Học sinh còn rụt rè, nhiều giáo viên bảo thủ

(Dân trí) - Học sinh ở các trường công lập khi tham gia các hoạt động thường đứng co rúm, rụt rè, thiếu sự năng động. Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM nhấn mạnh nhà trường, phụ huynh phải chú ý giáo dục kỹ năng cho học sinh.

Nhiều vấn đề trong giáo dục được đề cập tại Hội thảo thường niên về công tác chuẩn bị năm học mới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM diễn ra vào chiều 14/8.

Cấm học sinh dùng điện thoại, giáo viên thì nghe gọi liên tục 

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM quan tâm đến những mối quan hệ, tương tác trong học đường. Ngay trong nhà trường, việc đổi mới giáo dục, phương pháp dạy học đang có sự xung đột giữa đội ngũ giáo viên (GV) trẻ và GV lớn tuổi. Nhiều GV, nhất là người lớn tuổi có thể nói là lên lớp rất bảo thủ. 

Học sinh còn rụt rè, nhiều giáo viên bảo thủ - 1

Bà Tô Thị Bích Châu quan tâm về các mối quan hệ học đường

Mối quan hệ giữ nhà trường và phụ huynh phải tạo thành một mối quan hệ mật thiết trên cơ sở vì con em, chứ không đẩy hết cho nhà trường. Chúng ta khảo sát nguyện vọng của phụ huynh là chính đáng, nhưng cũng phải khảo sát nhu cầu của GV xem họ mong muốn gì. Ghi nhận nguyện vọng 2 chiều, sẽ tìm thấy vấn đề, các nguyện vọng chung. 

 Bà Châu nhấn mạnh, đội ngũ GV phải thật sự thay đổi. Đơn thuần như việc nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nhưng trong lớp GV liên tục nghe điện thoại, nhắn tin liên tục. 

"Học sinh các trường quốc tế khi tham gia hoạt động các em rất năng động, trong khi còn nhiều học sinh trường công là đứng co rúm, rụt rè. Nhà trường và cả gia đình chú ý việc tổ chức học như thế nào để buổi một buổi là học văn hóa, buổi còn lại dành cho việc bồi dưỡng kỹ năng...", bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh. 

Phải chú ý an toàn trường học 

Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TPHCM nêu ý kiến, chúng ta phải thật sự quan tâm chăm học cho học sinh nghèo, học sinh thiếu học. Ở đâu chúng ta cũng có báo cáo giải thưởng, khen thưởng, huy chương nhưng việc chăm lo bao nhiêu học sinh nghèo lại không có cơ sở, dữ liệu. Trong khi đây là đối tượng cần sự chăm lo của xã hội nhất. 

Học sinh còn rụt rè, nhiều giáo viên bảo thủ - 2

Học sinh tiểu học ở TPHCM tham gia vào các hoạt động ngoài giờ học văn hóa

Ông Sơn đề xuất, thông qua giáo dục, nhà trường, qua GV chủ nhiệm xây dựng phần mềm quản lý học sinh khó khăn để xã hội có cơ sở cùng hỗ trợ, chăm lo việc học cho các em. 

Ngoài ra, ông Sơn nêu đề nghị đưa sơ cấp cứu vào nhà trường, vấn đề an toàn trường học, bạo lực học đường là cực kỳ quan trọng, cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, vai trò của người Tổng phụ trách trong nhà trường cần phải được xem như một người quản lý, tương đương như hiệu phó.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, năm học vừa qua TPHCM không xảy ra các vụ bạo lực học đường nhưng việc phòng ngừa cần luôn được chú ý. Trong nhà trường, gia đình phải làm sao khi các em gặp các vấn đề khó khăn về tâm lý, gặp áp lực, học sinh em phải có nơi chia sẻ, qua đó giảm đi hành vi có thể dẫn đến bạo lực.

Năm học mới 2019-2010, TPHCM tăng thêm gần 76.000 học sinh, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới. 

Hoài Nam