Hậu quả của việc coi lịch sử đất nước là... phụ

Những thông tin mới về điểm thi lịch sử năm nay khiến nhiều người sửng sốt: Điểm thi bình quân môn Sử của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM là 1,5; ĐH Sư phạm Hà Nội có 4/5 số thí sinh bị điểm 3 trở xuống...

Trước thực trạng bi đát này, chúng tôi đã hỏi ý kiến của một số nhà Sư phạm.

 

Thầy Hoàng Hồng, Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐHKH Xã hội – Nhân văn (ĐHQG HN): Phải làm lại sách giáo khoa và thay đổi phương pháp giảng bài.

 

Từ nhiều năm nay, năm nào điểm môn Lịch sử cũng thấp nhưng mọi khi không thống kê để cho ra những con số giật mình như năm nay. Thực tế cho thấy, có một bộ phận HS rất kém trong trường THPT không biết thi vào đâu cả, không thể thi Toán, không thể thi Hóa... thì thi khối C vậy thôi.

 

Số HS này, tôi rất ngạc nhiên, tại sao lại có thể  đỗ tốt nghiệp THPT và có được tấm bằng tú tài và được đi thi ĐH. Tôi lạ là rất đông TS như thế (ít nhất là 30%), chắc chắn ở phổ thông rất coi thường môn Sử.

 

Tôi nghĩ, chắc là trong thi cử phải có điều gì đó quá dễ dãi, còn nếu nghiêm khắc thì số HS này sẽ không thể đỗ tốt nghiệp và chắc sẽ học tập (không riêng gì môn Sử) một cách nghiêm túc hơn.

 

Để giải quyết vấn đề, trước hết, phải có thái độ thật nghiêm túc đối với môn Sử, không phải là môn phụ, muốn học thế nào cũng đỗ, tự khắc HS phải có ý thức học tập.

 

Điều đáng bàn là chương trình Lịch sử hiện nay vừa khô vừa khó vào. Nếu không có cải tiến về truyền đạt thì HS khó học. Tôi đã xem SGK Lịch sử dùng cho THPT. SGK được viết quá khô khan, không hấp dẫn, không gây hứng thú. SGK cần phải được làm lại, mang tính thẩm mỹ hơn, gây hứng thú cho người học hơn.

 

Thầy giáo chính là người truyền thụ cái hay cái đẹp của Lịch sử nhân loại, Lịch sử đất nước cho người học vì vậy thầy phải có phương pháp nào đó không cứng nhắc. Tôi được biết, ở trường SP, khi dạy sinh viên người ta thường đưa ra những bài giảng mẫu. Sau đó, SV học bài mẫu và dạy.

 

Tình trạng này vẫn còn tồn tại. Bài nào cũng giống bài nào, người dạy học thuộc và dạy. Theo tôi cần phải thay đổi thiết kế bài giảng ngay ở trường sư phạm, không nên câu nệ quá nhiều vào bài giảng khuôn mẫu. Tự GV phải tìm ra nguồn cảm hứng và có bài giảng cho riêng mình.

 

Thầy Phạm Xanh, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cận Hiện đại, khoa Lịch sử, ĐHKH Xã hội – Nhân văn, ĐHQG HN): Bỏ qua chuyện lâu dài của một dân tộc.

 

Hiện trong giới đặt ra một câu hỏi là việc dạy và học Sử ở phổ thông như thế nào, quan niệm môn Sử ở hệ thống phổ thông ra sao?

 

Câu trả lời là môn Lịch sử chưa được đặt đúng vị trí trong hệ thống môn học ở trường phổ thông: chương trình môn Lịch sử bị cắt xén; có năm thi tốt nghiệp, có năm không thi nên HS học đối phó. Vì vậy dẫn đến tình trạng nhiều HS ngán, không học Sử.

 

Đó là một nguy cơ bởi, môn Lịch sử góp một phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách người Việt Nam. Trong thế giới ngày nay, muốn hòa nhập, không hòa tan như Đảng ta đã chỉ ra thì chúng ta phải giữ nhân cách người Việt Nam. Sẽ không làm được điều đó nếu thiếu kiến thức lịch sử dân tộc.

 

Ngoài việc củng cố đội ngũ dạy Lịch sử ở trường phổ thông, chúng ta phải hoàn thiện lại SGK từ lớp 10, 11, 12 bao gồm toàn bộ Lịch sử thế giới, Lịch sử Việt Nam. Bộ SGK của chúng ta hiện nay còn nhiều lỗ hổng.

 

Đáng buồn là bây giờ nhiều người chỉ nghĩ đến kinh tế và bỏ qua những chuyện lâu dài của một dân tộc. Tôi cho rằng phải đặt Lịch sử đúng vị trí và tầm quan trọng của nó ở phổ thông. Coi trọng môn Toán, môn Văn hơn môn Lịch sử là chưa đúng.

 

Cô Nguyễn Thúy Hạnh, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Hà Nội – Amsterdam: Ai phải chịu trách nhiệm?

 

Cũng buồn vì môn Lịch sử chưa được đặt đúng tầm, bị coi là môn phụ. Hầu hết các trường coi Lịch sử là môn phụ nên HS không chú trọng học lắm. Sự việc đã xảy ra thì cả lãnh đạo ngành, GV và học sinh đều phải chịu trách nhiệm. Tôi cũng xin nhấn mạnh là có rất nhiều HS rất thích học Lịch sử, kể cả những HS học thiên về tự nhiên.

 

Theo H.T

 Tiền phong