự là cuốn “cẩm nang tri thức” phong phú giúp các em học sinh “học đi đôi với hành”, là minh chứng tiêu biểu cho việc huy động xã hội hóa một cách linh hoạt ở các trường khu vực miền núi.

Hạ Âu - Lê Tú