DMagazine

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nhiều đêm tôi và anh em không ngủ được vì áp lực”

(Dân trí) - Trong hai năm soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cùng đồng nghiệp trải qua nhiều kỉ niệm khó quên. Vị Tổng chủ biên này chia sẻ: “Nhiều đêm tôi và anh em không ngủ được vì áp lực”.

Trong hai năm soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cùng đồng nghiệp trải qua nhiều kỉ niệm khó quên. Vị Tổng chủ biên này chia sẻ: “Nhiều đêm tôi và anh em không ngủ được vì áp lực”.

Phê bình khó chịu đến đâu cũng phải nghe

Tháng 11 năm 2016, GS Nguyễn Minh Thuyết được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bổ nhiệm làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sau 2 tháng, Bộ mới tuyển chọn được đủ chuyên gia từ các cơ sở giáo dục giới thiệu lên để thành lập Ban Phát triển Chương trình tổng thể và Ban Phát triển Chương trình môn học (dưới đây xin gọi chung là Ban soạn thảo chương trình).

Theo tiến độ, chương trình phải hoàn thành sau 2 năm, tức cuối năm 2018, chương trình phải được các Hội đồng Quốc gia Thẩm đinh chương trình thông qua và Bộ trưởng phê duyệt, công bố.

“Để làm một chương trình thể hiện đúng tinh thần đổi mới, thuyết phục được xã hội, và đúng tiến độ, nhiều đêm tôi và anh em trong Ban soạn thảo chương trình không ngủ được.

Chúng tôi thường trao đổi công việc qua email. Nhiều thành viên Ban soạn thảo chương trình hỏi tôi: 23h30 ông gửi thư cho tôi mà 2h sáng đã thấy ông gửi thư khác, vậy ông ngủ lúc nào? Thực ra, chẳng phải mình tôi mà tất cả anh em đều vất vả. Đấy là do áp lực về tiến độ”, GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nhiều đêm tôi và anh em không ngủ được vì áp lực” - 1

“Tôi thường “đả thông” anh em: Làm chương trình không khác gì làm công nhân vệ sinh môi trường, bởi đều là công việc phục vụ xã hội, người ta khen thì ít, người chê thì nhiều". 

Áp lực thứ 2, theo GS Thuyết, đó là mong muốn đạt được chất lượng cao, phải có cái mới, bởi theo ông, làm chương trình phát triển năng lực mà không có cái mới, rất khó để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ 3 là áp lực về dư luận. Ông nhìn nhận: Chương trình mới được mọi người chờ đợi nên rất nhiều người có ý kiến, trong đó có những ý kiến tương đối cảm tính.

“Tôi thường “đả thông” anh em: Làm chương trình không khác gì làm công nhân vệ sinh môi trường, bởi đều là công việc phục vụ xã hội, người ta khen thì ít, người chê thì nhiều. Nhưng dù người ta phê bình khó chịu đến đâu cũng phải nghe. Cũng không phải hơi trái tai một chút là lên báo tranh cãi ngay. Suốt ngày tranh cãi thì lấy đâu thì giờ làm việc! Mình làm tốt thì cuối cùng xã hội sẽ hiểu”, GS Thuyết thành thật chia sẻ.

Đôi khi chúng tôi “nổi khùng” và cãi nhau nảy lửa

GS Thuyết kể lại, để ra được Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ban soạn thảo chương trình phải họp đều đặn hằng tuần và trao đổi không biết bao nhiêu email. Nhiều đến mức, email của ông bị quá tải và khóa nhiều lần.

“Mỗi lúc thế, tôi phải xóa bớt tài liệu. Về sau, vì quá tải, email đó cũng không thể dùng được nữa. Thậm chí, trong những ngày cuối cùng hoàn thiện chương trình để chuẩn bị công bố, mạng của tôi bị nghẽn đến mức không thể làm gì. Có lúc tôi nghĩ quẩn, hay có ai phá? Hóa ra, chỉ là do quá tải nên email bị khóa”, ông nhớ lại.

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nhiều đêm tôi và anh em không ngủ được vì áp lực” - 2

Được biết Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới có tổng cộng 56 thành viên.

Vị Tổng chủ biên nhận xét: "Phần lớn số anh em này đều là đầu lĩnh của các môn học. Đã là đầu lĩnh thì không dễ nghe ai. Thống nhất được ý kiến của 55-56 con người là rất khó, đôi khi chúng tôi cũng “nổi khùng” và cãi nhau nẩy lửa.

Nhưng đối với tôi thì chuyện này bình thường vì tôi đã trải qua 2 khóa đại biểu Quốc hội, tham gia thẩm tra, hoàn thiện nhiều dự thảo luật, cãi nhau nảy lửa là chuyện cơm bữa."

“Để điều hành được công việc, tôi nghĩ trước hết mình phải không ngừng trau dồi hiểu biết. Thứ hai, phải có cách điều hành dân chủ để học hỏi được tất cả cái hay của mọi người.

