Hiệu trưởng thiết tha mong doanh nghiệp cảm thông cho ứng viên trẻ

Hoài Nam

(Dân trí) - Vị tiến sĩ mong doanh nghiệp cảm thông cho những rụt rè của ứng viên mới ra trường và nhắn nhủ các cử nhân cần có thái độ đúng đắn trong công việc.

TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) có những chia sẻ đối với vấn đề việc làm cho sinh viên tại Ngày hội việc làm 2022 của trường. Ngày hội thu hút 60 doanh nghiệp tham gia, giới thiệu hơn 1.000 cơ hội việc làm.

Hiệu trưởng thiết tha mong doanh nghiệp cảm thông cho ứng viên trẻ - 1

TS Trần Tiến Khoa mong doanh nghiệp cảm thông cho những vụng về của sinh viên mới ra trường.

Ông Khoa bày tỏ, nhân sự luôn là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhà trường tập trung đến việc trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức học thuật sâu rộng, trọng đào tạo kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tiễn qua những đợt kiến tập, thực tập. 

Tuy nhiên, việc thực sự bước ra khỏi ghế nhà trường và trở thành nhân sự chính thức của doanh nghiệp là thử thách không nhỏ đối với tất cả nhân sự trẻ. 

"Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp có một sự cảm thông cho những rụt rè thuở ban đầu nếu có của sinh viên chúng tôi. Các doanh nghiệp hãy nghiêm khắc nhưng tận tình, đồng thời tạo môi trường, động viên khuyến khích để các em thực tập sinh phát huy kiến thức, năng lực của mình và bỏ qua những thiếu sót nếu có vì thiếu kinh nghiệm thực tế của các em", ông Khoa trải lòng.

Với tâm lý nóng vội của sinh viên mới ra trường khi bắt đầu đi làm, TS Trần Tiến Khoa nhấn mạnh, để đem lại những cống hiến cho doanh nghiệp, công ty không phải trong ngày một, ngày hai, đó là cả một hành trình kiên định. Điều quyết định yếu tố thành công của chúng ta ở bất cứ tổ chức nào là chúng ta mang lại cho tổ chức này điều gì, tổ chức này sẽ thay đổi thế nào khi có chúng ta ở đó.

Để làm được điều đó, nhân sự trẻ cần có thái độ đúng đắn với vị trí công việc, có hoài bão với sự nghiệp cá nhân trước khi trở thành nhà quản trị. 

Ông Khoa gửi gắm: "Tôi mong các em sinh viên hiểu thấu đáo doanh nghiệp, doanh nhân để thể hiện văn hóa đóng góp vào sự phát triển doanh nghiệp; tôn trọng các doanh nhân giỏi, hãy trang bị cho mình tinh thần học hỏi thật nhiều ở người xung quanh". 

"Thái độ" của nhân sự trẻ ra mới ra trường là một vấn đề được quan tâm trong tuyển dụng hiện nay. Trong đó, có không ít lời than phiền về nhà tuyển dụng như sinh viên ra trường chưa thể hiện được giá trị của mình đã "nói thách" lương, đòi việc nhẹ lương cao, thiếu tinh thần học hỏi, nhảy việc...

Hiệu trưởng thiết tha mong doanh nghiệp cảm thông cho ứng viên trẻ - 2

Sinh viên tại Ngày hội việc làm 2022 của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM).

Thực tế này kéo theo một nghịch lý trên thị trường lao động: cử nhân thất nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với thực tế khó tuyển người.  

Tuy nhiên, bên cạnh ứng viên cần có sự điều chỉnh để thích nghi, nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng, chính doanh nghiệp cũng cần có sự thấu hiểu những đặc điểm của lao động gen Z như tư duy nhanh, không chịu đựng cảm xúc tiêu cực, làm việc không chỉ để kiếm tiền như thế hệ trước, họ có thể "nhảy việc" nếu không thể hiện được bản thân hoặc thấy "không vui", họ quan tâm đến giá trị hạnh phúc trong công việc...

Điều này cũng đặt ra thách thức cho doanh nghiệp, đòi hỏi nhà quản lý cũng cần có những điều chỉnh để thích nghi, giảm xung đột thế hệ, xung đột giá trị giữa nhà tuyển dụng và ứng viên trẻ và về lâu dài là để giữ chân nhân sự, đặc biệt là người giỏi.