Hà Tĩnh: Mòn mỏi chờ trường sáp nhập

(Dân trí) - Mặc dù được phê duyệt xây dựng trường để sáp nhập, nhưng gần 7 năm qua học sinh tại trường THCS Sơn Hà (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn trong phải đi học 2 trường khác nhau. Ngoài ra, do dự án chậm triển khai nên hơn 5.000m2 đất chuyên sản xuất lúa của hàng chục hộ dân thu hồi nhằm phục vụ dự án đang bị bỏ hoang.

Mòn mỏi chờ sáp nhập trong 7 năm

Ngay sát khu vực trường THCS Sơn Hà, là một bãi đất trống với diện tích hơn 5.000m2. Tuy là đất trống nhưng được bao bọc bằng một hàng rào tường bê tông kiên cố và chắc chắn. Khu vực này nếu đúng theo tiến độ thì đây sẽ là công trình trường học 2 tầng với 10 phòng học phục vụ cho học sinh tại địa bàn 2 xã Cẩm Hà và Cẩm Sơn. Tuy nhiên, sau 7 năm được phê duyệt sáp nhập đến nay, dự án này vẫn “treo” trên giấy.

Theo tìm hiểu, năm 2010, UBND huyện Cẩm Xuyên có quyết định sáp nhập hai trường THCS Cẩm Sơn và trường THCS Cẩm Hà thành trường THCS Sơn Hà.

Sau khi sáp nhập, nhà trường vẫn hoạt động ở hai địa điểm và văn phòng chính đặt tại điểm trường Cẩm Sơn. Sau đó, lại có quyết định chuyển văn phòng chính của trường về tại điểm trường Cẩm Hà làm phân hiệu chính trong khi điểm trường này cơ sở vật chất chưa đảm bảo.

Do đó, đầu năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định số 219/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình trường THCS Sơn Hà (xã Cẩm Hà) với quy mô nhà học 2 tầng, 10 phòng học.

Nhưng đến nay do thiếu kinh phí nên việc xây dựng trường vẫn chưa được thực hiện. Điều này khiến việc dạy và học ở hai phân hiệu tại trường THCS Sơn Hà đang gặp nhiều khó khăn.


Sau 7 năm có quyết định sáp nhập nhưng học sinh tại trường THCS Sơn Hà vẫn phải học ở 2 trường với 2 chế độ chính sách khác nhau

Sau 7 năm có quyết định sáp nhập nhưng học sinh tại trường THCS Sơn Hà vẫn phải học ở 2 trường với 2 chế độ chính sách khác nhau

Được biết, mỗi năm trường THCS Sơn Hà có 20 lớp với trên 600 học sinh, chia ra mỗi phân hiệu có 10 lớp. Đến nay đã sáp nhập 7 năm nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa đảm bảo để học sinh về một trường.

Trao hỏi với PV Dân Trí, ông Nguyễn Công Nhật - hiệu trưởng trường THCS Sơn Hà, cho biết: Hai trường cách nhau khoảng 5km, tuy nhiên để đến trường học sinh phải đi qua quốc lộ 1A nên khá nguy hiểm. Ở điểm chính Cẩm Hà có điều kiện thu hút học sinh ở các xã khác như Cẩm Lộc, Cẩm Thịnh… nhưng nhà trường không thể mở thêm lớp do không có phòng học.

"Hiện nay, chúng tôi phải sử dụng phòng học để làm khu vực hiệu bộ, phòng truyền thống và phòng phụ trợ một cách tạm bợ. Với hai phân hiệu như thế này thì việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia của trường không thể thực hiện được. Dự án tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng nhà học 2 tầng, 10 phòng học hết sức cần thiết đối với công tác dạy và học của trường nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được xây dựng”, ông Nhật băn khoăn.

Ngoài ra một bất cập trong việc quản lý do Cẩm Sơn là xã được hưởng chính sách 135 còn Cẩm Hà là xã thuần nông. Giáo viên của một trường nhưng dạy hai nơi nên hưởng chính sách cũng khác nhau.

Treo dự án 2 năm, hơn 5.000m2 đất hai lúa bị bỏ hoang

Năm 2015, dự án xây dựng nhà học 2 tầng 10 phòng học của Trường THCS Sơn Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8,6 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần theo Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 13/72012 của UBND tỉnh, ngân sách huyện và chủ đầu tư (UBND xã Cẩm Hà) huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Sau khi có quyết định triển khai dự án, chưa có đủ kinh phí để xây dựng nhưng chính quyền đã vận động nhiều hộ dân xã Cẩm Hà nhường trên 5.000 m2 đất chuyên sản xuất lúa và nhanh chóng giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên,sau 2 năm thu hồi, trường học vẫn không được xây dựng, hơn 5.000m2 đất lúa hai vụ nằm trong khu quy hoạch đang dần bị bỏ hoang hóa.

