Khánh Hòa:

Học sinh, giáo viên tròng trành kéo bè qua sông đến trường

(Dân trí) - Nhiều năm qua, không ít học sinh, giáo viên mỗi ngày 2 lượt chòng chành kéo bè gỗ qua sông để đến trường là câu chuyện có thật ở vùng ven thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Thời gian qua, người dân thôn Hiệp Thạnh (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) vẫn đều đặn qua sông Hiệp Thạnh bằng một chiếc bè gỗ khá thô sơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Con sông rộng chừng 100m, nối thôn Hiệp Thạnh (xã Ninh Bình) và thôn Xuân Hòa (xã Ninh Phụng).


Cô giáo Phùng Thị Cượng (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đi xe máy qua bè gỗ trở về nhà sau buổi đến trường.

Cô giáo Phùng Thị Cượng (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đi xe máy qua bè gỗ trở về nhà sau buổi đến trường.

Mỗi ngày có hàng chục người qua lại con sông này bằng bè gỗ, trong đó có không ít học sinh, giáo viên. Người đang kéo đò đưa người dân, học sinh qua sông đi học là gia đình chị Võ Thị Thu Thanh (38 tuổi), một người dân ở thôn Hiệp Thạnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, học sinh đi bè qua sông được miễn phí hoàn toàn, còn người dân cùng xe máy thì trả 2.000 đồng/lượt.

Tâm sự với chúng tôi, chị Thanh cho biết, gia đình chị kéo bè cho bà con qua lại trên con sông quê cũng ngót chục năm nay. Vợ chồng chị là đời thứ ba làm công việc này, kể từ đời ông nội. Khi đó, vì nhu cầu qua lại sông của bà con rất bức thiết nên gia đình mới làm bè đưa qua sông, chứ đây không phải là nghề chính của gia đình.

Bè phao đưa người dân sang sông được làm thủ công, bằng vật liệu đơn giản như can nhựa, gỗ, tre... Bè có hình chữ nhật, dài khoảng 4m và rộng 2m, chở được 3 đến 4 người, cùng xe máy. Trước kia, mỗi lần qua sông, người chèo bè phải dùng sào để chống.

Bè gỗ giúp học sinh qua sông đi học gần hơn vì nhiều em nhà chỉ cách trường đúng một con sông
Bè gỗ giúp học sinh qua sông đi học gần hơn vì nhiều em nhà chỉ cách trường đúng một con sông

Tuy nhiên, những hôm gió lớn, dòng sông chảy mạnh thì chủ bè phải đưa bè về phía thượng nguồn, phía trên dòng nước để khi chống bè qua bờ đối diện, vào đúng bến cho người dân lên.

Vài năm nay, nhận thấy việc dùng sào chống bè qua sông mất sức, mất thời gian nên gia đình chị Thanh nảy ra ý tưởng căng một sợi dây thừng nối hai bờ sông để kéo bè qua lại.

“Nhiều lần gia đình tôi đã định nghỉ việc kéo bè nhưng nhu cầu của bà con qua sông là rất lớn. Mấy cháu học sinh, có hôm đi học muộn, gần muộn giờ vào học nhờ tôi chở qua sông, lẽ nào mà từ chối, tội cho mấy cháu vì nhà cách trường chỉ một con sông”, người phụ nữ kéo bè tâm sự.

Mùa mưa, sóng to, nước dâng cao 3-4m, gia đình chị Thanh phải nghỉ kéo bè vì nhận thấy nguy hiểm. Những hôm đó, học sinh, giáo viên ở xã Ninh Bình phải đi đường vòng từ 6-10km qua bên kia sông để đi học, tùy theo vị trí trường học của từng người.

Cô giáo Phùng Thị Cượng, một giáo viên sinh sống ở xã Ninh Bình, tâm sự: “Tôi là giáo viên tại trường tiểu học Ninh Thân và thường đi bè qua sông đến trường dạy học. Đi bè thì quãng đường từ nhà đến trường chỉ 4km, còn nếu đi đường vòng thì tới 12km”.

Nhiều học sinh học tại một ngôi trường cấp 2 tại xã Ninh Phụng nhưng nhà lại cách một con sông ở xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa nên phải đi bè qua sông cho gần
Nhiều học sinh học tại một ngôi trường cấp 2 tại xã Ninh Phụng nhưng nhà lại cách một con sông ở xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa nên phải đi bè qua sông cho gần

Ông Lương Ngọc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Bình cho biết, từ trước đó do nhận thấy sự nguy hiểm khi dùng bè đưa người dân sang sông của gia đình chị Thanh nên xã đã lập biên bản, yêu cầu người dân không được kéo bè dù trong hoàn cảnh nào.

Hiện nay, đa phần học sinh của xã Ninh Bình đều học tại các trường trong địa bàn xã. Những em học sinh qua sông đi học là rất ít và có thể học tại một trường cấp 3 ở bên kia sông.

Chia sẻ thêm về câu chuyện kể trên, ông Nguyễn Vĩnh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa mới cho chủ trương để nghiên cứu làm cầu kiên cố ở khu vực này.

“Hiện nay thị xã đang nghiên cứu, đang đề xuất các phương án để cùng với Sở KH&ĐT báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa nhưng mà chưa báo cáo. Nếu xét thấy được thì UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ cho phép lập chủ trương đầu tư, còn bây giờ mới bước khảo sát”, ông Thạnh chia sẻ.

Như thế, một cây cầu bê tông kiên cố ở ngay chính đoạn sông này là mơ ước bấy lâu sắp thành hiện thực với người dân trên vùng quê này.

Học sinh, giáo viên tròng trành kéo bè qua sông đến trường

Viết Hảo