Giật mình học trò liên tiếp tự tử

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, 5 đứa trẻ trong độ tuổi học trò tự vẫn. Ngoài những áp lực từ đời sống, "xì chét" bủa vây những đứa trẻ là lời cảnh báo đến những bất ổn trong giáo dục - trước hết từ trong gia đình - có thể đưa tay đẩy con trẻ khủng hoảng.

Đau đớn những cái chết non trẻ

Gần đây, dư luận, người hâm mộ khắp nơi bàng hoàng trước cái chết của hai nữ ca sĩ thần tượng Hàn Quốc. Áp lực của giải trí Hàn được đặt ra, được quan tâm, được cảnh báo. 

Chẳng là chuyện bên Hàn, chẳng là chuyện ở làng giải trí. Ngay cạnh chúng ta, thời gian qua, liên tục có những đứa trẻ đang tuổi học trò tìm đến cái chết.

Nhắc đến như khoét thêm nỗi đau trong gia đình nhưng đó là một thực tế mà chúng ta phải đối diện.

Kỳ nghỉ giữa kỳ vào giữa tháng 10 vừa qua, hai học sinh lớp 10 tại một trường quốc tế ở TPHCM là chị em sinh đôi cùng nhảy lầu tự vẫn trong nỗi bàng hoàng tột cùng của tất cả mọi người.

Sau đó, nhà trường phát đi thông báo về sự việc, đồng thời lập tức mở những buổi tư vấn, trò chuyện để có thể hỗ trợ kịp thời cho học sinh. Ngoài ra, họ cũng kêu gọi phụ huynh "Hãy lắng nghe, ôm chúng và cho chúng biết rằng bạn yêu chúng".

Giật mình học trò liên tiếp tự tử - 1

Thông báo đau lòng về hai học sinh là chị em sinh đôi nhảy lầu tự vẫn tại TPHCM 

Rồi đến sự việc đau xót khi cô bé 11 tuổi ở Hà Nội được cho là nhảy lầu từ lầu 39 do em chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã nhau.

Mới đây, một nữ sinh 13 tuổi ở TPHCM thoát chết một cách kỳ diệu sau khi nhảy từ lầu 8 chung cư. Em được cứu sống nhưng cũng để lại tổn thương về thể chất nặng nề, nguyên nhân được em chia sẻ với các bác sĩ là do giận mẹ kiểm tra điện thoại của mình.

Ám ảnh về những cái chết non trẻ nhảy lầu chưa dứt thì tại Hà Tĩnh, ngày 30/11 một nữ sinh 16 tuổi nghi là nhảy cầu tự vẫn. Em để lại trên thành cầu chiếc xe máy điện, đôi dép cùng lá thư tuyệt mệnh với một nỗi đau khổ, uất ức vì thường xuyên bị mẹ la mắng, chê bai, so sánh 

Ra ngoài căng thẳng, về nhà thì chán chường

Các em con độ tuổi mà người lớn hay nói với nhau "chỉ mỗi ăn với học", những tưởng rằng, đó là lứa tuổi yêu đời, có gì phải lo lắng. Thế nhưng các em lại không hề thiết tha, không yêu cuộc đời, cuộc sống này.

Giật mình học trò liên tiếp tự tử - 2

Tuổi học trò đi bar, uống rượu bia bất cần đời (Ảnh minh họa)

Chuyên gia tâm lý lâm sàng trẻ em Lê Khanh (Phòng Tư vấn Tâm lý - Gia đình - Trẻ em) cho hay, tuần nào văn phòng tư vấn bé xíu của mình cũng đón tiếp vài ba bạn trẻ được bố mẹ áp tải đến vì các kiểu stress với nhiều vấn đề: chán học, nhức đầu, nghiện game, đánh nhau, không giao tiếp với bạn bè và gia đình...

Theo ông Khanh, tuổi trẻ đang bị "thập diện mai phục" với nhiều bủa vây xung quanh. Ở trường các em thiếu sự nâng đỡ về tâm lý do chính thầy cô cũng bị áp lực về thành tích, chương trình; bạn bè bạn bè ganh đua, thiếu chia sẻ, tôn trọng mà lại chọn ghẹo, kỳ thị. Việc sử dụng mạng xã hội thì như con dao hai lưỡi, các em chưa đủ sức phòng vệ để không lăng mạ, tấn công người khác cũng như để bảo vệ mình. 

Và đáng ngại nhất là những tác động, những phương pháp giáo dục trong gia đình áp đặt và buông lỏng, của những kỳ vọng không phù hợp với tính cách của đứa trẻ và của những biện pháp giao tiếp thiếu sự tôn trọng, tin tưởng, yêu thương và chấp nhận mà bố mẹ và con trao cho nhau. 

Việc này kéo dài từ ngày này qua ngày khác, cho đến một thời điểm thuận tiện khó tránh sự bùng nổ bằng một…giọt nước cuối cùng. 

Có nhiều trường hợp, khi trẻ đã bộc lộ những nguy cơ về một trạng thái rối nhiễu tâm lý, nhưng gia đình hoặc coi thường, chỉ cần thấy trẻ vẫn có thể đi học là được rồi, hoặc cũng không biết xử lý thế nào cho phù hợp.

Giật mình học trò liên tiếp tự tử - 3

Bạo lực, chơi bời, yêu đương bất chấp, đánh nhau... là những biểu hiện phản ánh sự bất ổn bên trong đứa trẻ 

Khi trẻ càng bộc lộ sự bất ổn, thì bố mẹ lại càng có những biện pháp không hiệu quả, mà còn có thể đẩy tình trạng của trẻ trầm trọng hơn. Như đẩy con đến một môi trường họ cho là tiến bộ nào đó, gửi đi du học hay có người mang con đến bệnh viện tâm thần để uống thuốc giống như để chữa những căn bệnh của về thân thể. 

Trong khi, đối với stress ở trẻ không thể điều trị bằng những liệu pháp trị liệu đến từ bên ngoài. Đó là dấu hiệu cho thấy những mối quan hệ bất ổn trong gia đình.

Một bác sĩ tâm lý đã nhiều lần chia sẻ trước ngành giáo dục, trước phụ huynh ở TPHCM về tình trạng, phòng khám tâm thần trẻ em quá tải, các bác sĩ làm việc... không xuể. Đó là lời kêu gọi phía gia đình, nhà trường hãy quan tâm đến vấn đề tâm lý của con trẻ.

Bố mẹ không phải chỉ kiếm tiền

Theo chuyên gia tâm lý lâm sàng trẻ em Lê Khanh, cái bây giờ gia đình thiếu nhất là sự nuôi dưỡng nhân cách cho con trong việc tạo ra những mối quan hệ bình an, vui vẻ, tự nhiên giữa cha mẹ và con cái qua những hoạt động cùng nhau: cùng làm, cùng ăn và cùng chơi.

"Gia đình phải trở thành một nơi chốn bình yên, một cõi đi về an toàn, một nơi nghỉ ngơi thư giãn cho cả nhà sau những giờ phút căng thẳng bên ngoài xã hội. Một cuộc sống hạnh phúc là buổi sáng ra ngoài xã hội với sự hăng hái, buổi chiều trở về nhà với sự háo hức", ông Khanh nói. 

Trách nhiệm của bố mẹ không phải chi là tìm kiếm danh vọng và tiền bạc. Tiền bạc có thể mua được mọi tiện nghi cho căn nhà, chứ không thể đem lại bầu không khí an bình và vui vẻ cho gia đình.

Hoài Nam