Gia Lai:

Hạn chế tiếng Việt: Rào cản học tập của học sinh dân tộc thiểu số

(Dân trí) - Nâng cao trình độ tiếng Việt cho học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) là chìa khóa nền tảng giúp các em nắm vững được các môn học khác. Chính vì vậy, nhiều mô hình dạy và học thiết thực được triển khai nhằm giúp các em học sinh có thêm hứng thú, tìm hiểu về tiếng Việt. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Giáo dục “vùng cao” gặp khó

Năm học 2018- 2019 toàn tỉnh Gia Lai hiện có 82.477 học sinh DTTS, chiếm 50,5 %. Nhiều năm qua, thực hiện “Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” đã được triển khai trên toàn tỉnh, nhưng công tác dạy và học vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tại trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Le, huyện Chư Pưh), trường hiện có 34 lớp với 8 điểm trường, 680/847 học sinh là người đồng bào DTTS, chiếm 83% (gồm nhiều dân tộc như Ê Đê, Jrai, Tày, Nùng,…). Với đặc thù là trường học đa điểm với 83% là học sinh đồng bào DTTS, thuộc các thành phần dân tộc khác nhau.

Các em học sinh DTTS trước giờ chủ yếu nói tiếng mẹ đẻ, ít giao tiếp bằng tiếng Việt, nên khả năng đọc, viết, nói bằng tiếng Việt còn hạn chế vậy nên công tác dạy và học còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trước thực trạng đó, nhiều năm qua cán bộ giáo viên nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động dạy và học để giúp nâng cao chất lượng tiếng Việt cho các em.

Hạn chế tiếng Việt: Rào cản học tập của học sinh dân tộc thiểu số - 1
Nhằm nâng cao kĩ năng tiếng Việt, em học sinh thường xuyên đọc sách, báo ngoài giờ tại trường tiểu học Kim Đồng

Tương tự, tại trường tiểu học A Dơk (xã A Dơk, huyện Đăk Đoa) với 755/ 799 học sinh DTTS, chiếm 95% học sinh toàn trường, chủ yếu là đồng bào Ba Na.

Với đặc thù là xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn, tỉ lệ người đồng bào DTTS cao  nên đa số các em học sinh chủ yếu là con em người đồng bào DTTS.

Để giúp các em học sinh người đồng bào DTTS tiếp cận tiếng việt trong giai đoạn chuyển cấp từ mầm non lên cấp 1, nhiều hoạt động dạy và học của giáo viên trong trường đã được triển khai tích cực.

Mặt khác, vẫn còn một bộ phận lớn giáo viên TH- THCS chưa biết tiếng dân tộc thiểu số. Đây cũng là một rào cản lớn trong công tác giảng dạy, sự bất đồng ngôn ngữ thể hiện rõ khi thầy và trò không hiểu nhau, đây cũng là một trong những khó khăn của giáo dục vùng cao.

Hạn chế tiếng Việt: Rào cản học tập của học sinh dân tộc thiểu số - 2
Nhiều giải pháp được ngành giáo dục đưa ra nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là tiếng Việt ở vùng cao

Ông Nguyễn Văn Đông (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT) cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 20% giáo viên thành thạo nói và viết được tiếng địa phương, đây cũng là một rào cản lớn trong việc dạy và học của địa bàn. Ngoài ra, vấn đề duy trì sĩ số lớp học cũng là một trong những khó khăn chung của toàn ngành, vì điều kiện kinh tế của người đồng bào rất khó khăn, học sinh thường bỏ học Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu sốnhiều…”.

Tăng cường các giải pháp dạy và học

Môi trường giao tiếp bằng Tiếng Việt bị hạn hẹp chính là rào cản lớn nhất để rèn kỹ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh DTTS. Nắm bắt được những khó khăn đó, nhiều năm qua các trường tiểu học trên địa bàn đã có những chiến lược dạy và học với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, tăng sự hứng thú trong học tập cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh người đồng bào DTTS. Trong quá trình dạy, chú ý đến việc phân loại khả năng tiếng Việt của từng em để có phương pháp, nội dung dạy tiếng Việt cho phù hợp.

Thầy Bùi Xuân Tám (Hiệu trưởng Trường tiểu học A Dơk) cho biết: “Xác định tiếng Việt là một học phần rất quan trọng để giúp các em nắm vững kiến thức. Nhiều năm qua, nhà trường đã xây dựng các mô hình đồng thời triển khai dạy và học để nâng cao chất lượng học sinh. Tổ chức học sớm 2 tuần với các em học sinh lớp 1 để tăng cường tiếng việt cho các em.”.

Hạn chế tiếng Việt: Rào cản học tập của học sinh dân tộc thiểu số - 3
Ttỉnh Gia Lai đang phấn đấu hàng năm có 100% học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt

“Đồng thời, giảm thời lượng một số bộ môn phụ để tăng thời lượng dạy cho môn tiếng Việt. Vận động cha mẹ học sinh cho các em đến trường để tham gia lớp phụ đạo miễn phí vào buổi chiều.

Tổ chức các cuộc thi giao lưu tiếng việt giữa các khối lớp và chọn ra những học sinh tiêu biểu để tham gia giao lưu tiếng Việt giữa các cụm trường với nhau. Xây dựng thư viện xanh, thư viện góc lớp, tăng đầu sách cho các em học sinh để các em được tiếp xúc với tiếng Việt nhiều hơn.”, thầy Tám cho biết thêm.

Tương tư, Thầy Huỳnh Trọng Cang (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng) cũng cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức các lớp hội nhập có học sinh người Kinh và các em học sinh DTTS để tăng cường môi trường tiếng Việt. Chúng tôi xác định tiếng Việt là chìa khóa hàng đầu để giúp các em học sinh DTTS phát triển.

Ngoài giờ học chính khóa, các giáo viên trong trường dạy thêm 15 phút đầu giờ, tổ chức dạy thêm  cho các em học sinh vào thứ 7, chủ nhật. Xây dựng thư viện xanh, thư viện góc lớp để các em đọc thêm sách để tăng cường tiếng việt.”.

Theo đó, tỉnh Gia Lai phấn đấu hàng năm có 100% học sinh dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt; 95% học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình, đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn Tiếng Việt cấp tiểu học. Phấn đấu đến năm 2025, 100% học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo chuẩn về chất lượng để học tốt chương trình THCS.

Phạm Hoàng