Hà Nội:

Học sinh “chuộng” thi Vật lý, Hóa học, môn Sử, Sinh “ế sưng”

(Dân trí) - Số lượng học sinh đăng ký dự thi môn tự chọn là Vật Lý, Hóa học chiếm tỷ lệ lớn, môn Lịch sử có trường chỉ duy nhất một học sinh lựa chọn.

Dù chưa biết cấu trúc đề thi nhưng các trường của Hà Nội cũng đã lên kế hoạch ôn tập cụ thể cho học sinh lớp 12. PGS. Văn Như Cương cho biết năm nay trường THPT Lương Thế Vinh có 600 học sinh lớp 12. Trường đã tiến hành khảo sát kết quả là 100% học sinh của trường lựa chọn thi cụm liên tỉnh, trong số 600 học sinh chỉ có 1 học sinh lựa chọn thi môn sử. Trong số các môn tự chọn thì môn Vật lý chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp đến là môn Hóa học, Sinh học, môn Địa lý được 50-60 học sinh đăng ký dự thi. Trường sẽ phân học sinh theo các môn các em tự chọn để lên kế hoạch ôn tập.

Học sinh lựa chọn môn tự chọn để thi là Vật Lý, Hóa học chiếm tỷ lệ lớn

Học sinh lựa chọn môn tự chọn để thi là Vật Lý, Hóa học chiếm tỷ lệ lớn

Còn thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng Hà Nội cho biết, trường có trên 250 học sinh lớp 12. Trường cũng sẽ phân loại học sinh theo môn tự chọn để ôn tập cho học sinh. Qua khảo sát, trường co 20% học sinh thi tại cụm tỉnh, còn 80% thi liên tỉnh. Cuối tháng 3 trường sẽ kết thúc tất cả các môn học để tập trung ôn cho học sinh. Trong các môn tự chọn thì Vật lý được lựa chọn nhiều nhất, thấp nhất là môn Sinh. Môn Địa có 20% học sinh lựa chọn, môn Sử có 10%.

Theo thầy Lâm, với những học sinh không thi cụm liên tỉnh, trường vẫn tổ chức ôn tập cho các em cùng với những học sinh thi ở cụm liên tỉnh đồng thời động viên các em cố gắng hơn.

Hiệu phó trường THPT Trần Phú, Hà Nội cho hay, trường vẫn đang tiến hành dạy học theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT. Trường chỉ ôn thi cho học sinh vào 2 tháng 5 và 6. Còn kết quả khảo sát học sinh phải sau 30/4 mới có.

Cùng trong tình trạng tương tự, thầy Phạm Vương Tấn - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình thông tin tỷ lệ các em chọn môn toán, lý, hóa chiếm số đông, môn lịch sử và môn sinh học ít em đăng ký nhất. 

Điều mà các nhà giáo lo ngại đó là việc đăng ký lệch nhau khá rõ rệt giữa các môn thi. Có những môn thi chỉ có vài học sinh/lớp đăng ký, điều này nảy sinh khó khăn khi tổ chức ôn tập. Vì nếu như chương trình chính khóa không thu gọn, không được cắt xén, nhà trường buộc phải đan xen nội dung ôn tập vào tiết học chính khóa. Nhưng có những môn thi chỉ có 1-2 học sinh/lớp đăng ký thi nên tiết học của môn đó rất khó bố trí để vừa dạy chương trình bình thường, vừa bổ sung nội dung ôn tập cho vài học sinh.

Ông Nguyễn Hữu Độ, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết về công tác dạy và học, sở yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt. Học sinh cần học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận, dành nhiều thời gian cho việc tự học. Các thầy cô cần phổ biến cho học sinh kỹ năng làm bài, đảm bảo cho học sinh có đủ lỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Các nhà trường cần thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu kém có thể không đủ điều kiện dự thi.

Lê Tú