Hậu Covid-19, ngành quản trị kinh doanh có còn "hot"?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cơn bão Covid-19 quét qua, hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, nhiều người lo ngại tình trạng khó khăn còn kéo dài và sinh viên ngành quản trị kinh doanh sẽ khó kiếm việc làm khi ra trường.

Hậu Covid-19, cần những nhà quản lý chuyên nghiệp

Sau đại dịch Covid-19, kinh tế bị ảnh hưởng vô cùng lớn, nhiều công ty, doanh nghiệp rơi vào trạng thái đóng băng và không đủ nguồn thu để duy trì hoạt động kinh doanh.

Điều này khiến nhiều người lo ngại nhu cầu nhân sự quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ không nhiều, sinh viên học ngành quản trị kinh doanh ra trường sẽ khó kiếm việc làm.

Hậu Covid-19, ngành quản trị kinh doanh có còn hot? - 1

Tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp càng cần nhân sự quản lý chuyên nghiệp nên nhu cầu lao động ngành quản trị kinh doanh rất lớn (Ảnh minh họa: HUTECH).

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhân lực, đại dịch Covid-19 qua đi, kinh tế bắt buộc phải từng bước khôi phục thì các vị trí quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng - Trưởng khoa Kinh tế trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), quản trị kinh doanh được hiểu đơn giản là quản trị hoạt động kinh doanh nhằm để duy trì, phát triển những công việc liên quan đến kinh doanh, tạo ra những quy trình, hệ thống, tối ưu đa hóa "hiệu suất" vào hoạt động kinh doanh.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp càng cần những nhân sự quản lý chuyên nghiệp nhằm tối ưu hóa hoạt động, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trước dịch, nhiều vị trí có thể chỉ cần người biết việc để làm, nhưng nay phải cần những lao động chuyên môn cao, hiểu việc để nâng cao hiệu suất cũng như có khả năng sáng tạo cho phù hợp tình hình mới.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng cho rằng, các doanh nghiệp đang cố gắng tìm kiếm nguồn lao động chất lượng sau dịch để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh, nắm bắt xu thế "tâm lý khách hàng hậu đại dịch" để triển khai các hình thức kinh doanh phù hợp.

"Sinh viên theo học ngành quản trị kinh doanh không phải bận tâm vấn đề thất nghiệp bởi nhu cầu tuyển dụng vẫn không ngừng tăng cao. Vấn đề mà các em nên quan tâm là bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng mềm và tham gia nhiều hoạt động để phát triển toàn diện bản thân", thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng nói.

Ứng viên có kiến thức lẫn kỹ năng mềm:  Rất nhiều cơ hội nghề nghiệp 

Theo Trưởng khoa Kinh tế BKC, tại hệ cao đẳng, sinh viên học ngành quản trị kinh doanh được đào tạo các kiến thức chuyên ngành như lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng chiến lược phân phối sản phẩm, chính sách giá, nghiên cứu thị trường, marketing sản phẩm, truyền thông thương hiệu…

Ngoài ra, sinh viên còn được học các kiến thức chuyên sâu của ngành kinh tế như quản trị nhân sự, quản trị hoạt động kinh doanh, quản trị doanh nghiệp…

Ở hệ trung cấp, ngành này được chia thành nhiều nhánh nhỏ gắn sát với thực tế nghề nghiệp hơn như tài chính - ngân hàng, kinh doanh thương mại - dịch vụ, kinh doanh bưu chính viễn thông…

Khi ra trường, sinh viên học ngành này có thể đảm nhận nhiều công việc như: quản trị nguồn nhân lực, quản trị marketing, marketing, PR, quản trị chuỗi cung ứng...

Trong quá trình làm việc, người làm nghề có thể phát triển nhiều vị trí việc làm như: Chuyên viên tại phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, phòng marketing, phòng hỗ trợ - giao dịch khách hàng; Trưởng nhóm, trưởng bộ phận kinh doanh, khảo sát thị trường, lập kế hoạch; Giám đốc điều hành, giám đốc tài chính tại các công ty, tập đoàn…

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng cho rằng, đặc điểm khi học hệ cao đẳng, trung cấp là sinh viên thường xuyên được thực hành cùng giảng viên, nhiều lần đi kiến tập thực tế tại các doanh nghiệp nên dễ làm quen với môi trường làm việc, mở rộng mối quan hệ trong công việc. Nhờ đó, sinh viên dễ bắt nhịp với công việc khi ra trường.

Những tố chất cần thiết để theo học ngành Quản trị kinh doanh

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hưng, người muốn theo ngành quản trị kinh doanh cần nhiều tố chất để đảm bảo phù hợp và thích nghi được với tính chất công việc, phát triển bản thân.

Đam mê và tận tâm: Có niềm đam mê và đặt sự tận tâm vào công việc sẽ luôn tìm thấy niềm cảm hứng tích cực trong công việc.

Kỹ năng mềm tốt: kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng đàm phán, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, sắp xếp và tổ chức công việc, khả năng lãnh đạo...

Năng động và tinh tế: chú ý quan sát và nắm bắt một cách tinh tế sở thích cũng như yêu cầu của khách hàng là một trong những cách ghi điểm trong mắt khách hàng.

Ít nhất là thông thạo thêm một ngoại ngữ: hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thì ngoại ngữ là yếu tố quan trọng trong quá trình làm việc cũng như con đường thăng tiến trong tương lai. Các em có thể làm việc trong môi trường quốc tế và nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân.