Hà Nội: Khó có trường phổ thông nào đạt tiêu chí 40% GV dạy giỏi

(Dân trí) - Đấy là ý kiến của đại biểu tại hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện chính sách phát triển giáo dục và đào tạo sau ba năm thi hành Luật Thủ đô, do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức. Đa số các hiệu trưởng đã thảo luận tập trung quanh điều 12, Luật thủ đô về xây dựng trường chất lượng cao.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có 1.135 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó hệ thống trường công lập đạt chuẩn chiếm 52,7%. Bên cạnh đó, có 11 trường được công nhận trường chất lượng cao gồm: 2 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 1 trường THCS và 3 trường THPT. Ba trường chất lượng cao bậc THPT gồm: Nguyễn Tất Thành, Phan Huy Chú và Nguyễn Siêu. 14 trường hiện đang nỗ lực để vươn tới mục tiêu trường chất lượng cao.

Tại hội thảo, nhiều hiệu trưởng đề xuất điều chỉnh một số tiêu chí trong Luật thủ đô. Bà Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, việc xây dựng trường chất lượng cao không phải theo tiêu chí của thành phố mà thực sự có ý nghĩa trong lòng dân. Rất khó có trường phổ thông nào đạt tiêu chí 40% GV dạy giỏi.

HS Trường Phan Huy Chú, Hà Nội trong giờ học tập trải nghiệm (ảnh: website nhà trường)
HS Trường Phan Huy Chú, Hà Nội trong giờ học tập trải nghiệm (ảnh: website nhà trường)

Theo hiệu trưởng này, tình trạng chung hiện nay là mỗi năm trường chỉ cử được 3 GV đi thi, mà ko phải ai cũng đoạt giải. Vì vậy, bà Thu Anh kiến nghị, trong 5 năm nữa, các trường chất lượng cao sẽ có tỉ lệ 20% giáo viên giỏi. Ngoài ra, bà Thu Anh đề xuất, các trường chất lượng cao phải tổ chức giảng dạy 1 số môn song ngữ, đặc biệt về các môn khoa học cơ bản.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Phương, Hiệu phó Trường tiểu học Ban Mai (Hà Đông) đề xuất UBND TP điều chỉnh tiêu chí về đảm bảo chất lượng trường chất lượng cao. Theo bà Phương, tiêu chuẩn d/20/2013/QĐ-UBND yêu cầu: “80% trở lên học sinh xếp loại đạt giỏi, không quá 5% học sinh xếp loại trung bình”. Tuy nhiên, học sinh tiểu học hiện nay đang được đánh giá theo thông tư 30, không có quy định đánh giá chất lượng học sinh trung bình.

Bà Trần Thị Hoàng Lâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Đô thị Việt Hưng cũng cho biết, trường chất lượng cao phải đầu tư đồng bộ từ đồ dùng dạy học, thiết bị điện tử, phòng học chức năng, camera, bảng tương tác, khuôn viên, cây xanh, vườn hoa… đều đạt chuẩn. Tuy nhiên khi vào hoạt động, trường không đủ kinh phí chi trả cho giáo viên nên đề nghị TP tiếp tục hỗ trợ ngân sách hàng năm để đảm bảo chi trả 100% lương cho giáo viên.

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, sau 3 năm thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã phát đạt một số thành tựu khi triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia, xây dựng mô hình chất lượng cao đáp ứng nguyện vọng học tập của phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, mô hình trường chất lượng cao là mô hình mới, đặc biệt khi các trường tự chủ nên gặp không ít khó khăn trong chỉ đạo, quản lý, tài chính.

Mỹ Hà