Trong bất kỳ cuộc họp nào, tôi cũng đều ghi chép rất cẩn thận, cố gắng tìm ra điểm thống nhất, chưa thống nhất giữa mọi người, phân tích nguyên nhân và đối chiếu với yêu cầu để đưa ra giải pháp hợp lý; chỗ nào chưa đưa ra ngay được giải pháp thì để lại, nghiên cứu them.

Nhờ cách làm việc như vậy, đã phát huy được trí tuệ của mọi người và khi tổng kết anh em đều đồng ý vì thấy hợp lý”, GS Thuyết cho biết.

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nhiều đêm tôi và anh em không ngủ được vì áp lực” - 3

"Làm Chương trình phổ thông khó như làm dâu trăm họ. Vì làm chương trình là làm cho con em người dân, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình nên cả nước đều “soi”.

Không để lời ong tiếng ve ảnh hưởng đến công việc

Nhận xét về khó khăn, GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, làm Chương trình phổ thông khó như làm dâu trăm họ. Vì làm chương trình là làm cho con em người dân, ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình nên cả nước đều “soi”.

Trước những lời khen, chê trên báo chí và mạng xã hội, GS Thuyết cho rằng: “Những lời khen rất quý vì giúp chúng tôi tự tin là mình đã đi đúng đường, nhất là lới khen từ anh chị em giáo viên và những người nghiên cứu nghiêm túc.

Còn những lời chê bai, tôi nghĩ mình phải sàng lọc, cái gì đúng thì tiếp thu, cái gì chưa đúng cũng phải chấp nhận, không để lời ong tiếng ve ảnh hưởng đến công việc.”

Vào giai đoạn góp ý và thẩm định chương trình, tôi có thống nhất với các thành viên Ban soạn thảo phương châm ứng xử gồm 16 chữ: “Tiếp thu đầy đủ. Sửa chữa nghiêm túc. Giải trình thuyết phục. Thái độ thân thiện”. Anh em gọi đùa đó là “16 chữ vàng” và thực hiện rất tốt.

Chia sẻ về sự giúp đỡ của gia đình khi ông ở tuổi cao nhưng đảm nhận xây dựng chương trình này, GS Thuyết cho hay: “Nhà tôi là Phó giáo sư tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và cùng chuyên môn với tôi. Bà ấy đỡ tôi rất nhiều việc.

GS Nguyễn Minh Thuyết: “Nhiều đêm tôi và anh em không ngủ được vì áp lực” - 4

"Còn những lời chê bai, tôi nghĩ mình phải sàng lọc, cái gì đúng thì tiếp thu, cái gì chưa đúng cũng phải chấp nhận, không để lời ong tiếng ve ảnh hưởng đến công việc.”

Giai đoạn viết sách, vợ tôi là đồng tác giả. Suốt 2 năm dạy thực nghiệm ở 2 trường khác nhau, nhà tôi đi dự giờ rất đều đặn, ghi chép, trao đổi với giáo viên rất tỉ mỉ, nhờ vậy mà nhóm tác giả kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện được sách.

Tính tôi hòa nhã, chưa nổi xung với ai, nhưng nhiều khi do quá áp lực, tôi cũng không ít lần nổi cáu vì nhà tôi quá đam mê công việc, bất cứ lúc nào vợ chồng nói chuyện với nhau cũng đem chuyện chuyên môn ra bàn. Được cái phụ nữ rất bao dung nên sau khi tôi xin lỗi, bà ấy cũng bỏ qua. Nhưng nói thật, không bỏ qua cũng không được, vì bận như vậy, giận dỗi nhau sẽ khó làm được việc ”.

Về niềm tin vào sự thành công của Chương trình giáo dục phổ thông mới lần này, GS Thuyết cho rằng: “Tôi rất tự tin vào chương trình này vì các thành viên Ban soạn thảo chương trình đã nghiên cứu rất kĩ lưỡng lý luận và thực tiễn.

Tại cuộc họp xin ý kiến Ban Tuyên giáo Trung ương trước khi công bố chương trình, Giáo sư Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định Chương trình tổng thể nhận định, đây là chương trình được xây dựng bài bản nhất, có tư tưởng nhất của Việt Nam từ trước đến nay.

Tôi được biết trong một hội thảo khoa học gần đây, một vị Giáo sư của Đại học RMIT Việt Nam đánh giá rất cao chương trình này. Chương trình cũng được anh chị em cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên ở các lớp tập huấn hoan nghênh.

Đó là những căn cứ giúp chúng tôi thêm tự tin vào thành công của chương trình. Tôi chỉ mong Bộ GD&ĐT chỉ đạo tốt công tác triển khai để chương trình thật sự phát huy được tác dụng trong thực tế”.

Mỹ Hà