Hiệu trưởng ký hợp đồng cam kết tìm việc với từng sinh viên

(Dân trí) - Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cam kết “bao tiêu” việc làm sau khi tốt nghiệp với sinh viên đang theo học tại trường. Đích thân hiệu trưởng ký 500 bản hợp đồng với sinh viên tham gia chương trình này.

Theo hợp đồng cam kết và giới thiệu việc làm này, trường chịu trách nhiệm gắn kết với doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng trong việc tham gia xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng giáo trình; đảm bảo đơn vị thực tập, kiến tập đúng chuyên ngành; đánh giá kết quả học tập của sinh viên và tạo nguồn việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Đích thân hiệu trưởng ký hợp đồng cam kết tìm việc với 500 sinh viên sau khi ra trường
Đích thân hiệu trưởng ký hợp đồng cam kết tìm việc với 500 sinh viên sau khi ra trường

Trong trường hợp không giới thiệu được việc làm khi sinh viên tốt nghiệp sau 4 tháng, trường sẽ hoàn trả 50% học phí hoặc sẽ dạy miễn phí bổ sung kiến thức cho sinh viên với thời gian 4 tháng, tương đương 10 tín chỉ.

Trong khi đó, trách nhiệm của sinh viên là phải tốt nghiệp đúng hạn, hoàn thành các tiêu chí về chuẩn đầu ra do trường quy định, đảm bảo kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm sau khi tốt nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 500 sinh viên thuộc 5 khối ngành của trường đăng ký tham gia chương trình cam kết này. Trong số đó nhiều khối ngành có số sinh viên ký cam kết cao như chăm sóc sức khỏe 78 em, kinh tế 87 em, kỹ thuật công nghệ 78 em, công nghệ ô tô 72 em, tiếng nước ngoài 136 em…

TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho hay, để đủ điều kiện tham gia chương trình, sinh viên phải tốt nghiệp đúng hạn, hoàn thành nhiều tiêu chí bên cạnh việc đảm bảo kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm sau khi tốt nghiệp. “Sinh viên cần đảm bảo các quy định về chuẩn đầu ra áp dụng cho chương trình này. Trong đó, yếu tố đầu tiên cần đảm bảo là học lực. Sinh viên phải đảm bảo mức điểm từ 6.0 trở lên. Quy định về hạnh kiểm phải đạt từ loại tốt trở lên. Còn lại quy định chuẩn đầu ra về Tin học và Ngoại ngữ thì thực hiện theo quy định về chuẩn đầu ra của trường”, ông Lâm nói.

Trước câu hỏi việc “bao tiêu” đầu ra liệu có khiến cho sinh viên thụ động và ỷ lại vào người khác hay không, ông Lâm thừa nhận trước mắt việc ký hợp đồng này phần nào tạo sự yên tâm cho phụ huynh, người học khi chọn trường học sẽ được cam kết có việc làm nhưng cũng sẽ có một số lo ngại về lâu dài.

Tuy nhiên, ông Lâm nhận định rằng các điều khoản ghi trong hợp đồng sẽ tạo cho sinh viên sự năng động, nên không quá lo lắng về sự ỷ lại. “Trước đây khi không ký hợp đồng thì chính bản thân người học phải có trách nhiệm học để hoàn thành chương trình. Nhưng giờ đây chính các em đặt bút ký hợp đồng thì đã đặt mình vào một vị thế khác, nâng cao trách nhiệm hơn. Các điều kiện trong hợp đồng cũng buộc sinh viên phải hoàn thành các yêu cầu cao hơn về ngoại ngữ, giao tiếp, kỹ năng nghề nghiệp. Đây là những điều kiện động chứ không phải điều kiện tĩnh. Khi quyết định ký hợp đồng thì trước đó các em cũng cân nhắc rất nhiều, bằng chứng năm nay trường tuyển được 1.500 em nhưng chỉ 500 em tự tin ký hợp đồng này”, ông Lê Lâm chia sẻ.

Ông Lâm cũng thừa nhận với việc đưa ra hợp đồng, trường sẽ phải chịu rủi ro tương đối lớn. Tuy nhiên đây là cách để trường thực hiện trách nhiệm với sinh viên và xã hội. Để tránh rủi ro thì trường cũng thành lập một bộ phận độc lập sẽ giám sát việc thực hiện hợp đồng này.

Lê Phương