Giật mình khi 64% giáo viên nhận định học sinh lười học vì áp dụng Thông tư 30

(Dân trí) - Ngày 20/5, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) công bố kết quả khảo sát thực trạng thực hiện thông tư 30/2014/BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học khiến nhiều người giật mình. Trong đó, gần 64% giáo viên cho biết học sinh lười học hơn sau khi áp dụng thông tư 30.

Con số trên vừa được công bố tại "Diễn đàn khoa học đánh giá kết quả 1 năm thực hiện thông tư 30" (do Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức), với sự tham gia của nhiều nhà khoa học hàng đầu về giáo dục.

Học sinh không phấn đấu học tập

Mở đầu Diễn đàn, PGS.TS Vũ Trọng Rỹ (Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) cho rằng, đây không phải một đề tài nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, kết quả này có được từ một cuộc khảo sát xã hội được ông và cộng sự thực hiện nghiêm túc, công phu và bài bản qua tổng hợp ý kiến của giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý từ nhiều trường học ở 5 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ và Đà Nẵng.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều cách khác nhau như: phỏng vấn trực tiếp, qua phiếu hỏi hoặc tọa đàm. Trong đó, mỗi tỉnh, nhóm phỏng vấn 10 trường (5 trường ở thành phố và 5 trường ở nông thôn). Các phiếu hỏi được đưa ra với 20 câu với nhiều khía cạnh của thông tư 30.

Có 23 ý kiến phát biểu về thông tư 30 tại Diễn đàn
Có 23 ý kiến phát biểu về thông tư 30 tại Diễn đàn

Qua khảo sát cho thấy, sau khi áp dụng thông tư 30, giáo viên vất vả hơn nhiều so với trước đây, nhất là giáo viên vùng nông thôn do mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Đồng thời họ cũng gặp khó khăn khi thực hiện xét khen thưởng cuối kì và cuối năm học. Cha mẹ học sinh ít quan tâm đến việc học của con cái hơn vì hàng ngày không nhận được các bằng chứng điểm số về kết quả học tập.

Về phía học sinh, các em không bị áp lực về điểm số nên thoải mái hơn, tự tin hơn, chủ động hơn nhưng không chăm học như trước và thiếu động lực học tập.

Đặc biệt, trả lời câu hỏi: “Thực hiện đánh giá học sinh theo thông tư 30, có khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập không”? có 63,6% số giáo viên được khảo sát trả lời là “không”.

Với câu hỏi: “Sau một thời gian thực hiện đánh giá học sinh theo thông tư 30, tinh thần học tập của học sinh như thế nào”? Có 63,7% cho rằng học sinh lười học hơn trước, 30,5% cho rằng “bình thường” , chỉ 5,9% cho là “học sinh chăm học hơn trước”.

Ngoài ra, qua khảo sát cho thấy, đối với cán bộ quản lý đều ủng hộ chủ trương đổi mới của Bộ GD&ĐT, cần tiếp tục thực hiện thông tư 30. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên (và thông qua giáo viên về ý kiến cha mẹ học sinh)- những người đang trực tiếp thực hiện thông tư 30 thì cho rằng, muốn quay về đánh giá bằng điểm số.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học

Kiến nghị vừa nhận xét vừa điểm số

Với 23 ý kiến đánh giá tại diễn đàn, nhiều nhà khoa học đều tán thành, đây là chủ trương tốt và theo xu thế cần thiết phải đổi mới. Tuy nhiên, do triển khai vội vàng, chưa nghiên cứu kĩ nên nhiều điểm còn bất cập cần sửa đổi.

GS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội cho biết, ông đã đến tận các trường, dự giờ, gặp gỡ giáo viên học sinh và nhận được rất nhiều ý kiến. Trong đó, các cán bộ quản lý cho biết học sinh lười học hơn, nếu không sửa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Thứ hai, việc áp dụng thông tư 30 rất máy móc, không tính đến điều kiện làm việc của giáo viên nên nhiều lớp học sinh đông, ở miền núi còn tình trạng lớp ghép nên tạo áp lực rất nặng nề cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. GS Thuyết lấy thí dụ, ở Anh, học sinh mỗi lớp tiểu học từ 15- 25 em, do hai cô phụ trách, một cô giáo viên chính, một cô trợ giảng chuyên giúp đỡ học sinh yếu. Lương của cô giáo tính theo tỉ giá năm đó là 61 triệu đồng/tháng. Trong khi ở ta, nhiều đô thị, số học sinh lên đến 60 em/lớp, hoàn cảnh như vậy mà bắt giáo viên đánh giá từng em thường xuyên và ghi vào sổ từng nhận xét ấy thì khó kham nổi.

Thứ 3, việc áp dụng thông tư 30 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ học sinh đánh giá con như thế nào nên chưa có trường nào áp dụng được việc kết hợp này, đồng thời khiến phụ huynh có tâm lý lo lắng vì không biết học lực của con mình ra sao, cần chỉ bảo hướng dẫn con thêm những gì.

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, đại diện nhóm nghiên cứu khảo sát về TT30 tại một số tỉnh
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, đại diện nhóm nghiên cứu khảo sát về TT30 tại một số tỉnh

GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo Trung ương cũng nhận định, đổi mới việc đánh giá học sinh là đúng nhưng năng lực của chúng ta chưa đủ để thực hiện nên cần phải thay đổi.

“Tôi ủng hộ thông tư 30 nhưng cần phải từ từ và triển khai từng bước một. Địa phương nào có điều kiện như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì làm trước. Sau đó, mới triển khai nhân rộng ra”, ông Tăng cho hay.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, khi áp dụng cái mới, chắc chắn sẽ có nhiều khiếm khuyết. Nhất là khi so sánh với chương trình mới, đã thấy có nhiều điều ở TT30 cần phải thay đổi. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học để có thay đổi phù hợp.

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào (Trường ĐHSP Hà Nội) chia sẻ, TT30 thiếu một nửa định lượng, chỉ có định tính nên thiếu khoa học. Với một kỳ một bài kiểm tra như hiện nay, rất khó xác định được cụ thể năng lực ra sao. Vì thế, ông đề nghị thay đổi thông tư 30 phải có yếu tố định lượng. Định tính phải gắn với yếu tố định lượng mới sát thực.

“Hai năm qua, đi nhiều nơi tôi thấy buồn lắm. Cả một cấp học mà không có lấy một học sinh giỏi nào, chỉ có học sinh đạt hay không đạt. Động lực dạy/học ở trường rất hạn chế, không có sự phân hóa học sinh mà tất cả đều đồng loạt”, GS Hào tâm sự.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)