Học sinh dân tộc thiểu số sẽ được học tiếng mẹ đẻ từ lớp 1 đến lớp 12

Mai Châm

(Dân trí) - “Bộ GD&ĐT đã ban hành 8 chương trình dành cho dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng Khmer. Theo chương trình mới nhất, từ năm học 2020-2021 trở đi, các em sẽ được học tiếng mẹ đẻ từ lớp 1 đến lớp 12”.

Học sinh dân tộc thiểu số sẽ được học tiếng mẹ đẻ từ lớp 1 đến lớp 12 - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh gặp mặt giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.

Chiều ngày 16/11, tại trụ sở Bộ Giáo dục & Đào tạo (Hà Nội) diễn ra buổi gặp mặt "Giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020”. Chủ trì buổi gặp mặt là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Nguyễn Ngọc Lương.

Tại buổi gặp mặt, các giáo viên (GV) bày tỏ thực trạng và nguyện vọng được các cấp, các ngành quân tâm, giúp đỡ công tác giáo dục tại những địa phương khó khăn, đa phần học sinh là con em dân tộc thiểu số.

Cô giáo Lê Thị Thu Trang (GV Ngữ văn tại Phú Yên) chia sẻ: Thực tế hiện nay, đa phần học sinh người dân tộc thiếu số tại địa phương ít biết chơi các loại nhạc cụ, ít biết về văn hóa cồng chiêng, những đặc trưng văn hóa của dân tộc mình... Theo cô Trang, cần có các chương trình ngoại khoá, các hoạt động giáo dục để các em.

Thầy K’Dĩnh (GV dạy Tiểu học ở Bình Thuận) trăn trở: Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có điều kiện sống, cơ sở vật chất và giáo dục đều còn nhiều khó khăn.

Thực trạng là học sinh nơi đây chỉ học hết Tiểu học, sang đến cấp 2 nhiều em bỏ học. Phụ huynh gần như "khoán trắng" cho GV, để mặc con em "thích đi học thì học, không thích học thì thôi".

Vì vậy, thầy K’Dĩnh mong muốn rằng có chương trình hướng nghiệp phù hợp, giúp các em yên tâm học tập.

Học sinh dân tộc thiểu số sẽ được học tiếng mẹ đẻ từ lớp 1 đến lớp 12 - 2

Giáo viên dân tộc thiểu số bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Là một GV mầm non, cô Vàng Ha De (dân tộc La Hủ, tỉnh Lai Châu) gặp khó trong việc vận động học sinh tới trường, tới lớp. “Nhiều khi phụ huynh nói rằng các cháu còn nhỏ, các cháu chưa cần phải học. Việc học của học sinh được giao phó cho các thầy cô. Thầy cô phải đến tận nhà đón học sinh đi học”, cô A De nói.

Bên cạnh đó, cô Ha De cũng có chung mối quan tâm về việc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một. Cô mong rằng chương trình giáo dục của các em học sinh dân tộc thiểu số có thêm những tiết học, bài giảng gắn với văn hóa truyền thống địa phương.

Thầy giáo Thạch Sa Quên (dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh) cho biết, hiện nay bộ môn tiếng Khmer tại các vùng có người dân tộc Khmer chỉ dành 2-3 tiết học một tuần ở bậc Tiếu học, khi các em lên tới cấp 2 thì không còn chương trình dạy học bằng tiếng Khmer nữa, dẫn tới học sinh không biết hoặc mai một dần tiếng mẹ đẻ.

Mong muốn của thầy giáo Quên là phổ biến bộ môn tiếng Khmer ra toàn tỉnh. Bên cạnh đó, thầy mong muốn chú trọng phát triển văn hóa Khmer, tăng cường trình độ văn hóa, trình độ tay nghề cho người dân.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các thầy cô giáo, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc giải đáp nhiều vấn đề.

Về vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, Phó Vụ trưởng dẫn Thông tư 32 về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, trong đó có phần về phát triển giáo dục địa phương.

Vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã giao cho các địa phương, đưa vào như thế nào, thực hiện ra sao là phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương; cùng với đó là điều kiện của mỗi nhà trường, sự sáng tạo của các thầy cô giáo làm sao thích hợp nhất với nhu cầu và thực tiễn tại chỗ.

Về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số, Phó Vụ trưởng dẫn Nghị định 105 (ban hành 08/09/2020), trong đó quy định trẻ em mẫu giáo ở những vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ bữa ăn trưa.

Trả lời vấn đề dạy và học ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số, Phó Vụ trưởng Lê Như Xuyên cho hay: “Bộ GD&ĐT đã ban hành 8 chương trình dành cho dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng Khmer.

Theo chương trình mới nhất, từ năm học 2020-2021 trở đi, các em sẽ được học tiếng mẹ đẻ từ lớp 1 đến lớp 12. Với học sinh Tiểu học là 2 tiết học/tuần, học sinh THCS và THPT là 3 tiết học/tuần.

Do vậy, các thầy cô giáo có thể yên tâm là học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng mẹ đẻ tới hết chương trình giáo dục phổ thông”.

Học sinh dân tộc thiểu số sẽ được học tiếng mẹ đẻ từ lớp 1 đến lớp 12 - 3

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh (bên phải ảnh) tuyên dương 63 thầy cô giáo người dân tộc thiểu số.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tuyên dương 63 thầy cô giáo là những tấm gương rất tiêu biểu của các nhà giáo ở các tỉnh thành, có nhiều thành tích và động viên sự nỗ lực, cố gắng của các thầy cô giáo.

Thứ trưởng nhận định rằng trách nhiệm của thầy cô giáo là rất lớn, bên cạnh đó gia đình học sinh cũng có trách nhiệm để giúp đỡ con em đến trường, có tri thức, có ước mơ, việc làm và thu nhập.

“Có nhiều rào cản nhưng rào cản đó chúng ta không khuất phục mà phải vượt qua vì học sinh”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Mặt khác, Thứ trưởng cũng khen ngợi chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tôn vinh hơn 200 tấm gương GV tiêu biểu, ghi nhận đóng góp của các thầy cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”.

Kết thúc buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT đến 63 thầy cô giáo.

Học sinh dân tộc thiểu số sẽ được học tiếng mẹ đẻ từ lớp 1 đến lớp 12 - 4

Trao bằng khen cho 63 thầy cô giáo người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc.

Sáng ngày 16/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp mặt 63 gương giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020.

Tại buổi gặp, các giáo viên đã chia sẻ quá trình công tác và những tâm tư, nguyện vọng với Phó Thủ tướng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trong các vấn đề cụ thể như cơ sở vật chất của trường lớp; điện, nước, sóng điện thoại; bữa ăn đủ dinh dưỡng; nhà vệ sinh; giáo cụ, đồ dùng học tập...