“Hậu” mùa thi: Vì sao một số học sinh tự tử và trầm cảm nặng?

Hạnh Nguyên (ghi)

(Dân trí) - Qua quá trình can thiệp tâm lý nhiều năm qua cho thấy, “hậu” mùa thi, tỉ lệ học sinh nhập viện chăm sóc sức khoẻ tâm thần và lo âu trầm cảm, ý nghĩ tự sát cũng tăng.

Khi "gánh" kỳ vọng trên vai con quá lớn

Chiều 6/10, nữ sinh Nguyễn Thị H., ( xã Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam) treo cổ tự vẫn trong nhà.

Theo thông tin từ bạn bè em H., kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nữ sinh này đạt điểm khá cao nhưng vẫn không đủ đậu vào trường đại học theo nguyện vọng nên em nghĩ quẩn.

Câu chuyện không đỗ vào đúng nguyện vọng khiến thí sinh H. tự tử khiến nhiều người đau lòng. 

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội), qua quá trình can thiệp tâm lý nhiều năm qua cho thấy, “hậu” mùa thi, tỉ lệ học sinh nhập viện chăm sóc sức khoẻ tâm thần và lo âu trầm cảm, ý nghĩ tự sát cũng tăng.

Tỉ lệ lo âu trầm cảm và ý nghĩ tự sát cũng tăng đặc biệt tỉ lệ thuận với những kết quả thi không thuận lợi.

“Hậu” mùa thi: Vì sao một số học sinh tự tử và trầm cảm nặng? - 1

Gia đình lo hậu sự cho em H. (Ảnh: MXH). 

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, nguyên nhân đầu tiên có thể cha mẹ đặt kỳ vọng lớn lên con.

Khi các con nhận được kết quả không tốt, cách phản ứng, thái độ hoặc có lời nói vô tình tạo thêm những áp lực vô hình.

Một nguyên nhân nữa có thể chính con cái đã có những dấu hiệu, những hành vi thể hiện suy nghĩ tiêu cực nhưng cha mẹ không đủ nhạy cảm để nhận ra trong thời gian này.

Điều đó khiến những đứa trẻ cảm thấy dường như mình đã ở bước đường cùng.

“Hành vi thu mình, không chia sẻ với ai sau thất bại, khiến các bạn trẻ chìm ngập trong những suy nghĩ tiêu cực và hoảng sợ.

Chẳng hạn các em hình dung ra hình ảnh những người khác sẽ cười nhạo, thể diện gia đình sẽ bị hạ thấp, bản thân mình sẽ là tội nhân.

Những bạn khác cùng lớp có lực học yếu hơn có thể tung tăng đến những ngôi trường mới chỉ có mình ở lại...”, PGS Thành Nam cho hay.

“Hậu” mùa thi: Vì sao một số học sinh tự tử và trầm cảm nặng? - 2

Hành vi thu mình, không chia sẻ với ai sau thất bại, khiến các bạn trẻ chìm ngập trong những suy nghĩ tiêu cực và hoảng sợ.

Đừng để “mắc kẹt” trong suy nghĩ tiêu cực

Cũng theo chuyên gia này, các em hoàn toàn không nhận ra rằng những cảm xúc, suy nghĩ này sẽ sớm qua đi nếu tiếp tục ra ngoài và chia sẻ.

Tuy nhiên do không có người đồng hành, giúp đỡ vượt qua, các em bị “mắc kẹt” trong những cảm xúc tiêu cực, cảm thấy mình thật vô giá trị nên tìm cách kết thúc nó.

Chuyên gia tâm lý này chỉ ra, với những người có suy nghĩ tiêu cực trên đây, các em chỉ quen nhìn vào cái ngắn hạn, coi thất bại là dấu chấm hết cuộc đời và tin không thể có tương lai tươi sáng.

Do không chịu được chính bản thân mình, các em trừng phạt bản thân bằng cái chết.

“Với những người có dấu hiệu thu mình và suy nghĩ tự tử, điều cha mẹ nên làm ngay lúc này là hãy ở bên, động viên con thay đổi cách nhìn nhận về thất bại như cơ hội học hỏi.

Đừng bao giờ làm con bẽ mặt hoặc xấu hổ vì nó. Hãy vẽ ra một tương lai tươi sáng cho con và nhắc nhở rằng điều kiện tiên quyết cho một tương lai tươi sáng là con cần phải sống”, PGS Trần Thành Nam nói.

Đồng thời chuyên gia này chia sẻ kinh nghiệm, bố mẹ nên tìm cho con những tấm gương người nổi tiếng thế giới nhưng cũng lịch sử học hành không được ghi nhận (như Edison hoặc cả Einstein) để đến khi họ thành công, nhìn lại và bật cười vì những thất bại mà người khác trầm trọng hóa nó.

Cùng với việc động viên, cha mẹ cũng cần loại bỏ những loại vật dụng có thể gây hại đến cơ thể. Nếu các em có dấu hiệu trầm cảm về tâm lý, cần can thiệp sớm trước khi quá muộn để xử lý.