Hà Nội:

Học sinh phổ thông làm dự án để lấy điểm thi học kỳ

M. Hà

(Dân trí) - Nhiều dự án của học sinh được giáo viên theo sát, đánh giá để lấy điểm kiểm tra hệ số từ 1 đến 3, thay thế bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ hay thậm chí cả bài kiểm tra học kỳ.

Làm dự án thay bài kiểm tra học kỳ

Ngày 24/4, tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội, học sinh tất cả khối, lớp tham gia vào ngày hội showcase - hướng nghiệp "Bản sắc và hội nhập" nhằm báo cáo sản phẩm học tập hay các dự án đã làm trong kỳ học qua.

Nhiều dự án được giáo viên theo sát và đánh giá để lấy điểm kiểm tra hệ số từ 1 đến 3, thay thế bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ hay thậm chí cả bài kiểm tra học kỳ.

Trong buổi giới thiệu của học sinh trung học, phụ huynh đã có cơ hội tiếp cận nhiều khu vực triển lãm, đại diện cho các môn học trong học kỳ vừa qua.

Ở môn Địa lý, triển lãm "Dấu ấn Việt Nam" của học sinh khối 12 là kết quả của tình yêu sâu sắc với quê hương đất nước và khát vọng tìm hiểu về từng vùng miền.

Điểm đặc biệt của dự án là việc số hóa các kiến thức thông tin, sử dụng mạng xã hội làm kênh truyền tải nội dung.

Cùng với triển lãm "Dấu ấn Việt Nam", 11 nhóm khác trong khối 12 cũng tìm hiểu về những nội dung xoay quanh 7 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam qua các dự án khác nhằm lấy điểm thay cho bài kiểm tra học kỳ.

Học sinh phổ thông làm dự án để lấy điểm thi học kỳ - 1
Dự án "Dấu ấn Việt Nam" của học sinh khối 12.

Phụ trách giới thiệu về khu vực đồng bằng sông Hồng, học sinh Phạm Đức Duy hào hứng chia sẻ, việc học thông qua các dự án khiến cậu không chỉ nắm được kiến thức của một môn học mà có thể tích hợp kiến thức từ rất nhiều môn.

Tại buổi giới thiệu này, còn có các triển lãm trưng bày tác phẩm mỹ thuật, triển lãm "English exhibition" môn tiếng Anh khối 12 và triển lãm "Khoa học & cuộc sống."

Với khu trưng bày "Khoa học và cuộc sống", học sinh đã có cơ hội thuyết trình các sản phẩm khoa học, từ ý tưởng, quá trình sản xuất cho đến khi nghiệm thu sản phẩm.

Những sản phẩm được trưng bày khiến người xem ngạc nhiên khi ở lứa tuổi trung học, các bạn học sinh đã có những công trình, sản phẩm ấn tượng như Đo lượng chất béo trong đồ ăn, xác định hàm lượng Calcium trong một số loại sữa, xác định độ cứng của nước máy hay xử lý nước thải dệt nhuộm bằng nấm mục trắng…

"Liên môn" không có nghĩa gán ghép cơ học

Cô Minh Thủy, tổ trưởng môn Ngữ văn Trung học phổ thông- Trường Olympia chia sẻ, mặc dù có hiệu quả tích cực từ hoạt động này nhưng việc thực hiện một dự án kéo dài suốt cả năm học không dễ dàng.

Bên cạnh đó theo cô Thủy, việc học tập "liên môn" không có nghĩa là ghép các môn lại với nhau một cách cơ học mà phải đi vào bản chất kiến thức, lựa chọn những phần có thể kết hợp nhuần nhuyễn, từ đó giảm tải những phần nội dung trùng lặp cho học sinh.

Chẳng hạn để chuẩn bị cho Dự án "Dấu ấn Việt Nam", từ tháng 9/2020, giáo viên các tổ bộ môn đã thống nhất nội dung học sinh và giáo viên phải thực hiện trong năm.

Ngay từ đầu năm học, học sinh mỗi lớp cùng thầy cô trao đổi và lựa chọn chủ đề phù hợp và lập kế hoạch cụ thể.

Để thực hiện dự án, học sinh sẽ kết hợp các kiến thức về Công nghệ thông tin, Mỹ thuật, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý…

Học sinh phổ thông làm dự án để lấy điểm thi học kỳ - 2

Sau quá trình này, học sinh sẽ hoàn thành sản phẩm đầu ra là tiểu luận dài 12- 15 trang. Sau đó, các em thực hiện cùng nhau hoàn thành sản phẩm tập thể, có ứng dụng của công nghệ thông tin để tổng kết, chia sẻ đến với thầy cô và bạn bè trong trường.

Trong dự án liên môn Ngữ văn - Âm nhạc nghệ thuật - Mỹ thuật - Tin học, các thầy cô đã đưa học sinh khối 11 của trường khám phá không gian văn hóa của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Mộc Châu, Hòa Bình trong dự án học tập liên môn "Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc."

Chuyến đi tới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La dành cho khối 11 là "chương hai" trong dự án "Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc" đã được triển khai lần đầu vào năm lớp 10 khi các bạn học sinh được tìm hiểu về văn hóa Mường.

Viết tiếp những câu chuyện về giá trị "Bản sắc Việt", học sinh khối 11 tiếp tục có cơ hội tìm hiểu về vẻ đẹp địa phương qua Dự án "Hà Nội trong mắt tôi".

Đây là dự án của bộ môn Ngữ văn, với mong muốn giúp học sinh có thể khám phá những nét đẹp của thủ đô Hà Nội, nhìn ra được những đặc trưng, giá trị văn hóa truyền thống; sự hội nhập, thích nghi và thay đổi, phát triển của Hà Nội để một mặt giữ được Bản sắc văn hóa truyền thống, mặt khác có thể hội nhập toàn cầu.

Học sinh phổ thông làm dự án để lấy điểm thi học kỳ - 3

Dự án "Hà Nội trong mắt tôi" của học sinh lớp 11. 

Dự án đã giúp học sinh đi qua những lăng kính đa chiều của một thành phố cổ kính, giúp học sinh hiểu hơn nhiều giá trị của thành phố: Những góc nhìn nhân văn, những chứng nhân lịch sử, những tầng sâu văn hóa khuất lấp sau từng nếp gấp thời gian.

Đánh giá về phương pháp học tập này, cô Thủy cho biết, việc học thông qua các dự án liên môn là hoạt động được nhà trường tổ chức thường xuyên.

Với bất cứ hoạt động nào vượt ra khỏi quy mô lớp học, phá vỡ ranh giới không gian lớp học thì đó đã là khó khăn.

Đây lại là các dự án dài kỳ, kết hợp của nhiều môn học, do đó giáo viên phải sắp xếp thời gian sao cho không làm ảnh hưởng đến những môn học khác.

"Quan trọng nhất, phải trả kiến thức về cho học sinh, tức các em phải là người tự xây dựng ý tưởng, lập kế hoạch và triển khai.

Nếu chỉ dừng lại ở phía thầy cô, điều đó vẫn mang tính sách vở, đôi khi là cưỡng ép, chưa xuất phát từ nhu cầu tự thân học sinh trong học tập", cô Thủy nói.