Học sinh đánh bạn không ghê tay: Vì đâu nên nỗi?

(Dân trí) - Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ học sinh “ra tay” đánh bạn tàn bạo, gây hậu quả nghiêm trọng cho người bị đánh, thậm chí có trường hợp nữ sinh lớp 11 ở TPHCM rơi vào khủng hoảng sau khi bị hai bạn học dùng mũ bảo hiểm tấn công, bị túm tóc, đạp vào người, lột áo...

Do đâu mà các em đánh bạn mình không ghê tay như vậy? Các em không có cảm giác gì khi ra tay đánh bạn tàn bạo hay sao? Bài học “Thương người như thể thương thân” các em còn nhớ hay đã quên?

Đọc tin về các vụ bạo lực học đường, tôi cảm thấy rất băn khoăn. Vì đâu mà một số em trở nên hung hãn đến thế?

Trẻ em vốn giàu tình cảm. Chúng ta dễ thấy các em nhỏ có thể khóc khi thấy một em bé khác bị đau, hoặc thậm chí có em khóc theo khi thấy một em bé khác khóc.

Lớn lên chút nữa, các em có thể nảy sinh tình cảm xót thương những vật nuôi trong nhà, thậm chí cả đồ vật.

“Thần đồng thơ” Trần Đăng Khoa lúc lên 8 tuổi (năm 1966) đã từng nhẹ nhàng đánh thức cây trầu khi trầu đã đi ngủ, để xin vài lá trầu cho người bà vừa mới đến chơi. “Trầu ơi, hãy tỉnh lại / Mở mắt xanh ra nào / Lá nào muốn cho tao / Thì mày chìa ra nhé / Tay tao hái rất nhẹ / Không làm mày đau đâu...” - chú bé ấy đã làm bài thơ “Đánh thức trầu” khi sợ cây trầu đau khi bị hái lá.

Học sinh đánh bạn không ghê tay: Vì đâu nên nỗi? - 1

Trẻ em vốn giàu tình cảm (ảnh minh họa)

Mới đây, tôi đọc được trên Facebook một cô bạn đồng nghiệp kể cậu con trai tuổi mẫu giáo xin mẹ hộp bìa làm “mộ” cho đôi dép bị rách do kẹt vào nan hoa xe đạp. Cậu bé cất hộp bìa gọn gàng vào một góc, nhất định không cho mẹ vứt vì “sợ bạn dép buồn”. 

Nhưng biểu hiện này của trẻ em được gọi các nhà tâm lý học gọi là sự đồng cảm - khả năng hoàn toàn đặt mình vào hoàn cảnh của một người khác để thấu hiểu thực sự điều người đó đang trải qua, để thực sự ở trong trải nghiệm đó.

Nếu trẻ em ngay từ lúc sơ sinh đã biết đồng cảm với người khác, vậy tại sao khi lớn lên có những em lại trở nên hung hãn, đánh bạn không ghê tay như vậy?

Thực ra, trẻ nhỏ có thể đánh nhau, kể cả anh chị em trong nhà vẫn đánh nhau. Đó không phải là biểu hiện đáng lo ngại. Theo nhà giáo dục Nhật Bản Nobuyoshi Hirai, trẻ thích chơi với bạn bè, nhưng do ý thức mạnh mẽ về cái tôi của mình nên trẻ cũng “tích cực” xích mích với bạn. Qua nhiều lần xích mích với nhau, trẻ biết thông cảm hơn với cảm xúc của đối phương, từ đó tự tìm cách để hạn chế xích mích. Chính sau mỗi lần xích mích, trẻ lại biết điều chỉnh bản thân để có thể chơi hòa đồng hơn với bạn.

Tuy vậy, việc các em học sinh cấp 2, cấp 3 đánh bạn tàn bạo thì lại là việc đáng giật mình. Theo nhiều nhà tâm lý, trẻ thích sử dụng bạo lực thường là những trẻ thiếu tình yêu thương. Nếu thiếu tình yêu thương, trẻ sẽ không thể thấu hiểu được người khác cũng như ít khi có cảm giác hối hận khi làm tổn thương người xung quanh. Một đặc điểm phổ biến của những đứa trẻ thiếu sự gắn bó chặt chẽ với những người lớn quan trọng đối với chúng là sẽ không phát triển được khả năng thấu cảm (năng lực đặt mình vào địa vị người khác và thấu hiểu cảm xúc của họ).

Học sinh đánh bạn không ghê tay: Vì đâu nên nỗi? - 2

Nữ sinh lớp 11, Trường THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TPHCM) bị hai bạn nữ cùng trường dùng mũ bảo hiểm tấn công, lại còn bị túm tóc, đạp vào người, lột áo.

Thiếu hụt sự đồng cảm thậm chí còn có thể là biểu hiện mầm mống của kẻ tội phạm. Theo nhà tâm lý học Daniel Goleman, thủ phạm của những tội ác bỉ ổi đều hoàn toàn không có sự đồng cảm. Việc chúng không thể cảm nhận được nỗi đau khổ của các nạn nhân cho phép chúng tự dối mình để biện minh cho tội ác của chúng.

Xét như vậy, không có gì khó hiểu khi phần lớn thủ phạm các vụ bạo lực học đường là những em học sinh sống xa cách bố mẹ (do bố mẹ ly dị, làm ăn xa… nên các em ở cùng ông bà hoặc người họ hàng, những người này không yêu thương sát sao các em được nhiều như bố mẹ); hoặc các em vẫn sống cùng bố mẹ nhưng bố mẹ các em bận mưu sinh nên dành rất ít thời gian cho con. Xa cách bố mẹ, thiếu thốn tình yêu thương đã khiến các em không phát triển được khả năng đồng cảm, nên nếu có mâu thuẫn với bạn và dẫn đến đánh nhau thì các em đánh bạn không chùn tay.

Với nhịp sống hối hả hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ em thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ, người thân, và hệ lụy của việc này không phải là chuyện nhỏ.

Nguyên Chi