Hai chàng Kiến viết từ điển điện tử sinh vật

(Dân trí) - Ẩn trong tầm vóc thấp nhỏ là sự sáng tạo và niềm say mê Tin học lớn lao. Đó chính là hai anh em song sinh ở trường THPT Thái Phiên (TP. Đà Nẵng), tác giả “Từ điển điện tử sinh vật”. Hiện hai anh em là thành viên đội tuyển tin học của trường.

Từ những ấp ủ

Vừa bước vào cấp ba, hai anh em sinh đôi Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến (đang học lớp 12/15 trường THPT Thái Phiên, TP. Đà Nẵng) đã mạnh dạn đăng ký vào đội tuyển Tin học của trường mặc dù chỉ mới tiếp xúc với máy tính. Và cũng chính từ sự mạnh dạn đó, hai anh em lục lọi và học hỏi thêm về phần mềm, về lập trình để cho ra đời sản phẩm “Từ điển điện tử sinh vật” - sản phẩm đạt giải ba cuộc thi “Sáng tạo dành cho Thanh Thiếu niên và Nhi đồng toàn quốc lần thứ 3 (năm 2006-2007)” do Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức.

Tiến cho biết khi sử dụng phần mềm từ điển về hình ảnh của LacViet, thấy toàn viết bằng tiếng Anh gây khó khăn cho những người không thạo Anh ngữ, hai anh em cậu nảy ra ý tưởng làm một phần mềm hình ảnh bằng tiếng Việt. Sản phẩm được bắt tay thực hiện vào đầu năm lớp 11. Đến khi thi học kỳ xong Tiến và Anh mới nâng cấp thêm và gửi đi dự thi. Hiện phần mềm chưa được tung lên mạng vì phải chờ nhà tài trợ tên miền.

Đến khi gặp chúng tôi, hai chàng Kiến (tên gọi quen thuộc mà bạn bè dành cho hai anh em song sinh) vẫn không khỏi bất ngờ. Tiến cho biết anh em cậu cũng chỉ gửi thi cho biết và để thử sức mình thôi. Và họ đã vô cùng bất ngờ khi nhận được giấy thông báo ra Hà Nội nhận giải.

Hai chàng Kiến viết từ điển điện tử sinh vật - 1

Hai anh em Lê Hoàng Anh và Lê Anh Tiến (giữa) trong ngày nhận giải thưởng của Vifotec.

“Nguồn kinh phí” tìm kiếm tài liệu để viết “Từ điển điện tử sinh vật” là tiền tiết kiệm của hai anh em cộng với tiền làm thêm từ công việc xếp hàng mã. Cũng có những lúc hai Kiến nản chí muốn bỏ cuộc khi thiểu tài liệu hoặc phần mềm không chạy được. Nhưng rồi lại mày mò ở nhà sách cho đến khi nó hoạt động lại.

Từ điển điện tử sinh vật của hai anh em Tiến, ngoài việc góp phần giúp học sinh biết về nhiều loài sinh vật quý hiếm trong tự nhiên bằng nhiều tên gọi khác nhau, còn cung cấp những hình ảnh trực quan về môi trường sống, thức ăn, việc sinh sản, nơi cư trú... của các sinh vật. Phần mềm này còn tạo điều kiện cho việc học tập và nghiên cứu cho các sinh viên chuyên ngành Sinh học, cũng như trong việc giảng dạy bằng hình ảnh trên máy chiếu của các giáo viên, giảng viên chuyên ngành. Điểm đặc biệt là nó được tìm kiếm dưới dạng ngôn ngữ tiếng Việt nên phù hợp rất nhiều đối với các học sinh phổ thông ở nước ta hiện nay.

Đến khát vọng tương lai

Sắp tới, hai Kiến sẽ cho ra đời phần mềm “Vui học đến trường” dành cho các bé Mầm non và học sinh Tiểu học. Phần mềm này sẽ giúp bé làm quen và phát triển tư duy với các hình khối, chữ số, cách phát âm bảng chữ cái, các biển báo giao thông bằng video clip sinh động, qua đó bé còn có thể làm quen với bàn phím và máy tính, mạng Internet… Với phần mềm này, hai Kiến quyết định sẽ in đĩa và phát hành miễn phí.

“Tết này, tiền lì xì của bọn em cũng được khá nhiều. Tụi em cũng tranh thủ làm thêm bằng cách nhận giữ xe ở công viên để tích luỹ thêm cho dự định của mình. Đây là phần mềm mà tụi em say mê và tâm đắc nhất”, Tiến tiết lộ.

Năm nay, hai anh em Tiến dự định sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi của Vifotec đồng thời sẽ gửi sản phẩm cho cuộc thi “Nhân tài đất Việt”.

“Mong muốn lớn nhất của tụi em lúc này đó là tìm được một Mạnh Thường Quân giúp đỡ cho bọn em có được tên miền để có cơ hội tung lên mạng phần mềm điện tử sinh vật, để mọi người biết và tìm hiểu về những kiến thức sinh vật”, Hoàng Anh tâm sự.

Sắp tới, cả hai Kiến đều dự định dự thi vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Hoàng Anh thi ngành CNTT, còn Tiến thi ngành Điện tử viễn thông và sẽ học thêm một ngành về Kinh tế để dự định sau này kinh doanh phần mềm.

Phương Trang