Theo nhiều người dân ở quanh đây phản ánh, do để lâu ngày không xây dựng nên cỏ mọc um tùm khiến nhiều người đưa trâu bò vào đây chăn thả thường xuyên ăn lúa và dẫm phá các phần đất nông nghiệp liền kề.

Dự án xây dựng trường học bị treo khiến hơn 5.000m2 đất lúa bị bỏ hoang. UBND xã phải bỏ 400 triệu xây dựng hàng rào trên đất trống để tránh trâu bò vào chăn thả.
Dự án xây dựng trường học bị treo khiến hơn 5.000m2 đất lúa bị bỏ hoang. UBND xã phải bỏ 400 triệu xây dựng hàng rào trên đất trống để tránh trâu bò vào chăn thả.

Một số hộ dân muốn cải tạo khu vực đất này để trồng lúa lại nhưng do không biết thời gian dự án sẽ triển khai nên lại thôi.

Tại nhiều cuộc họ thôn xóm, các hộ dân có diện tích đất lúa liền kề của dự án bị ảnh hưởng do trâu, bò phá nhiều lần phản ánh lên chính quyền. Trước thực trạng này, tháng 10/2016, UBND xã Cẩm Hà đã phải huy động 400 triệu đồng từ nguồn lực xã hội hóa của phụ huynh học sinh trường THCS Sơn Hà xây hàng trăm mét bê tông tường rào.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho hay: “Do nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp, người dân chủ yếu làm nông nghiệp thuần túy, không thể huy động toàn bộ nguồn vốn cho dự án. Số tiền làm hàng rào hết 390 triệu đồng chia ra 3 năm, thu từ phụ huynh học sinh trường THCS Sơn Hà nhưng chỉ thu của phân hiệu ở xã Cẩm Hà nên mỗi năm thu được có 90 triệu đồng nên đến nay vẫn chưa gom đủ tiền xây dựng để trả hết chi phí hàng rào”.

"Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài không chỉ gây lãng phí đất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới của xã. Trong các cuộc họp, xã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kế hoạch cụ thể. Trong khi đó, quyết định phê duyệt dự án này đã hết thời hạn thi công. Hiện nay, chúng tôi rất cần hướng dẫn của huyện và tỉnh trong việc tiếp tục theo đuổi đầu tư dự án hay là chuyển đổi mục đích sử dụng số đất đã được thu hồi”, ông Hùng bày tỏ.

Sau nhiều năm chờ đợi dự án, chính quyền xã Sơn Hà hy vọng sớm có hướng dẫn của huyện và tỉnh trong việc tiếp tục theo đuổi đầu tư dự án hay là chuyển đổi mục đích sử dụng số đất đã được thu hồi
Sau nhiều năm chờ đợi dự án, chính quyền xã Sơn Hà hy vọng sớm có hướng dẫn của huyện và tỉnh trong việc tiếp tục theo đuổi đầu tư dự án hay là chuyển đổi mục đích sử dụng số đất đã được thu hồi

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Đăng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện đang có khá nhiều công trình đầu tư dở dang và “bị treo” như trường THCS Cẩm Hà. Huyện cũng đề nghị tỉnh có hướng dẫn cụ thể và có chính sách giải quyết đối với vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.

Về đầu tư công, trường THCS Sơn Hà không nằm trong danh sách được duyệt năm 2016-2017. Dự án này vượt ngoài khả năng đầu tư của huyện. Chúng tôi cũng chia sẻ và đề nghị xã với tư cách là chủ đầu tư phải chủ động cùng với các ngành tham mưu để tháo gỡ việc này. Những cái gì cần đến huyện về mặt chủ trương thì xã cần chủ động tham mưu cho huyện để huyện hỗ trợ. Việc mở rộng khuôn viên Trường THCS Sơn Hà là việc nhất thiết phải làm nhưng do giai đoạn hiện nay ngân sách còn hạn hẹp nên chưa có kinh phí đầu tư. Bây giờ chủ đầu tư phải làm tờ trình xin gia hạn chủ trương phê duyệt dự án, đồng thời đề xuất tỉnh bố trí vốn để đầu tư xây dựng”.

Phượng Vũ