Hai sức trẻ - hai điều giản dị

Kỳ thi ĐH vừa rồi, tên của Đồng, của Lê đã được các học sinh cấp 3, các bậc phụ huynh ở tỉnh Gia Lai truyền miệng. Hai em đạt điểm cao quá. Điều đặc biệt là cả hai đều không có cặp kính cận, không ôm khư khư cuốn sách, cây bút. Mà ngược lại...

“Em sẽ được quân đội nuôi...”

 

Hồ Thị Lê đậu hai trường ĐH Ngoại thương TPHCM (28,5 điểm) và Học viện Quân Y Hà Nội (27 điểm). “Em chọn Học viện Quân Y vì trường này được quân đội nuôi chứ nếu vào Sài Gòn học ĐH Ngoại thương thì làm sao mẹ em nuôi em suốt mấy năm ĐH được”.

 

Bố của Lê là thương binh, bị ung thư dạ dày. Ngày em lên đường ra Hà Nội thì mấy hôm sau bố mất. Nhà Lê ở huyện Đăk Đoa - cách Pleiku 15 km. Ba năm học ở Trường THPT chuyên Hùng Vương (Pleiku), cứ đến chiều thứ bảy là em tất tả đạp xe về giúp mẹ những ngày cuối tuần: chăm đàn heo, bầy gà, luống rau, liếp cải trong vườn. 12 năm liền là học sinh giỏi, suốt ba năm trung học đều được các bạn tín nhiệm bầu làm bí thư chi đoàn lớp.

 

Chị Trương Thị Hồng - mẹ Lê kể: “Hồi ấy ở nội trú, để tiết kiệm, có hôm, Lê lén nấu cơm, nội quy cấm, nhưng hiểu hoàn cảnh của em, các thầy cô chỉ nhắc nhở, không phê bình”. Chị Hồng là giáo viên tiểu học, suất lương ít ỏi của chị dành hết cho bốn chị em Lê ăn học. Ngày con lên đường đi học, chị Hồng cố xoay nhưng chưa đủ một triệu.

 

“Suốt mấy năm trung học, thiếu tiền để may cho con chiếc áo mới, ngày nó lên đường, đã cố lắm nhưng cũng chẳng may được. Hôm lên xe, con bé vẫn vui, nói: Bố ngày xưa là bộ đội, bây giờ con vào Học viện Quân Y, con sẽ trở thành một người lính, yên tâm mẹ nhỉ!” - chị kể trong nghẹn ngào, nước mắt chảy tràn trên đôi gò má hóp, khắc khổ...

 

Giỏ bánh mì và giấc mơ đại học

 

Tin Trần Bảo Đồng thi đậu hai trường ĐH ở TPHCM trở thành một “sự kiện” của Trường THPT Hùng Vương (Pleiku): đạt 29,5 điểm vào ĐH Khoa học Tự nhiên và 26 điểm vào ĐH Y Dược.

 

Hai sức trẻ - hai điều giản dị - 1

Công việc mỗi sáng của Trần Bảo Đồng.

Suốt ba năm học THPT là ba năm Đồng đi bỏ mối bánh mì. Em kể về công việc như một công thức toán học “Mỗi ngày em chạy chừng 30 cây số bỏ mối khoảng 1.000 ổ bánh mì để giúp mẹ nuôi sáu đứa em và một người cha đang mắc bệnh nan y”.

 

Một đêm mưa thật khuya, chờ mãi trong ngôi nhà dột nát của em, chúng tôi mới gặp cậu bé. Đồng kể về gia cảnh trong ngậm ngùi nhưng đôi mắt ráo hoảnh: “Mỗi người mỗi phận mà, buồn làm chi…”.

 

Suốt ba năm trung học, Đồng là một học sinh của lớp chuyên Toán đã là một nỗ lực tuyệt vời. Không một ngày đi học thêm, nhưng bù lại, dành dụm được đồng nào là mua sách tham khảo tự học, tự tích lũy. Sở thích duy nhất của em là giải toán. “Em chưa từng được rảnh để có thể ngồi giải toán suốt ngày, đó là niềm đam mê duy nhất, em chỉ thích thế thôi!”.

 

Một ngày của Đồng bắt đầu từ 3h30 sáng, xếp bánh mì vào sọt rồi lao đi giao bánh. “Cái nghề bỏ mối bánh mì của em không được nghỉ một ngày. Mình nghỉ, họ nhận bánh người khác coi như mất mối luôn. Những cung đường trong thành phố em thuộc từng cái ổ gà chính xác như các công thức toán học, dù những ngày mưa to hay sương mù phố núi dày đặc...”.

 

Hôm chuẩn bị vào TPHCM nhập học, Đồng buồn rượi suốt mấy ngày, bởi em là lao động chính, là người thu nhập chính trong gia đình 6 miệng ăn. Chị Lan động viên con: “Tương lai của con ở phía trước, đời con không lẽ cứ đi bỏ bánh mì mãi, rồi mẹ và các em sẽ cố”. Mấy mẹ con ôm nhau khóc.

 

Hôm chúng tôi trở lại, thấy chị Lan đang ngồi viết thư cho cậu con trai, chị bảo gửi thư đỡ tốn tiền hơn gọi điện thoại, mà cũng có cái cho cháu nó đọc đỡ nhớ mẹ, nhớ em. Nói đoạn, chị vội chùi nước mắt: “Tội nghiệp thằng bé, nó cứ lo căn nhà sập bất cứ lúc nào, tôi trấn an nó là mùa mưa qua rồi, chưa sập được đâu...".

 

Cha Đồng - ông Lâm, gượng ngồi dậy trên giường bệnh với nụ cười héo hắt: “Cháu đậu ĐH, bệnh tui mười phần bớt chín, trời phật thương, mong nó học xong đại học, tui nhắm mắt cũng đành…”.

 

Theo Tuổi Trẻ