Học sinh lớp 1 "mệt phờ" vì học trực tuyến từ sáng tới chiều

Văn Hiền

(Dân trí) - Chưa kịp làm quen với nề nếp và chương trình học của lớp 1, nhiều phụ huynh, học sinh đã phải ngỡ ngàng, "mệt phờ" trước lịch học từ sáng đến chiều của con.

Lịch học kín cả ngày

Dù đã bước sang tuần thứ 4 theo lịch học trực tuyến của nhà trường, nhưng chị Thanh Hiền (Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa thể cho con làm quen với lịch học bởi nó quá dài (mỗi ngày từ 5 - 6 tiết), lịch học thay đổi theo tuần nhưng vẫn phải học cả ngày.

Theo học tại một trường tư thục nên con gái của chị Hiền phải "kiêm nhiệm" thêm môn tiếng Anh (trong đó có cả tiếng Anh giao tiếp). Cứ thứ 6 hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi thời khóa biểu mới cho phụ huynh để nắm bắt lịch học.

Chị Hiền cho rằng, đối với trẻ 6 tuổi vừa chập chững bước chân vào lớp 1 mà lịch học liên tục như vậy là không hợp lý; bởi các con vừa mới thay đổi nề nếp sinh hoạt của môi trường mầm non chưa kịp thích nghi với thời gian ngồi học hàng tiếng đồng hồ.

Việc ngồi trước màn hình máy tính quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thị lực của con. Chưa kể chỉ học được 30 phút đầu tập trung, con sẽ chán và không còn tâm trạng để học.

Học sinh lớp 1 mệt phờ vì học trực tuyến từ sáng tới chiều - 1

Một học sinh trong giờ học trực tuyến (Ảnh: Cẩm Trang).

Gia đình anh Trần Mạnh Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang rất lo lắng khi thấy lịch học trực tuyến của con dày đặc cả ngày. "Khi họp phụ huynh, hai vợ chồng nghe cô giáo chủ nhiệm thông báo lịch học cả tuần và từ sáng đến chiều, nhiều phụ huynh cũng đã có ý kiến. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được cũng chỉ là đợi phản hồi từ Ban giám hiệu nhà trường", anh Tiến tâm sự.

Mỗi ngày con sẽ học từ 8 giờ và kết thúc lúc 9 giờ 55, buổi chiều từ 14 giờ đến 15 giờ 15. Trong mỗi buổi học con sẽ được nghỉ giải lao, sinh hoạt bằng các trò chơi cùng với giáo viên để củng cố kiến thức trong 40 phút.

Giai đoạn này các con đang cần có bố mẹ bên cạnh để cùng học tập, hướng dẫn cho con theo yêu cầu của cô giáo. Tuy nhiên, việc "kè kè" bên con 24/7 khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, rối bời.

"Cả hai vợ chồng đều làm kỹ sư phần mềm, dù giãn cách nhưng công việc vẫn bận rộn không kém khi ở trên công ty. Cứ vừa làm lại vừa giám sát hỗ trợ con học cũng khiến chúng tôi khá bối rối", anh Tiến chia sẻ.

Con gái vừa "chân ướt chân ráo" bước vào lớp 1, phụ huynh Thu kể lại, ngày đầu, nhà trường xếp lịch học cho con học vào buổi tối để có thể thuận tiện cho phụ huynh kèm con, hướng dẫn cho các con cách sử dụng phần mềm học tập, cho con làm quen với cô giáo chủ nhiệm. Lớp có đến 30 học sinh nên mỗi buổi học trực tuyến cũng rất vất vả cho cả cô và trò.

"Sau khi làm quen học trực tuyến với 3 buổi tối, nhà trường đổi lịch cho con học cả sáng và chiều. Mỗi buổi từ 1,5 -2 giờ và có 2 - 3 môn/ buổi, điều khó khăn nhất đối với con là khi ngồi học quá lâu khiến sau tiết giải lao con đã chán và không muốn học, nhất là những tiết luyện viết, kéo dài 40 phút nhưng con cũng chẳng theo kịp lớp và các bạn vì viết quá chậm. Sau mỗi buổi học, tôi thường kèm thêm cho cháu khoảng 40-50 phút" - phụ huynh Thu cho hay.

Cần giảm giờ học cho các con

Khẳng định việc học trực tiếp là vô cùng cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, song phụ huynh Thanh Hiền bày tỏ, để việc học online được hiệu quả, đồng thời giảm bớt áp lực cho phụ huynh và học sinh, nhà trường nên xem xét việc giảm giờ học cho các con.

"Nếu chỉ học buổi sáng hoặc buổi chiều thì gia đình tôi hoàn toàn đồng ý, mỗi buổi học từ 2-3 tiếng và có giải lao giữa giờ cho các con. Cô hãy dạy những kiến thức cơ bản nhất còn lại gửi cho phụ huynh để dạy con sau những buổi học. Trẻ lớp 1 chỉ cần biết đọc, biết viết chứ chưa cần "ôm" quá nhiều kiến thức nặng nề", chị Hiền góp ý.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Trần Thị Huyền (Giáo viên lớp 1, trường Tiểu học tư thục ngoại thành Hà Nội) cho hay: "Việc sắp xếp thời gian học đã có sự tính toán hợp lý của nhà trường và giáo viên, dù biết là sẽ vất vả cho các con nhưng cũng không thể có cách nào khác. Ví dụ một tiết học dạy chữ cái và cách viết thì chỉ diễn ra trong 40 phút, nhưng có đến 20-30 học sinh trong một lớp, cô sẽ phải đảm bảo sao cho các con đều biết đọc biết viết.

Bên cạnh đó, sau mỗi tiết học thì đều có khoảng thời gian nghỉ. Khi đó, các con có thể đi vệ sinh hay nghỉ ngơi đến giờ học quay lại chứ không nhất thiết phải cho con ngồi trước màn hình điện thoại, máy tính".

Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có hướng dẫn chi tiết

Liên quan đến việc "gỡ khó" trong dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến chỉ đạo: Ngày 6-9-2021 là hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3 theo Chỉ thị số 16-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay.

Các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021-2022. Vì vậy, việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1.

Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập.

Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ), năm học 2021-2022 nhà trường có 8 lớp 1 với hơn 300 học sinh. Mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra đối với 8 giáo viên chủ nhiệm lớp 1 là làm sao để các em háo hức, hứng thú vào lớp học tập. Căn cứ tình hình thực tế, nhà trường dự kiến tổ chức cho học sinh lớp 1 học trực tuyến vào buổi tối với yêu cầu 100% học sinh đều có phụ huynh hỗ trợ trong suốt buổi học.

"Các giáo viên chủ nhiệm đã có nhiều sáng kiến để học sinh trong lớp tương tác, làm quen với nhau, đồng thời cũng để cô và trò hiểu nhau hơn, đơn cử như mỗi phụ huynh quay clip con tự giới thiệu về bản thân hoặc biểu diễn năng khiếu như hát, đọc thơ... Các clip này được đăng trên các nhóm lớp" - bà Nguyễn Thị Thúy Minh cho hay.