Thanh Hóa:

Giáo viên xin ra khỏi biên chế: Không phải ghét nghề mà bỏ

(Dân trí) - Gần đây, việc một giáo viên quyết định xin nghỉ việc, ra khỏi biên chế ngành giáo dục huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) đã đặt ra những băn khoăn cho dư luận. Để đi đến quyết định khó khăn này với bản thân cô giáo Vũ Thương Hà không hẳn là vì lý do sức khỏe...

Môi trường khác xa so với trước

Trong bối cảnh ngành giáo dục huyện Yên Định nói riêng và ngành giáo dục Thanh Hóa nói chung đang đối diện với những bất cập về công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự đầu năm học thì việc một giáo viên xin nghỉ việc, ra khỏi biên chế khiến nhiều người băn khoăn trước quyết định này.

Để rộng đường dư luận, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với cô Vũ Thương Hà - giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học xã Định Công (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Cô Vũ Thương Hà
Cô Vũ Thương Hà

Được biết, cô Hà bảo vệ Thạc sĩ chuyên ngành Tiếng Anh tại New Zealand. Chồng cô là Tiến sĩ Nguyễn Đức Việt, hiện đang công tác tại Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa.

Mở đầu câu chuyện, anh Việt chia sẻ: "Bản thân vợ chồng chúng tôi là những người yêu nghề, yêu quê hương và có trách nhiệm. Chính vì thế nên khi cả gia đình đang sống ở New Zealand, dù đang có cuộc sống sung túc nhưng chúng tôi vẫn quyết định quay trở về quê hương với mong muốn được đóng góp và cống hiến. Nhưng những gì thực tế diễn ra thì theo chiều ngược lại. Cái tâm và trách nhiệm của chúng tôi được minh chứng thế nào có thể trực tiếp hỏi tất cả các lứa học sinh đã từng dạy. Nếu học sinh đánh giá năng lực cô này kém, thì cô này cũng không xứng đáng tồn tại trong ngành”.

Trước đây, cô Hà công tác tại Trường THCS Định Tiến, huyện Yên Định. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2016-2017, huyện Yên Định đã bất ngờ ra quyết định điều động cô xuống Trường Tiểu học Định Công.

Theo anh Việt, khi vợ anh dạy ở trường THCS 2 Định Tiến thì lãnh đạo của nhà trường là những người rất có tâm, có tầm và cũng rất tạo điều kiện. Về chuyên môn đương nhiên phải bảo đảm, nhưng về thời gian được nhà trường hết sức tạo điều kiện thuận lợi.

“Khi chuyển về Trường Tiểu học Định Công thì nói thật không thể tiếp tục được vì lý do là từ việc chuyên môn của vợ tôi đang như thế. Người ta nói chuyển về gần hơn, nếu tính theo đường chim bay thì đúng là gần hơn, nhưng nếu đi theo đường bộ thì xa hơn rất nhiều”, anh Việt thẳng thắn.

Trước đó, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Yên Định cho biết, chưa nhận được đơn hay đề nghị nào của cô Hà về việc luân chuyển đến đơn vị nào. Tuy nhiên, điều này theo cô Hà là không đúng.

“Tôi dạy ở trường THCS Định Tiến phải đảm bảo về chuyên môn về chất lượng học sinh rồi. Tôi rất tha thiết với lứa học sinh mà tôi đang dạy dở, năm nay các em lên lớp 9, tôi cũng trình bày rồi. Thực sự là tôi có đơn, nhưng đơn xin ở lại trường thêm một kỳ, chứ không phải nói đến vấn đề gì cả. Hơn nữa, theo tôi biết, khi chuyển tôi đi thì trường thiếu hẳn một giáo viên. Lý do là có một cô đang nghỉ sản, một cô nữa thì bị điều đi tăng cường 50% ở trường khác, còn 50% nữa thì vào thời điểm mà tôi viết đơn xin ở lại, trường THCS Định Tiến đúng ra là phải có 1,5 giáo viên Tiếng Anh, nhưng chỉ có 0,5 giáo viên là đang thực làm việc”.

Nguyện vọng của cô Hà là muốn xin ở lại nốt học kỳ 1 để chăm lo cho đội tuyển học sinh lớp 9 mà cô đang kỳ vọng. Không chỉ gửi đơn mà cô Hà cũng đã gặp lãnh đạo huyện và Trưởng Phòng GD-ĐT trình bày. Tuy nhiên, sau một thời gian, những nguyện vọng của cô đề đạt đã không được giải quyết.

“Tôi đi dạy được một số hôm vì sức khỏe của tôi không được tốt lắm, tôi có bệnh trọng người và cũng trình bày với hiệu trưởng rồi. Nếu có thể thu xếp cho tôi bởi vì nếu mà phải đi nhiều quá thì tôi sẽ không đi được. Đi dạy quá xa và quá vất vả, trong khi đó về một môi trường mà nó thực sự khác so với những gì mà lâu nay tôi đang làm. Tôi chỉ thấy mình không muốn kéo dài việc đó thì tôi xin nghỉ thôi”, cô Hà cho biết.

"Không phải ghét nghề mà bỏ"

Theo khẳng định của anh Việt, có hai lý do dẫn đến việc vợ anh xin nghỉ việc và ra khỏi biên chế ngành giáo dục huyện Yên Định. Trong đó, lý do sức khỏe chỉ là phụ, việc sắp xếp bố trí nhân sự theo anh Việt là chưa hợp lý. Bởi bản thân chị Hà có trình trình độ chuyên môn căn bản, được đào tạo ở nước ngoài, là giáo viên cấp 2 nhưng đã có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí thế giới. Trong khi công việc đang ổn định, tràn đầy nhiệt huyết thì bất ngờ bị điều động xuống cấp 1.

Cô Hà một giáo viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tuy nhiên, việc bố trí sắp xếp của ngành giáo dục Yên Định là chưa hợp lý
Cô Hà một giáo viên được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tuy nhiên, việc bố trí sắp xếp của ngành giáo dục Yên Định là chưa hợp lý

“Bản thân lương tâm nghề nghiệp chúng tôi ai cũng là học sinh cả thôi. Nhưng để cống hiến theo đúng nghĩa của nó và cho phù hợp, tương thích và tương tác được thì rõ ràng là bất hợp lý, thui chột niềm đam mê của nghề nghiệp. Vấn đề tôi quan tâm là đạo đức của một cá nhân có trách nhiệm, tôi đã xác định cho vợ tôi nghỉ là nghỉ. Họ nói vợ tôi đã chuyển về gần, về gần như thế là đường chim bay, còn vợ tôi đi dạy là bằng đường bộ”, anh Việt trăn trở.

“Một khi cái tâm người ta không thông thì cái chí người ta không sáng và khi không còn nhiệt huyết, máu lửa thì hiệu quả công việc không còn. Ngọn lửa đang leo, phải cố gắng vun nó lên bằng những sự cảm thông, chia sẻ, bằng sự hiểu biết, bằng những cái tâm và tầm của người quản lý, của những người lãnh đạo thì mới kích thích người ta được; mới tạo ra được sân chơi công bằng, văn minh, dân chủ cho người ta. Tôi khẳng định là vợ tôi tâm huyết với nghề, tha thiết được đi dạy chứ không phải ghét nghề mà bỏ”, anh Việt chia sẻ thêm.

Sau khi gửi đơn đến nhà trường và Phòng GD-ĐT huyện Yên Định, cô Hà đang nghỉ ở nhà chờ đợi phản hồi của ngành chức năng về nguyện vọng của mình.

Duy Tuyên