Bạn đọc viết:

“Học 4 năm sư phạm để thất nghiệp, mấy ai ham?”

(Dân trí) - Khi đọc bài báo “Đau lòng vì điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm quá thấp”, tôi cảm thấy bàng hoàng và chua xót, nghề giáo lâu nay vẫn là một nghề đáng quý, được xã hội tôn vinh mà "rớt giá" thảm hại trong kì thi tuyển sinh vừa qua. Tại sao các em học sinh không còn mặn mà với nghề giáo viên?

Nghề giáo viên rất cần các thầy cô giỏi, tâm huyết mới đủ sức đào tạo nên những thế hệ học trò có năng lực, tư duy tốt, có phẩm chất đạo đức tốt. Chính thầy cô trong nhà trường đã góp công sức lớn lao trong việc giáo dục, dạy dỗ học sinh trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Nghề "trồng người" cao quý đến thế, sao mỏi mắt ngóng nhân tài? Có những em học sinh điểm cao chót vót, chạm ngưỡng 30 điểm, buồn rầu vì trượt ngành y, ngành công an nhưng không hề có ý định chuyển hướng xét tuyển vào sư phạm, mặc dù ngành sư phạm hiện nay học đại học không phải đóng học phí.

Không thể trách các em học sinh cũng như gia đình các em đã “quay lưng” với nghề giáo viên. Các em đã rất thực tế khi nhìn vào bài toán tốt nghiệp đại học sư phạm, quay cuồng, gian nan khi tìm việc làm. Con số cử nhân sư phạm thất nghiệp năm sau cao hơn năm trước hay câu chuyện hàng trăm giáo viên khốn khổ vì bị cắt hợp đồng giảng dạy ở huyện Sóc Sơn - Hà Nội, ở Thanh Hóa, bị điều chuyển công tác liên tục khiến cho bất cứ ai, dù tha thiết với nghề giáo cũng phải so đo, tính toán thiệt hơn khi chọn nghề nghiệp cho cả cuộc đời mình.

Có thể nói, từ lâu nay mọi người luôn xì xầm bàn tán chuyện thi đỗ công chức giáo viên là chuyện khó nhằn. Sinh viên sư phạm cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá - giỏi trên tay cũng chưa chắc đã kiếm được việc làm nếu không quen biết, không lo lót khoản phí lên tới hàng trăm triệu đi cửa trước, cửa sau. Với các cử nhân sư phạm dạy các môn chính là tiếng Anh, Toán - Lý - Hóa, Văn - Sử - Địa thì còn trông chờ việc dạy thêm bù lại khoản tiền chạy việc, còn với giáo viên môn phụ hoàn toàn chỉ trông chờ từ đồng lương cơ bản. Thế nên có nhiều gia đình ở nông thôn, kinh tế chật vật cũng không tha thiết gì chuyện con mình học ngành Sư phạm. Bốn năm nuôi con ăn học mà con cái vẫn phải giấu bằng để thi tuyển vào khu công nghiệp, vào xưởng may mặc thì tốt nhất nên học ngay nghề nào thiết thực nhất, dễ kiếm công việc và thu nhập nhất.

Làm giáo viên thời nay còn đối mặt với quá nhiều áp lực: từ việc đổi mới liên tục cách học, cách dạy, đổi mới thi cử đến việc đổi mới cách quản lý… Thời nay, giáo viên muốn yên thân lo việc giảng dạy thì phải né học sinh, né phụ huynh, lúc nào cũng phải dĩ hòa vi quý, không được làm mất lòng học trò...

Lương giáo viên so với mặt bằng chung cũng chỉ ở mức trung bình, giáo viên phải cống hiến tâm sức chừng 5-7 năm mới có đồng lương chừng 4-5 triệu trong khi đi làm khu công nghiệp, lương khởi điểm chừng 6 triệu.

Thế mới biết, bài toán công ăn việc làm, thu nhập ra sao luôn là định hướng để học sinh chọn trường chọn nghề để học.

Tôi còn nhớ thời chúng tôi đi thi, những năm 1999 -2000, những bạn học giỏi nhất lớp đều thi Đại học Sư phạm. Chính tôi cũng ôm mộng làm giáo viên, thi lên thi xuống vẫn trượt nên mới buồn rầu học nghề khác. Mặc dù thời ấy, lương giáo viên vẫn chỉ làng nhàng, đủ ăn, có thi công chức nhưng không tệ nạn như hiện nay.

Dù ngành Sư phạm khát sinh viên giỏi đến đâu nhưng xin việc khó khăn, chế độ đãi ngộ ảm đạm thì học sinh vẫn thờ ơ để tìm đến những chân trời tươi sáng hơn. Công việc thực tế vẫn là yếu tố then chốt chứ không thể chỉ là những lời nói suông!

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!